Con có trở thành bác học mà không có trái tim thì không biết sẽ đi về đâu!
Sau này con hành học giỏi giang, lỡ trở thành nhà bác học mà không có trái tim biết yêu thương, chia sẻ thì cũng không biết sự thành đạt ấy sẽ đưa con đi đến đâu.
Cuối ngày đi làm về mệt mỏi, thấy bà ngoại bọn trẻ đang còng lưng lau nhà. Hai đứa nhỏ, tuy mới học cấp một và cấp hai nhưng lớn như thanh niên rồi, nằm vắt chân chơi điện thoại. Sẵn mệt mỏi trong người, tôi cáu:
- Sao các con nằm lì ra đó để bà lau nhà. Có biết là bà đau lưng không? Có biết bà bị thoát vị địa đệm không?
Bà cười hiền, gắng đứng thẳng vì lưng còn đau, nói đỡ cho hai đứa: Các cháu vừa mới chơi thôi con. Mẹ làm được mà. Cho các cháu nó chơi!
- Cái gì bà cũng làm thay chúng nó hết. Cơm thì thiếu đút vào miệng chúng nó. Quần áo thì bà giặt, là sẵn, kêu chúng nó dậy đi học còn làm mình làm mẩy. Đến ăn cũng phải mời, phải lạy lục chúng nó. Chúng nó có biết ơn đâu bà!
Nghe tôi nói vậy, con lớn đứng dậy tỏ thái độ ra cầm chổi từ tay bà, lau nhà. Tôi càng cáu:
- Chừng ấy tuổi, lớn như thanh niên rồi, để bà làm việc nặng nhọc mà cầm điện thoại chơi coi như không có gì thì đến chịu, lớn lên nhờ được gì. Bố vừa nhắc là tỏ thái độ ngay. Con xem lại mình đi…
Bà ra ngoài ghế ngồi thở. Hai đứa lau nhà. Tôi vào phòng nằm một lúc, tránh nói nữa nóng quá lại từ đúng thành sai. Thực sự là tôi không chấp nhận được hai đứa nhỏ được chiều chuộng quá mức. Nó không lao động, sao nó sáng tạo, sao mà thấu hiểu cho người khác được.
Cũng vì được chăm bẵm đến tận răng nên khi có điều gì đó không hài lòng là chúng nó giận ngay được. Cách phản ứng của con bé khi cầm chổi quét thay bà như kiểu ban ơn, trong khi đáng lẽ đó là việc của nó. Tôi đợi ăn cơm xong, tìm cách chơi với chúng nó để nói cho chúng biết rõ về chuyện này.
Tôi kêu chúng nó vào phòng xem mấy clip ưa thích. Hằng ngày trước khi đi ngủ, bố con vẫn xem mấy clip vui kiểu này. Xem xong tôi nói:
- Lúc chiều bố nóng vì thương bà. Hai đứa không giận bố chứ?
- Không bố ạ. Bọn con xin lỗi!
- Ở trường các con học phải lễ phép, hiếu thảo với bố mẹ, ông bà. Đó là học lý thuyết. Nhưng phải thể hiện tình yêu, lòng hiếu thảo đó phải bằng những hành động cụ thể. Hôm nay, bà lau nhà, các con nằm như thế là không được. Hằng ngày bà nấu cơm, giặt quần áo, lo cho các con từng miếng ăn giấc ngủ, các con phải thể hiện lòng biết ơn bằng việc giúp việc nhà cho bà đỡ vất vả. Còn nếu học như vẹt, nói như vẹt thì không giải quyết được gì. Các con biết học nhiều mà không làm người ta bảo gì không, là “mọt sách” đấy. Mọt sách là ăn trong sách, ngủ trong sách, không có ích gì cả. Học là phải hành, là phải áp dụng những gì đã học, làm việc có ích…
Hai đứa hiểu ra một phần và tỏ vẻ hối lỗi. Nhưng bấy lâu nay mẹ và bà làm hết, có lẽ hiểu cũng chỉ là lý thuyết thôi, phải yêu cầu chúng thực hành mới được.
Tôi nói tiếp:
- Từ nay con gái giúp bà nấu cơm, rửa bát. Thứ bảy, chủ nhật nếu con không bận học thì nấu cơm cho bà. Thằng Cu dọn dẹp nhà cửa, như quét dọn, sắp xếp đồ đạc vào đúng vị trí. Bố sẽ khen thưởng và nhắc nhở theo công việc đã phân công. OK chứ?
Chúng nó hào hứng hẳn. Có vẻ quyết tâm và bố con không nặng nề chuyện chiều nay nữa. Nhân dịp vui vẻ, tôi giảng giải tiếp:
- Ở một số quốc gia trên thế giới, trước khi ngồi vào mâm cơm ăn, người ta làm lễ cảm ơn trời đất, thần linh, cảm ơn những người nông dân vất vả làm ra hạt lúa, củ khoai và các sản phẩm khác. Một số gia đình, trước khi ăn còn làm lễ mời tổ tiên, ông bà, những người đã khuất… Đó là thể hiện lòng biết ơn, là sự hiếu kính. Các con quá sung sướng, cái gì bà và mẹ cũng làm cho hết, ăn xong chạy thẳng vào phòng, để lại đống bát đĩa một mình bà làm cho tối mịt mới hết việc. Chưa nói biết ơn đâu xa, các con biết ơn bà, thể hiện lòng biết ơn bằng hành động hằng ngày.
- Chúng con hiểu rồi. Vừa làm việc nhà vừa học giỏi cho bố mẹ và bà vui ạ!
- Học giỏi là bố mẹ vui. Nhưng, các con ngoan là vui nhất. Ngoan là biết chia sẻ, biết thương yêu gia đình. Nếu các con thành nhà bác học, thành ông nọ bà kia lẫy lừng mà không có trái tim biết yêu thương thì gia đình, quê hương cũng không nhờ được điều gì đâu các con ạ. Đến ông bà, bố mẹ, các con cũng có thể quên luôn không chừng. Các con nhớ điều này nhé!
Nhân chuyện dạy con, làm tôi nhớ đến cái status trên Facebook của một nhà báo nổi tiếng ở VTV, đại ý: Hằng ngày chúng ta cho đứa trẻ ăn kẹo, nó vui, nó cười, nó yêu bố, yêu mẹ. Nếu một tháng 30 ngày, chúng ta cung cấp kẹo đầy đủ 29 ngày, nhưng chỉ thiếu 1 ngày không có kẹo thì nó sẽ réo lên. Nó quên hết sạch 29 ngày chúng ta cung cấp kẹo, mà chỉ nhớ 1 ngày không có kẹo. Chúng trách móc, giận hờn vì ngày đó không có kẹo.
Đây là thái độ vô ơn từ việc chúng ta cho lo con con cái một cách quá mức. Chúng ta làm việc thay nó (đáng lẽ là việc của nó), chúng nó sẽ cho rằng đó là nghĩa vụ chúng ta phải làm thế và chúng đương nhiên được hưởng!
Nếu chúng nó có khả năng kiếm kẹo để ăn thì hãy để chúng làm. Khi chúng kiếm đủ kẹo để ăn 29 ngày, nhưng có 1 ngày không thể kiếm nổi, chúng ta sẽ cho nó kẹo. Chúng nó sẽ biết ơn vì cái kẹo ấy!
Chỉ có lao động mới giúp chúng nó hiểu ra nhiều điều ngoài sách vở. Lao động sẽ sinh ra thấu hiểu và lòng biết ơn. Không biết thấu hiểu, chia sẻ, biết ơn thì càng lớn càng hỏng. Có là nhà bác học, thành ông này bà nọ thì cũng vứt đi thôi!