Còn cơ hội cho VN-Index vượt 1.300 điểm trong năm nay?
Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mà không thủng 1.200 điểm cho thấy đây là nền hỗ trợ cứng. Song, vùng 1.300 cũng là vùng kháng cự mạnh và xác nhận năm nay chưa thể vượt qua ngay.
Trong suốt một năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đặc biệt chịu ảnh hưởng nhiều của tỷ giá, biến động của Vn-Index luôn ngược chiều so với chỉ số DXY. Trong tuần qua, khi DXY giảm từ mức cao 108 xuống dưới 105, khối ngoại có 6 phiên liên tiếp mua ròng, VN-Index phục hồi và bật tăng mạnh mẽ.
Khởi động tuần này, khi DXY tăng trở lại khối ngoại quay xe bán, Vn-Index giằng co và điều chỉnh. Chỉ số rung lắc mạnh và mất mốc 1.250 điểm với lực chốt lời diễn ra mạnh mẽ.
Nhận định về thị trường giai đoạn này, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank, cho rằng phản ứng khối ngoại hiện tại bám khá sát với thị trường tài chính thế giới, xu hướng dòng vốn quốc tế và độ mạnh, yếu của đồng USD. Trong tuần vừa qua, đồng USD yếu tương đối rõ, DXY giảm hơn 1% so với đỉnh, qua đó dòng vốn quay trở lại thị trường Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Dù vậy, không phải lúc nào khối ngoại bán ròng mạnh thì thị trường cũng giảm. Giai đoạn tiền rẻ 2020 – 2021, khối ngoại bán ra 2 tỷ USD, thị trường gần như không giảm thậm chí đi lên đỉnh mới. Do vậy, ảnh hưởng của khối ngoại còn phụ thuộc vào tình hình thị trường. Khi thị trường Việt Nam mạnh với mặt bằng lãi suất thấp và có câu chuyện thì kể cả khối ngoại bán ròng mạnh thị trường vẫn đi lên.
Trong năm nay, diễn biến thị trường luôn là khối ngoại bán thị trường chỉnh nhưng không quá mạnh, nhưng khi khối ngoại mua ròng thì thị trường lên tích cực. Có 3 nhịp bán ròng mạnh là tháng 3 và 4, 7 và 8, giai đoạn bán cao trào diễn ra vào đáy thị trường tháng 11. Nhà đầu tư mua ròng nhẹ trở lại giúp tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn, những cổ phiếu nào được mua ròng đều tăng tốt.
Về cơ cấu nhà đầu tư, cá nhân trong nước đang là lực đỡ chính cho lực bán ròng của khối ngoại và tổ chức trong nước. Đến tuần vừa qua, khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại thì nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước cũng mua ròng.
Rõ ràng, khi thị trường có mức chiết khấu hợp lý thì nhà đầu tư tổ chức quay trở lại mua, họ mua cho thấy tầm nhìn cho trung hạn, triển vọng năm sau. Nhìn vào quá khứ, xu hướng dòng tiền vào tổ chức trong nước cũng tăng trưởng mạnh năm nay, đặc biệt là ở những nhịp VN-Index chiết khấu mạnh như tháng 4 và tháng 11.
Dòng tiền từ nhà đầu tư tổ chức trong nước và nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ là trợ lực giúp thị trường năm nay không giảm quá sâu, ổn định, tích lũy dần hình thành nền giá mới để đi lên cho năm sau.
Đối với chỉ số, VN-Index đã phục hồi tiến sát 1.250 điểm và tăng khoảng 40 điểm từ đáy chủ yếu nhờ tỷ giá tuần qua có điểm sáng. Tuy nhiên, thanh khoản chưa có dấu hiệu hồi phục, nhịp hồi tuần qua vẫn xác định là nhịp hồi ngắn hạn với VN-Index.
Nhìn lại DXY từ 2017 đến nay, lần nào DXY tạo đỉnh và đi xuống thì VN-Index thường có dấu hiệu tạo đáy và đi lên. Ngược lại, lần nào DXY tạo đáy và đi lên thì VN-Index điều chỉnh và đi xuống. Trong giai đoạn 2023 – 2024 vừa rồi, đặc biệt là 2 tuần gần đây, DXY chạm ngưỡng rất cao 108. Tại đây, tỷ giá liên ngân hàng của Việt Nam cũng gần chạm trần lên mức 25.400 đồng/USD.
Trong bối cảnh căng thẳng như vậy, áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài diễn ra mạnh. Tuần qua, khi DXY yếu đi thì khối ngoại quay lại mua ròng. Còn hiện tại, DXY lại đảo chiều tăng lại. Đồng thời, sau một khoảng thời gian phục hồi nhưng không kèm thanh khoản, VN-Index chạm lại vùng kháng cự 1.255 – 1.265.
"Tôi cho rằng thị trường có thể tạo ra nhịp cân bằng hơn trong ngắn hạn khi mà tỷ giá ổn định tương đối và kỳ vọng hạ nhiệt thời gian tới", ông Sơn nói.
Về kỹ thuật, xu hướng ngắn hạn, VN-Index đang test lại ngưỡng cản 1.255 – vùng xác định xu hướng uptrend hay nhiễu động thời gian qua. Nếu trong trường hợp chỉ số xây nền tại 1.255 kèm thanh khoản tăng thì xác nhận chỉ số ổn định và tiếp tục phục hồi vào cuối năm.
Nhìn lại, các đáy của VN-Index đã thiết lập chắc chắn quanh 1.200. Do vậy, trong năm nay, vùng hỗ trợ quanh 1.200 rất mạnh. Trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mà không thủng 1.200 cho thấy đây là nền hỗ trợ cứng. Song, vùng 1.300 cũng là vùng kháng cự mạnh và xác nhận năm nay chưa thể vượt qua ngay.
Trong bối cảnh hiện tại, thị trường vẫn đang giao dịch trong ngưỡng 1.200 – 1.300 và test lại khu vực 1.250. Điểm tích cực là nhà đầu tư nước ngoài giảm bán ròng và quay trở lại mua ròng tuần vừa qua. Điểm tích cực thứ 2 là dòng tiền nội đang trở lại nhưng vẫn tương đối thận trọng. Nhà đầu tư có thể đang chờ chỉ số DXY bình ổn hơn và tín hiệu mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài chắn chắn hơn.
Do đó, kịch bản thị trường giảm sâu khó xảy ra, VN-Index đã dao động trong biên rộng nhưng đang thu hẹp dần và nhà đầu tư nội rất kiên cường cân được lực bán ròng hơn 3 tỷ USD năm nay.
Đối với năm sau, thị trường chứng khoán có nhiều câu chuyện như thay đổi hệ thống giao dịch, nâng hạng, tăng trưởng GDP tăng tích cực. Do vậy, thị trường chỉnh là cơ hội mua.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/con-co-hoi-cho-vn-index-vuot-1-300-diem-trong-nam-nay.htm