Còn chật vật lắm để xử lý tiêu cực, tham nhũng
Chừng nào chưa đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí là chủ nghĩa quan liêu, thì cả hệ thống còn chật vật để xử lý các biểu hiện khác nhau của tiêu cực, tham nhũng.
Chủ nghĩa quan liêu: Mảnh đất dung dưỡng nạn tham nhũng
Ủy viên Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Hậu nêu quan điểm như trên khi cho ý kiến vào dự thảo báo cáo về công tác xây dựng Đảng, thi hành điều lệ Đảng tại buổi lấy ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng diễn ra sáng nay (28/10).
Đề cập về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, PGS.TS Trần Hậu nhận định, dự thảo báo cáo nêu khá đầy đủ về tinh thần kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống quốc nạn này. Tuy nhiên, theo ông Hậu, cần đi sâu vào nguồn gốc của hiện tượng tham nhũng, lãng phí là chủ nghĩa quan liêu.
“Chủ nghĩa quan liêu sản sinh ra tệ độc đoán, chuyên quyền, chủ quan, duy ý chí, gia trưởng, phong kiến, xa dân, thói đặc quyền đặc lợi, lợi ích nhóm... Đó là mảnh đất dung dưỡng nạn tham nhũng, lãng phí, do đó để chống tham nhũng tận gốc, cần phải chống chủ nghĩa quan liêu, chống chính sách và cơ chế quan liêu, chống tác phong lãnh đạo và quản lý quan liêu” – ông Hậu chỉ ra.
Chống tham nhũng, ông Hậu nhìn nhận, dù xử hết đại án này đến đại án khác, kỷ luật cán bộ đủ các cấp nhưng mới chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Chừng nào chưa chống được chủ nghĩa quan liêu thì “cả hệ thống còn chật vật lắm để xử lý các biểu hiện khác nhau của tiêu cực, tham nhũng”.
Ông Hậu cũng lưu ý, cần chú trọng ngăn chặn tình trạng tham nhũng vặt. “Trong cuộc chiến chống tham nhũng cần kiên quyết xử lý những vụ tham nhũng lớn, nhưng không xem nhẹ chống tham nhũng vặt” – ông Hậu cảnh báo.
Bởi lẽ, tuy là tham nhũng vặt, nhưng nó ảnh hưởng nhức nhối đối với cuộc sống hàng ngày của người dân, nếu để tích tụ lâu ngày thì hậu quả sẽ lớn. “Phải chăng chúng ta mới dừng việc chống tham nhũng vặt ở việc giáo dục, vận động... mà chưa có giải pháp hữu hiệu nào hơn về mặt pháp lý” – PGS.TS Trần Hậu đặt vấn đề.
Phải kiểm soát quyền lực thật tốt
Cũng cho ý kiến về công cuộc phòng, chống tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào Phạm Xuân Sơn đề nghị phải có một mục riêng hoặc một phần riêng đánh giá về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo ông Sơn, các đại hội lần trước cũng đã nhận diện ra nguy cơ tham nhũng. Mặc dù đến nay Đảng và Nhà nước ta chưa có những biện pháp để ngăn ngừa hoặc là ngăn chặn triệt để tệ nạn này, chưa thể làm cho những người những người thoái hóa không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng…. nhưng những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ này là rất ấn tượng.
“Trong phần dự thảo báo cáo chính trị có đưa nội dung chống tham nhũng vào một mục trong công tác xây dựng Đảng nhưng rất mờ nhạt, mà theo dư luận điều mà người ta hân hoan nhất, phấn khích nhất chính là chống tham nhũng” – ông Sơn nhận định.
Vẫn theo Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Đối ngoại Kiều bào, đa số mọi người đều mong muốn công tác này được tiếp tục triển khai triệt để hơn trong thời gian tới. Mong muốn những người mà có bản lĩnh có trí tuệ có đạo đức liêm khiết, kiên quyết kiên trì chống tham nhũng nên tiếp tục sự nghiệp này.
Còn GS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thì cho rằng, để chống tham nhũng thành công phải kiểm soát quyền lực thật tốt. Ông Lý cũng yêu cầu phòng, chống tham nhũng phải quyết liệt hơn, cần có chế tài thật rõ, thật nghiêm về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng.
“Phải thu hồi triệt để thì mới ngăn chặn được tham nhũng” – ông Lý nói.
Nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chỉ ra phản ánh, tại Singapore, người bị điều tra tham nhũng, dù chưa thành án nhưng cơ quan điều tra có quyền yêu cầu giải trình về tài sản, giải trình không được thì lập tức bị kê biên tài sản đó, chờ thành án sẽ xử lý.
Còn tại Việt Nam hiện nay, các cơ quan trong quá trình điều tra “chưa thể làm gì”, chờ thu thập đầy đủ chứng cứ, sau một vài tháng quay lại thì tài sản trong tay các đối tượng hầu hết đã bị tẩu tán.