Còn băn khoăn với quy định sử dụng ca-bin điện tử

Việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ban hành Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT nhằm yêu cầu cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và người học thực hiện nghiêm, đầy đủ thời gian học lý thuyết, thực hành nhận được sự đồng tình của xã hội.

Tuy nhiên, quy định lắp đặt, sử dụng ca-bin điện tử (ca-bin tập lái 3D) trong đào tạo lái xe ô tô lại nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Nội dung quy định tại Điểm a, Khoản 12, Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo đó, từ 1-1-2020, các cơ sở sát hạch lái xe ô tô phải lắp đặt camera giám sát tại sân sát hạch lái xe, phòng sát hạch lý thuyết và phải bảo đảm kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh (dạng video) về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý, giám sát, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với các sở GTVT và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Điều này sẽ là giải pháp quan trọng giúp tăng tính công khai, minh bạch và hạn chế tối đa việc gian lận trong thi cử. Đó cũng là một trong những vấn đề mang tính lâu dài trong việc kéo giảm tai nạn giao thông.

Ngoài ra, Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT quy định trong chương trình học giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C sẽ có thêm nội dung phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Học viên phải học đầy đủ thời gian của môn học lý thuyết mới được dự sát hạch. Mặt khác, thông tư cũng quy định các cơ sở đào tạo (CSĐT) phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số ki-lô-mét học lái xe trên đường của học viên. Cụ thể, theo lộ trình được quy định tại thông tư này, từ ngày 1-5-2020, các cơ sở đào tạo lái ô tô trên toàn quốc sẽ phải ứng dụng công nghệ nhận dạng để theo dõi thời gian học môn pháp luật giao thông đường bộ của học viên trên lớp; thời gian học thực hành thực tế là 84 giờ hoặc hơn 1.100km đối với giấy phép lái xe hạng B1, B2…

 Thực hành lái xe tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Đông Đô. Ảnh: LINH AN.

Thực hành lái xe tại Trung tâm Dạy nghề lái xe Đông Đô. Ảnh: LINH AN.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đánh giá: “Việc tăng cường ứng dụng công nghệ theo quy định của Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT giúp cơ quan quản lý nhà nước giám sát tốt hơn thời gian học lý thuyết, thực hành của học viên và cơ sở đào tạo, tránh tình trạng học qua loa, thi hình thức. Điều cần làm là phải giúp người dạy và người học nhận thức được lái xe không chỉ là hành động tham gia giao thông mà còn trở thành một nét văn hóa, đạo đức của người cầm lái”.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thuận Thành cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ những quy định trên của Bộ GTVT nhằm nâng cao chất lượng dạy và học lái xe. Thực hiện thông tư, từ ngày 1-1-2020, chúng tôi đã cho tiến hành lắp 7 camera tại các điểm theo quy định tại sân sát hạch lái xe và hai camera tại phòng sát hạch lý thuyết. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để triển khai thực hiện việc giám sát thời gian học lý thuyết và thực hành lái xe”.

Bên cạnh những mặt được trên, quy định tại Khoản a, Điểm 9, Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT về việc yêu cầu phải có số giờ thực hành trên ca-bin điện tử là 3 giờ/học viên đối với phần học thực hành lái xe ô tô lại đang gây tranh cãi. Thực hiện quy định này, các CSĐT lái xe ô tô sẽ phải đầu tư khá nhiều kinh phí để mua ca-bin điện tử và chi phí vận hành, bảo dưỡng. Hiện nay, một số ca-bin điện tử đang được chào bán với giá gần 500 triệu đồng/ca-bin, xấp xỉ giá mua một chiếc xe ô tô 4 chỗ đời mới. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là việc học trên ca-bin điện tử có thực sự mang lại hiệu quả hay không? Trước vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm: “Một năm chúng tôi đào tạo từ 3.000 đến 4.000 người, vậy phải đầu tư ít nhất từ 3 đến 5 ca-bin điện tử. Giả sử mỗi khóa có 100 người học, với quy định mỗi người phải thực hành 3 giờ trên ca-bin điện tử thì một ngày mỗi ca-bin chưa đáp ứng đủ cho 3 người. Trong khi đó, thời gian mỗi khóa học có hạn. Ngoài ra, các bài lái trên ca-bin điện tử cũng đều có trong quá trình lái thực tế, nếu xoay tua thì người lái thực tế về học trên ca-bin sẽ rất nhàm chán và không mang lại hiệu quả”.

Ông Nguyễn Thành Huân, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề lái xe Đông Đô, chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân: “Với khả năng đào tạo từ 8.000 đến 10.000 người/năm, chúng tôi phải đầu tư từ 10 đến 15 ca-bin điện tử, rất tốn kém. Từ năm 1995, các cơ sở đào tạo lái xe đã phải trang bị ca-bin điện tử theo quy định của Bộ GTVT, nhưng đến năm 2007 lại bỏ và không có một nghiên cứu hay đánh giá nào về hiệu quả mà nó mang lại. Trên thế giới, các nhà khoa học của Đại học Granada (Tây Ban Nha) đã đánh giá 2.888 nghiên cứu riêng biệt được công bố trên các cơ sở dữ liệu khoa học thế giới từ trước đến nay để đánh giá xem việc học lái xe bằng các thiết bị mô phỏng có hiệu quả, giảm tai nạn giao thông hay không. Kết quả được công bố trên tạp chí hàng đầu về giao thông là Transportation Research Part F (ISSN: 1369-8478, số 62, năm 2019) cho thấy, hiệu quả của thiết bị chưa được khẳng định hay phủ nhận. Vì thế tôi cho rằng, Bộ GTVT nên có lộ trình thực hiện quy định này trong 1 đến 2 năm, cần có thí điểm và đánh giá hiệu quả, tránh triển khai ồ ạt, gây lãng phí và tạo gánh nặng cho các CSĐT xã hội hóa. Ngoài ra, thời gian thực hành trên ca-bin điện tử nên để người học ra sân lái nhiều hơn”.

Những ý kiến trên là có cơ sở và hiện chúng ta chưa thể khẳng định hay phủ nhận hiệu quả việc thực hành lái xe ô tô trên ca-bin điện tử. Hơn nữa, việc đầu tư rất tốn kém, dễ trở thành gánh nặng cho các CSĐT trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Vì thế, trước hết Bộ GTVT nên triển khai thí điểm ở một số CSĐT nhằm nghiên cứu, đánh giá cụ thể hiệu quả của thiết bị này để đi đến thống nhất có triển khai đồng loạt hay không.

ĐỨC TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/con-ban-khoan-voi-quy-dinh-su-dung-ca-bin-dien-tu-611814