Còn có anh và em, cùng tình yêu ở lại

Sau hơn 30 năm ngày mất của Lưu Quang Vũ, kịch của ông vẫn tạo nên những cơn sốt với khán giả Thủ đô. Các vở đều được diễn vào giờ vàng. Chương trình truyền hình riêng về kịch Lưu Quang Vũ vé bị săn lùng ráo riết. Riêng giới trẻ, họ tìm ra một cách tiếp cận khác để nhìn rõ hơn tác giả đắt khách này.

Chương trình đặc biệt về kịch Lưu Quang Vũ tạo nên cơn sốt vé

Chương trình đặc biệt về kịch Lưu Quang Vũ tạo nên cơn sốt vé

Sẵn sàng mua vé vì Lưu Quang Vũ

Chương trình “Quán Thanh Xuân” mặc định là không bán vé. Riêng số tháng 8 có chủ đề về kịch Lưu Quang Vũ: “Điều không thể mất” nhà Đài phải chuyển địa điểm từ trường quay sang Nhà hát Tuổi trẻ. Số lượng ghế ngồi đột nhiên gấp ba song đến một tuần trước khi sự kiện diễn ra, thậm chí có cả vé chợ đen trên mạng. Nhiều người khao khát đi xem ba trích đoạn: “Lời thề thứ 9”, “Bệnh sĩ” và “Tin ở hoa hồng” đến mức sẵn sàng bỏ tiền mua vé. Số khán giả may mắn có vé sớm tạo hẳn forum “khoe” trên facebook, không khí rộn ràng khiến người ta nhớ đến những cơn sốt vé bóng đá của người Việt.

Rất đông khán giả trẻ tham gia đêm thơ Vũ – Quỳnh

Rất đông khán giả trẻ tham gia đêm thơ Vũ – Quỳnh

Xem lại chương trình đặc biệt về Lưu Quang Vũ mới thấy, ông đã và đang được yêu như thế nào.

Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Chí Trung cho biết: Gần bốn mươi năm qua, mỗi lần nhà hát dựng vở mới của Lưu Quang Vũ là một ngày hội của diễn viên trẻ. Có người cát xê rất cao nhưng vẫn sẵn sàng bỏ cả phim để về xin vai. Đến giờ, trước mỗi lần dựng vở chúng tôi vẫn giữ thói quen ra mộ anh thắp hương, mời anh chị về xem chúng tôi tái tạo không gian xưa bằng hơi thở ngày nay.

NSND Doãn Châu bùi ngùi kể: Lưu Quang Vũ là một phần đời tôi. Anh viết tổng cộng hơn 50 tác phẩm, tôi là người cộng tác với anh tác phẩm đầu tiên và cuối cùng, riêng đoạn giữa cũng chiếm con số hàng chục. Một trong những danh xưng mà tôi tự hào đó là “Châu là cặp bài trùng với Vũ”. Trong một thời gian rất dài, ê kíp của chúng tôi gồm tác giả Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, nhạc sĩ Phó Đức Phương, họa sĩ Doãn Châu đã làm nên rất nhiều vở kịch trong giai đoạn vàng của sân khấu Việt Nam.

Vợ chồng nghệ sĩ Đỗ Kỷ - Lan Hương được chào đón trong tiết mục đọc thư tình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Vợ chồng nghệ sĩ Đỗ Kỷ - Lan Hương được chào đón trong tiết mục đọc thư tình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

NSUT Minh Trang nhớ lại: Khi đoàn kịch Hà Nội mang kịch Lưu Quang Vũ vào Sài Gòn diễn, liên tục 1 ngày 3 suất, mà lúc nào cũng hết vé, có người không có ghế, phải đứng, họ đã khóc và cười cùng nhân vật suốt hai tiếng đồng hồ. Đó là cảm giác vô cùng tuyệt vời.

Nhà báo Phạm Thục nhận xét: Kịch anh Vũ rất khác kịch trong Nam. Khán giả xem cũng với tâm thế khác. Thông thường, người ta vỗ tay vì hết vở, hết cảnh, nhưng ở kịch Lưu Quang Vũ đến những câu thoại đắt, hay người ta cho rằng chạm vào trái tim thì họ đứng bật dậy vỗ tay, điều đó là rất lạ. Hết suất diễn, ra ngoài họ lại tiếp tục bàn và tranh cãi về vở kịch vừa xem.

NSND Lê Khanh khẳng định, thế hệ của chị lớn lên cùng tác phẩm của Lưu Quang Vũ, cả tuổi đời lẫn tuổi nghề, cả về nhận thức. Kịch Lưu Quang Vũ cho chị biết thế nào là tác phẩm lớn, và lớn ở cái gì.

“Khi tôi còn làm ở nhà hát kịch, trong những buổi tập chị Quỳnh đều xuất hiện bên anh Vũ, từ đầu đến cuối”.

Nghệ sĩ Minh Vượng

Riêng Nhà hát Tuổi trẻ, nơi dựng vở diễn đầu tay của Lưu Quang Vũ “Sống mãi tuổi 17” đã dựng hẳn một loạt tác phẩm và gọi chung là “Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ” bao gồm: “Lời nói dối cuối cùng”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”, “Ai là thủ phạm?”, “Lời thề thứ 9” và trở thành một trong những tiết mục ăn khách nhất, bất chấp gu hài kịch đang thống trị quầy vé
hiện nay.

Giới trẻ mê thơ Vũ - Quỳnh

Hồi tháng 4, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã tổ chức rất thành công một đêm thơ Lưu Quang Vũ với tên gọi “Se sẽ chứ kẻo cánh buồm bay mất”. Toàn bộ sân vườn một quán cà phê trong ngõ phố Hoàng Hoa Thám ngồi kín khán giả, đa phần là người trẻ. Người ta đọc thơ Lưu Quang Vũ và thơ Xuân Quỳnh như một thứ code (mật mã) để nhận ra nhau. Các nhạc sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư hứng thú phổ thơ Lưu Quang Vũ. Nhiều bài hát lần đầu công bố đã bắt đầu được các ca sĩ dòng indie (độc lập) tiếp cận và lan tỏa. Có thể kể đến: “Tiếng Việt” của Lê Tâm, “Quán cà phê ngoại ô” của Nguyễn Bình Đức, “Em vẫn mơ về” của Giáng Son...

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết: Đối với những người tầm tuổi tôi, họ tiếp cận với thơ Lưu Quang Vũ nhiều hơn là kịch Lưu Quang Vũ. Giới 8X nhiều người coi thơ Lưu Quang Vũ gần như thơ của thủ lĩnh tinh thần, có tiếng nói, sự thay đổi, cách mạng, dám sống, dám tin, dám yêu. Ngoài ra còn có sự đồng điệu, có lấp lánh huyền thoại tình yêu với chị Quỳnh. Rất khó nhắc đến thơ Lưu Quang Vũ mà thiếu Xuân Quỳnh. Tình yêu của họ là một huyền thoại sống cho đến hôm nay.

Nói thêm về tình yêu đặc biệt này, nghệ sĩ Minh Vượng kể: Khi tôi còn làm ở nhà hát kịch, trong những buổi tập chị Quỳnh đều xuất hiện bên anh Vũ, từ đầu đến cuối, và chị nhẫn nại ghi chép những phản hồi của đạo diễn, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ... không sót thứ gì. Tôi bảo em tưởng anh Vũ nghe là đủ rồi, thì chị cười, chị ghi lại, về anh chị sẽ tổng hợp lại và sửa.

Trong kho kỷ niệm của danh hài: “Anh Vũ ít tuổi hơn đạo diễn Nguyễn Đình Nghi nhưng anh Nghi luôn trân trọng nói “anh Vũ và tôi”, “tôi nể trọng anh Vũ”. Thoại của anh ấy là thoại của nhà thơ, rất lạ, câu nào cũng như có nhạc, mà thấm thía. Anh Vũ hồi ấy nghèo lắm, đi xe chả ra Liên Xô chả ra Đức, tuột xích suốt. Anh rủ tôi ra hồ Ha Le uống nước chè, tâm sự: “anh biết ơn Quỳnh, nhờ Quỳnh anh tự tin hơn, bởi anh chỉ là nhà thơ, đến nhà hát Quỳnh theo anh từng bước chân, động viên anh từng tý. Anh có hôm nay một phần nhờ Quỳnh”.

Có một tác giả Nguyễn Đỗ Lưu

Vũ rất yêu thơ, có một câu thơ của nhà thơ nước ngoài anh tâm đắc lắm, hay nhắc: “cuộc sống của chúng ta trưởng thành lên được là nhờ những sự đau đớn, và bài ca tuyệt vời nhất bắt đầu từ sự tuyệt vọng”. Cho nên dù thơ hay là kịch của Vũ buồn thế nào, tuyệt vọng thế nào cuối cùng vẫn nhói lên tin yêu.

Những năm 90, kịch Vũ gần như thống trị sân khấu cả trong Nam ngoài Bắc. Nhiều người mê anh đến không tưởng tượng nổi.

Một lần, tôi đi công tác Sài Gòn về, ngồi trên sân bay cầm mẩu giấy báo gói bánh mỳ thấy câu chuyện hay mới vuốt phẳng cầm về bảo Vũ, viết đi! Sau đó, chúng tôi mời thêm đạo diễn Ngọc Phương cùng làm ra “Đôi dòng sữa mẹ”, ký là Nguyễn Đỗ Lưu (Nguyễn Ngọc Phương, Đỗ Doãn Châu, Lưu Quang Vũ). Tác phẩm cực kỳ đắt khách, bảy tám đoàn dựng. Mấy năm sau có ông Nguyễn Đỗ Lưu ở Nghệ An ra nhận đây là tác phẩm của ông ấy. Chúng tôi phải lên Hội Sân khấu đề nghị làm rõ trắng đen.

(NSND Doãn Châu)

An An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/con-co-anh-va-em-cung-tinh-yeu-o-lai-1451172.tpo