Còn bất cập trong quy định về di chúc, thừa kế

Việc để lại tài sản cho người thân là quyền dân sự của công dân. Quyền này được Hiến pháp và pháp luật dân sự thừa nhận, bảo vệ. Do đó, người có tài sản được quyền lập di chúc nhằm để lại tài sản cho người khác khi chết.

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh (phải) tư vấn về vấn đề thừa kế cho người dân ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh (phải) tư vấn về vấn đề thừa kế cho người dân ở P.Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đoàn Phú

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Quy định là vậy nhưng thực tế áp dụng vẫn còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng.

* Rắc rối với “di chúc miệng”

Ông Nguyễn Hải (ngụ xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) cho biết, cha ông có căn nhà và đất diện tích 1 ngàn m2. Trước khi mất tại nhà, trên giường bệnh cha của ông có trăn trối là cho 2 vợ chồng ông toàn bộ tài sản này. Lúc đó, có 3 người hàng xóm làm chứng và cùng điểm chỉ, ký tên khi ghi chép lại điều cha của ông nói. Tuy nhiên, ông Hải vẫn không khỏi băn khoăn vì không biết việc ghi nhận này có được pháp luật công nhận hay không.

Về nội dung này, luật sư Nguyễn Đức phân tích, theo quy định, trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

“Trường hợp không được công chứng hoặc chứng thực trong thời hạn 5 ngày làm việc thì di chúc miệng sẽ mất hiệu lực dẫn tới tài sản trên sẽ được phân chia theo pháp luật. Đây là một trong những bất cập của quy định pháp luật liên quan đến di chúc, thừa kế” - luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh.

Giải thích cho vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức cho biết, do điều luật không quy định cụ thể nghĩa vụ thực hiện việc công chứng hoặc chứng thực là do ai sẽ thực hiện (người thừa kế được hưởng di sản hay những người làm chứng về việc để lại di chúc theo quy định của pháp luật). Điều này gây ra cách hiểu khác sau, có ý kiến xác định người hưởng di sản có thể thực hiện việc công chứng, chứng thực di chúc mà đã được những người làm chứng ghi lại theo ý chí, tâm tư, nguyện vọng của người có tài sản để lại. Ý kiến khác lại cho rằng, việc tiến hành công chứng hoặc chứng thực này chỉ có thể do người làm chứng thực hiện (người thừa kế có thể đi cùng người làm chứng).

“Chính quy định chưa rõ nghĩa vụ công chứng, chứng thực nên việc đánh giá giá trị của di chúc miệng trong thực tiễn sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, nếu cho rằng bắt buộc người làm chứng phải thực hiện việc công chứng, chứng thực, nếu họ không thực hiện dẫn đến di chúc bị vô hiệu thì quyền và lợi ích của những người thừa kế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong trường hợp này, sẽ phát sinh trách nhiệm của người làm chứng, điều này là không hợp lý” - luật sư Nguyễn Đức nói.

* Còn vấn đề cần được làm rõ

Theo Khoản 1, Điều 625, Bộ luật Dân sự năm 2015, người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 630 của bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Còn Khoản 2, Điều 625 nêu rõ, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) phân tích, quy định nêu trên là căn cứ để xác định chủ thể lập di chúc (là người định đoạt tài sản của mình thông qua hành vi của chính mình). Vì vậy, điều kiện về độ tuổi và năng lực chủ thể của người lập di chúc là những điều kiện quan trọng, quyết định trong việc xác định giá trị pháp lý của di chúc. Tuy nhiên, Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng còn bất cập.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 625, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chưa bao quát cũng như chưa có sự thống nhất với những quy định về chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự nói chung và chủ thể trong giao dịch dân sự nói riêng. Còn Khoản 2, Điều 625 không những chưa chặt chẽ mà lại còn thiếu nội dung quan trọng là quy định về năng lực hành vi dân sự của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Mặt khác, trong quy định về việc phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người giám hộ về việc những người này lập di chúc vẫn còn nhiều điểm cần xem xét như: thời điểm, hình thức… của sự đồng ý này cụ thể là như thế nào.

Bởi lẽ, Khoản 1, Điều 630, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép (điểm a). Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật (điểm b).

Luật sư Lưu Hồng Khanh phân tích, theo Điểm a, Khoản 1 thì người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Vậy căn cứ nào để xác định được người lập di chúc tại thời điểm đó là minh mẫn, sáng suốt. Điều này vẫn chưa được luật làm rõ. Ngoài ra, cũng rất khó để xác định được người lập di chúc có bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép hay không. Vì nội dung của điều khoản này không cụ thể nên việc áp dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, nếu có tranh chấp xảy ra cũng sẽ rất khó để giải quyết được thỏa đáng.

“Sự bất cập trong các quy định nêu trên của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thừa kế theo di chúc thật sự gây khó khăn trong thực tiễn khi thực hiện, áp dụng luật. Do đó, việc hướng dẫn giải quyết các vướng mắc, tồn tại này cần được thực hiện bằng các văn bản dưới luật kịp thời và đồng bộ” - luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) kiến nghị.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202105/con-bat-cap-trong-quy-dinh-ve-di-chuc-thua-ke-3057415/