Con Cuông: Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng
Thực hiện Tiểu dự án 1: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Dự án 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2023, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ 6.000 ha, với tổng kinh phí 2,7 tỷ đồng. Bảo vệ rừng và khoán bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên gần 27 nghìn ha, kinh phí thực hiện gần 11,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện trợ cấp trên 677 tấn gạo, cho 7.523 khẩu nghèo để bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích hơn 6.700 ha, trong đó, diện tích nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ trên 2.138 ha; diện tích bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên 2.961 ha và diện tích trồng rừng sản xuất gần 1.606 ha.
Theo thông tin từ UBND huyện, đối với kinh phí bảo vệ rừng và khoán bảo vệ rừng đã cấp nguồn, địa phương đang triển khai giải ngân và sẽ hoàn thành trước ngày 15/12/2023. Nội dung trợ cấp gạo bảo vệ, phát triển rừng cho hộ nghèo đang lập hồ sơ nghiệm thu tại các hộ dân và sẽ hoàn thành công tác giải ngân trong tháng 12/2023.
Con Cuông là một trong những địa phương có tổng diện tích rừng trồng lớn nhất Nghệ An. Nguồn lực đầu tư từ Tiểu dự án 1 Dự án 3 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã và đang giúp đồng bào các dân tộc thiểu số chuyển đổi diện tích rừng kém hiệu quả sang rừng keo lai, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn; đồng thời giúp địa phương đạt được mục tiêu giữ độ che phủ rừng ở mức 85% trở lên, duy trì vị thế huyện có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất tỉnh.