Còn bất đồng trong xác định di sản tư liệu và bảo vật quốc gia trong Luật Di sản và Luật Lưu trữ
Sau 20 năm ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung, hiện nay Luật Di sản văn hóa dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đặc biệt qua các sự việc bảo tồn di sản, di sản bị thất lạc hoặc bị mua bán trái phép. Đây cũng là vấn đề được đặc biệt quan tâm tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với cơ quan soạn thảo và các bộ ngành để rà soát dự án Luật Di sản văn hóa sửa đổi trước khi trình Quốc hội cho ý kiến trong kì họp thứ 7 sắp tới.
Dự án luật này đã giảm từ 24 điều xuống còn 20 điều, giao Chính phủ quy định chi tiết; tăng cường phân cấp phân quyền; đồng thời cắt giảm 3 thủ tục hành chính so với luật hiện hành; hướng đến đơn giản, dễ thực hiện.
Ban soạn thảo cũng đã chỉnh lý, tiếp thu 1 số vấn đề còn ý kiến khác nhau hoặc chồng chéo giữa các luật. Về quy định cấm kinh doanh bảo vật Quốc gia, đã bổ sung, làm rõ quy định bảo vật quốc gia được chuyển nhượng trong nước; nhưng không được kinh doanh. Điểm còn nhiều ý kiến khác nhau nhất là dự thảo Luật Di sản văn hóa sửa đổi chưa có sự thống nhất với Luật Lưu trữ (sửa đổi) trong xác định di sản tư liệu và bảo vật Quốc gia. Vì thế, Bộ Văn hóa Thể thảo và Du lịch kiến nghị chỉnh lý tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt nhằm bảo đảm thống nhất.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà các vấn đề chưa rõ phạm vi điều chỉnh như trên có thể giao cho Chính phủ quy định thay vì quy định cứng trong luật; đồng thời phải có cơ chế cho các vấn đề đặc thù như văn hóa. Bên cạnh đó, đề nghị ban soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ để kịp trình UBTVQH vào tháng 4 và trình Quốc hội trong kì họp tháng 5 tới đây.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!