Con bỗng trở nên ích kỷ chỉ vì những lời 'cảnh cáo' của bà nội
Không giống chỉ số IQ thường khó thay đổi, gia đình có thể thay đổi phương pháp giáo dục để cải thiện EQ của đứa trẻ.
EQ mô tả khả năng nhận dạng cảm xúc, hiểu được ý nghĩa và nhận ra tác động của chúng đối với người xung quanh. EQ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đứa trẻ, là tiền đề giúp con xây dựng mối quan hệ chất lượng và đưa ra quyết định trong tương lai. Không giống như IQ rất khó thay đổi, EQ là thứ mà bạn có thể giúp con cải thiện được.
Tiểu Minh có cô con gái 3 tuổi. Thời gian gần đây, cô bắt đầu nhận được vài lời phản ánh từ giáo viên kể lại con gái Tiểu Minh thường xuyên giành đồ chơi và thức ăn của bạn. Đó là thói quen xấu mà trước đó, con gái Tiểu Minh không hề có.
"Có thời điểm bạn đến gần, cô bé bỗng nhiên trừng đôi mắt tức giận. Vì sợ bạn giành đồ, con còn thô lỗ đẩy bạn ngã xuống đất", giáo viên chủ nhiệm kể lại loạt hành động bất thường của con gái Tiểu Minh.
Sự thay đổi trong tính cách của con gái khiến Tiểu Minh đau đầu. Cô bắt đầu nhìn lại cách giáo dục từ vợ chồng mình, nhưng nhận thấy cả hai đều không dạy con trở thành đứa trẻ ích kỷ.
Mãi đến khi cả nhà cùng quây quần ăn tối, Tiểu Minh mới tìm hiểu được nguyên nhân của vấn đề. Trước đây, con gái Tiểu Minh rất biếng ăn, phải mất nửa tiếng bé mới ăn xong một bữa. Thông thường, vợ chồng Tiểu Minh thường dùng biện pháp khuyến khích con ăn cơm, thế nhưng đến lượt bà nội, cách giáo dục đã thay đổi hoàn toàn.
Khi thấy cháu gái cứ ngậm mãi cơm trong miệng mà không chịu nuốt xuống, bà nội lập tức dùng rất nhiều từ ngữ dọa nát: "Nếu cháu vẫn còn không chịu ăn cơm, trong khu nhà mình có một quái vật rất đáng sợ, nó sẽ ăn hết cơm và cho cháu nhịn đói", "Nếu cháu không tiếp tục ăn cơm, đứa trẻ nhà hàng xóm sẽ bắt cháu nhịn ăn 3 ngày 3 đêm"...
Trước lời "cảnh cáo" của bà nội, con gái Tiểu Minh vội vàng nhét cơm vào miệng. Tiểu Minh dần hiểu ra vấn đề của con gái bắt đầu từ đâu. Sau khi tâm sự với mẹ chồng, Tiểu Minh đã phát hiện sự thật, hóa ra mỗi khi con gái cô không vâng lời hoặc đập phá đồ đạc, bà nội sẽ dọa có một ai đó lấy mất đồ chơi và thức ăn của bé. Cũng từ đây, tâm lý ích kỷ, sợ bị cướp thứ đồ yêu thích của con gái Tiểu Minh đã bắt đầu được nhen nhóm.
Dẫu biết mọi hành động của mẹ chồng đều xuất phát từ lòng yêu thương cháu, Tiểu Minh vẫn âm thầm đón con gái về nhà. Cô hối hận vì đã bị công việc cuốn lấy mà để mặc việc chăm sóc con cho bà nội, khiến tâm lý và tính cách của trẻ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Rõ ràng, cách giáo dục của gia đình ảnh hưởng lớn trí tuệ cảm xúc của đứa trẻ. Theo nghiên cứu của Sohu, nếu đứa trẻ thích nói 4 câu này khi còn nhỏ, khả năng cao con sẽ có EQ thấp khi lớn lên. Cha mẹ nên lưu ý và quan tâm con kịp thời.
4 câu nói của trẻ là biểu hiện EQ thấp khi trưởng thành
1. "Tất cả là của con"
Ích kỷ là một trong những biểu hiện rõ ràng nhất của người EQ thấp. Tính chiếm hữu cao khiến con không muốn chia sẻ món đồ yêu thích với người khác, tệ hơn là dùng biện pháp tiêu cực để độc chiếm chúng. Những đứa trẻ như vậy thường rất khó kết bạn, bướng bỉnh với người lớn và luôn trong tâm trạng stress vì phải nghĩ cách giữ lấy món đồ mà chúng muốn.
2. "Con không làm điều đó"
Một biểu hiện khác của EQ thấp là thích trốn tránh trách nhiệm. Nhiều đứa trẻ nghĩ rằng khi bản thân làm sai, chỉ cần đẩy lỗi lầm sang cho người khác, con sẽ không bị phụ huynh trách phạt. Thông thường, tâm lý xấu này của con xuất phát từ sự nuông chiều của cha mẹ.
Đứa trẻ mang tâm lý này khi lớn lên sẽ hình thành thói quen trốn tránh trách nhiệm, luôn thấy bản thân đúng và không bao giờ chịu chấp nhận nguyên nhân của mọi việc đến từ bản thân. Trong mắt người khác, con trở thành người không đáng tin, từ đó không lấy được tình cảm từ cả sếp và đồng nghiệp.
3. "Con không làm được"
Đứa trẻ EQ thấp khi gặp vấn đề sẽ tìm cách rút lui, ỷ lại vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Dù chưa biết công việc đó khó khăn đến đâu, con liền nói với người lớn: "Con không làm được". Thương con, nhiều bố mẹ liền tìm cách giúp đỡ đứa trẻ vượt qua vấn đề, cũng từ đó lấy mất từ con cơ hội được rèn luyện tính tự lập và học hỏi từ thất bại. Mặt khác, đứa trẻ được cha mẹ quá nuông chiều cũng hình thành tâm lý nhút nhát, ngại đối diện với thử thách mới, từ đó khó gặt hái được thành công.
4. "Bạn ấy quá tồi tệ"
Biểu hiện của người EQ thấp là thích dìm người khác để nâng vị thế của mình lên. Người EQ thấp cũng tự tin quá mức vào năng lực bản thân và coi thường thành tích của người khác. Thay vì tìm cách trau dồi nội lực bên trong, họ tìm thấy niềm vui bằng cách nhìn thấy thất bại của mọi người.
Những đứa trẻ như thế này rất dễ đánh mất các mối quan hệ, luôn suy nghĩ bản thân là tốt và khó tìm cách thay đổi để tiến lên.
Nguồn: Sohu