Con chiến sĩ hy sinh ở Rào Trăng: 'Sao ba chưa về hả mẹ'?
'Nghe con hỏi tại sao ba chưa về hả mẹ, lòng tôi lại quặn thắt', chị Trang ôm cậu con trai 5 tuổi vào lòng dỗ dành.
Những ngày qua, TP Huế mưa xối xả khiến tuyến đường về nhà đại úy Tôn Thất Bảo Phúc (Trưởng ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên- Huế) ngập nước. Hai hàng cờ rủ dọc đường làm cho khu phố thêm đượm buồn.
Hôm nay (ngày 18/10), Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 sẽ di quan, đưa thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Rào Trăng về với gia đình.
'Nghe con hỏi, lòng tôi quặn thắt'
Trong căn nhà cấp 4 ở hẻm đường Hùng Vương, ông Tôn Thất Tập (cha anh Phúc) cùng vợ là bà Lê Thị Tâm thất thần nhìn ra cổng như muốn ngóng đợi một ai đó. Phía trong, chị Phùng Hữu Hoàng Trang (vợ anh Phúc) đang ru cháu Tôn Thất Bảo Minh (hơn 1 tuổi) ngủ.
Ở hiên nhà, con đầu của của vợ chồng anh Phúc tên Tôn Thất Bảo Hưng (5 tuổi) vẫn nô đùa với nhóm trẻ cùng trang lứa. Chị Trang kết hôn với đại úy Phúc từ 6 năm trước. Hai vợ chồng đã có 2 con nhưng do đặc thù công việc nên người chiến sĩ công binh thường xuyên xa nhà.
"Các cháu còn quá nhỏ nên chưa hiểu, vẫn vô tư nô đùa như không có chuyện gì xảy ra. Ban ngày, chúng nó nô đùa như vậy nhưng tối lại quấy khóc gọi tên ba. Tôi phải lấy bộ quân trang của anh ấy để đầu giường cho có hơi thì hai đứa mới ngủ", chị Trang kể rồi ôm con vào lòng.
Đang chơi cùng nhóm bạn, Bảo Hưng sực nhớ điều gì đó rồi chạy đến bên mẹ thì thầm: "Sao ba đi công tác chưa về hả mẹ? Mẹ khóc à, Bảo Hưng sẽ gọi điện mách ba đó".
Nghe con nói vậy, chị Trang đi vào phía trong lấy chiếc khăn lau vội hai hàng nước mắt. "Mỗi lúc nghe con hỏi tại sao ba chưa về, lòng tôi lại quặn thắt", chị Trang ngậm ngùi.
Chuyến hành quân định mệnh
Vốn là một người lính công binh nên ông Tập luôn hướng cho con trai mình đi theo đường binh nghiệp. Mẹ là giáo viên, từ nhỏ anh Phúc được học hành bài bản.
"Kinh tế gia đình không khá giả nhưng chúng tôi cũng cố gắng để nuôi con ăn học thành tài. Hiểu lòng ba mẹ, cả 2 con tôi đều học giỏi, lễ phép", bà Lê Thị Tâm tự hào khi nói về 2 con trai.
Bà Tâm kể năm 2005, anh Phúc trúng tuyển vào trường Sỹ quan Công binh. Sau nhiều năm rèn luyện trong môi trường quân ngũ, thanh niên quê Thừa Thiên - Huế ra trường với tấm bằng tốt nghiệp loại khá.
"Năm 2010, nó được nhận về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh công tác", ông Tập nhớ lại. Người cha cho biết trong thời bình hay lúc chiến tranh, những người lính công binh “luôn đi trước về sau” với bao gian khó, hiểm nguy rình rập.
Chiều 12/10, tại huyện Phong Điền mưa to kết hợp với việc các nhà máy thủy điện xả lũ khiến hàng trăm ngôi nhà ngập chìm trong nước. Theo lệnh cấp trên, đại úy Phúc cùng một số sĩ quan ở lại hiện trường, tháp tùng đoàn công tác Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo chính quyền địa phương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Chiều cùng ngày, thông tin từ nhà máy thủy điện Rào Trăng báo về có vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến hàng chục công nhân mất liên lạc. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, ra lệnh cho đoàn công tác lập tức hành quân, tiến thẳng vào khu vực Rào Trăng để giải cứu những người gặp nạn.
Khi 21 cán bộ, chiến sĩ đến tiểu khu 67 thì trời tối lại mưa to nên mọi người vào nhà điều hành của kiểm lâm tạm dừng chân, bàn kế hoạch khi trời sáng sẽ tiếp tục hành trình.
Tuy nhiên, khi mọi người vừa chợp mắt do thấm mệt, hàng nghìn khối đất ở quả đồi ven đường bất ngờ sạt lở, ập xuống. 8 người trong đoàn phát hiện kịp thời nên may mắn thoát khỏi hiện trường. Thảm họa Rào Trăng đã khiến đại úy Phúc và 12 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Trưa 14/10, khi đơn vị báo tin đại úy Phúc mất liên lạc, ông Tập vẫn không tin con mình hy sinh. Ông luôn có niềm tin rằng dù trong hoàn cảnh gian khó nhất, người lính công binh vẫn luôn biết cách cứu người và tự bảo vệ mình thoát khỏi hiểm nguy.
Khuya 15/10, khi xe cứu thương lần lượt đưa 13 thi thể về Bệnh viện Quân y 268, lúc đó ông Tập mới hết hy vọng. "Con tôi và đồng đội đã anh dũng hy sinh vì dân, vì nước", ông Tập nói.
Lễ viếng 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh bắt đầu từ 7h đến 11h ngày 18/10. Lễ truy điệu diễn ra trong khoảng 11h-12h cùng ngày. Từ 12h đến 13h sẽ tổ chức lễ di quan. Tang lễ của các quân nhân được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận Lộc, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế).