Côn Đảo - cảm xúc tháng 7

Ngày đầu tháng 7, tôi may mắn khi được cùng đoàn cán bộ phụ nữ huyện Lâm Hà ra thăm Côn Đảo, nơi mà tôi thầm mong ước được đến thăm để trải nghiệm phần nào sự hùng thiêng trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Bãi Nhát - hoang sơ, thơ mộng

Từ Lâm Hà đến Vũng Tàu, đồng hành với gần 600 người bằng tàu Trưng Trắc lênh đênh trên biển mênh mông và cũng như mọi người, trải nghiệm đầu tiên là say sóng… nhưng tôi vẫn lên boong tàu để được cảm nhận nắng, gió đại dương và thấy lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới giữa màu xanh biếc của biển trời quê hương. Sau 4 giờ vượt biển, tàu của chúng tôi đã cập cảng Côn Đảo. Trước mắt là màu xanh của biển, trời và màu xanh của núi làm cảm giác say sóng cũng như tan biến bởi không khí trong lành, khung cảnh hoang sơ của đất trời Côn Đảo. Cảm nhận đầu tiên: Bình yên.

Từ bến cảng về trung tâm Côn Đảo qua cung đường ven biển dài khoảng 15 km, qua bãi Nhát, một bãi biển hoang sơ với bờ cát trắng mịn và nước biển trong xanh lấp lánh, trên bờ là bãi đá sỏi xếp chồng lên nhau thật đẹp. Ở nơi thơ mộng và hùng vĩ này có 198 tù nhân đã từng vượt ngục vào năm 1952, mặc dù cuộc vượt ngục ấy bất thành nhưng cũng làm bộ máy cai trị của thực dân Pháp lung lay ý chí. Tôi dần bị mê hoặc vào những trang sử hào hùng của mảnh đất này.

Ấn tượng với những gốc bàng cổ thụ dọc các con đường, đây thực sự là loài cây biểu tượng của đảo. Cây Bàng ở Côn Đảo rắn rỏi, xanh tốt và được ví như linh hồn, như “chứng nhân” của lịch sử, đã từng chứng kiến quá khứ bao đau thương nhưng rất đỗi oai hùng của các tù nhân chính trị năm xưa trên Côn Đảo. Tôi đã nhặt hai chiếc lá bàng rơi ghép lại… cái màu đỏ tươi và rực sáng như trái tim và dòng máu sục sôi của những người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất.

Tôi đến Cầu tàu 914, điểm dừng chân của hàng chục vạn người tù lên đảo - điểm bắt đầu cho những tủi nhục, bi thương để về trại giam nhà tù Côn Đảo, nơi nổi tiếng về chính sách hình phạt dã man của bọn thực dân, đế quốc, ghi dấu về một thời đau thương của những người tù bị tra tấn bằng đòn roi và kiệt sức vì vận chuyển những tảng đá sắp thành lớp, thành khối khi xây dựng Cầu tàu 914. Cũng nơi đây, 2.000 tù chính trị đã được trở về đất liền để tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Một số đồng chí đã trở thành lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vào cuối năm 1954, thực dân Pháp phải đưa gần 600 tù binh và trên 1.000 tù án qua Cầu tàu 914 về trao trả cho Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 01 tháng 5 năm 1975, tù chính trị Côn Đảo chớp thời cơ, nổi dậy làm chủ hoàn toàn ở Côn Đảo. Cầu tàu 914 cũng là nơi liên lạc của những người tù chính trị với Đảng cộng sản, với xứ ủy Nam kỳ, với ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ… và là nơi trung chuyển sách lý luận Mác - Lê nin, sách văn học, báo chí, thư từ, tài liệu mật đến với người tù chính trị. Trong kháng chiến, Cầu tàu 914 là cột mốc đánh dấu những mất mát, những đau thương, khi Côn Đảo được giải phóng. Cầu tàu 914 cũng là nơi chứng kiến về sự khởi đầu cho sự tự do của những người tù, chấm dứt vĩnh viễn hơn thế kỷ “địa ngục trần gian". Trên chuyến tàu đầu tiên ra giải phóng Côn Đảo vào ngày 04/5/1975, 500 tấm ảnh Bác Hồ in lụa đã chuyển tới Cầu tàu 914 và được những người tù trang trọng rước về từng trại giam và rồi ít ngày sau, từng đoàn tù lần lượt tập trung ra Cầu tàu 914 Côn Đảo để trở về với đất liền.

Đến thăm các Trại giam Phú Hải, Trại giam Phú Sơn và Trại giam Phú Bình, hệ thống trại giam được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”… những câu chuyện kể về tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ với bao nghịch cảnh đau thương phải chịu đựng của những chiến sĩ yêu nước bị giam cùm, tra tấn dã man, trong đó có những tên tuổi như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn An Ninh, Lê Duẩn… Ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của những người con vì đất nước,vì dân tộc bất chấp đòn roi và sự tra tấn, những người tù vẫn học tập chính trị, văn hóa và cất tiếng ca để át đi gông xiềng. Tinh thần thép của họ đã trở thành huyền thoại Côn Đảo.

Đến Nghĩa trang Hàng Keo, giờ đây chỉ còn một tấm bia ghi lại dấu tích thời kỳ đau thương. Dưới những hàng cây kia là khoảng 10.000 tù nhân chính trị yêu nước đã bị vùi lấp. Bây giờ cây keo đã được thay thế bằng rừng cây tự nhiên và còn đó những hài cốt của tù nhân nằm dưới lòng đất chưa tìm thấy, còn đó chứng tích đầy ai oán, khiếp đảm của thực dân và đế quốc đã gây ra cho hàng nghìn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước, họ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc,vì dân tộc Việt Nam. Nơi đây là một bài học sâu sắc để giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ hôm nay và mai sau.

Viếng Nghĩa trang Hàng Dương vào buổi chiều ngập nắng, khung cảnh thật yên tĩnh ấy là nơi yên nghỉ của hơn 2.000 liệt sĩ mà hơn nửa là những liệt sĩ chưa biết tên. Chúng tôi đã đi lần lượt hết từng khu mộ, từng tên anh hùng liệt sĩ… Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Anh hùng Võ Thị Sáu, Anh hùng Cao Văn Ngọc, Anh hùng Lê Văn Việt, Anh hùng Trần Văn Thời… tim tôi như bị bóp nghẹt, đau nhói, mắt nhòe dần khi đọc những cái tên trên bia mộ… Rất nhiều những bia mộ chưa biết tên là đau thương, mất mát của những gia đình, đồng đội chưa tìm thấy thân nhân. Từng đoàn người từ đất liền lần lượt nối nhau mang ra những lá cờ tổ quốc, nén hương và những đóa hoa trắng tinh khôi để tưởng niệm, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lâp, tự do của ngày hôm nay… Đêm xuống, Nghĩa trang Hàng Dương lung linh ánh đèn và hàng ngàn ngọn nến được thắp lên sưởi ấm những linh hồn bất tử.

Đến Bảo tàng Côn Đảo, địa điểm này xưa kia là nơi sinh sống của chúa đảo nắm trong tay mọi quyền lực quản lý hòn đảo, tàn ác khét tiếng. Quá khứ thăng trầm của lịch sử được khắc ghi và hiện tại đã trở thành nơi ghi lại những dấu ấn của thời gian. Những hình ảnh và hiện vật, tái hiện lại những tội ác dã man trong hai chế độ cai trị của chính quyền thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và những chính quyền tay sai tại khu vực Côn Đảo - địa ngục trần gian. Nơi mô phỏng hệ thống nhà tù với một bầu không khí u ám khiến nhiều người phải rùng mình, một cảm giác đồng cảm và thương xót vì những tội ác man rợ tại Chuồng Bò, Chuồng Cọp với hố sâu 3 m, chứa rất nhiều phân từ động vật, các chiến sĩ bị bỏ đói, bỏ khát, phải ngâm mình nhiều ngày trước những mùi hôi thối nồng nặc. Đáng sợ hơn với kiểu kiến trúc tra tấn ngoài trời, những phòng giam xung quanh là bức tường đá các chấn song sắt và kẽm gai dày đặc, không có mái che, cái nắng như thieu đốt thịt da và thân thể của những người chiến sĩ, ngày mưa bão lạnh buốt ngấm vào xương, phổi. Vậy mà ý chí của những người Cộng sản vẫn không hề lung lay vì họ tin tưởng sự chịu đựng, mất mát, hy sinh ấy để cho ngày mai tươi sáng.

Quá khứ đau thương, thảm khốc của chiến tranh đã qua đi nhưng vẫn còn đó nỗi mất mát mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu là quá lớn. Mảnh đất linh thiêng Côn Đảo giờ đây đã xanh tươi, trù phú. Người dân Côn Đảo hiền hòa, thân thiện, mến khách, trân trọng giá trị hòa bình, quyết tâm dựng xây quê hương giàu đẹp.

Thời gian ở Côn Đảo thật ngắn ngủi, chúng tôi phải về đất liền, vẫn còn nhiều nơi trên mảnh đất linh thiêng này mà tôi chưa được đến thăm. Trong lòng thầm hẹn sẽ có một ngày nào đó cùng với người thân yêu của mình trở lại để thấy mình đang được hưởng hạnh phúc, để thấy mình đang được hưởng tự do, để thấy mình đang được ấm no và để ghi nhớ rằng giá trị cuộc sống tươi đẹp hôm nay đã được đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cha anh đi trước. Hãy luôn bảo vệ, quý trọng những gì tốt đẹp của hiện tại và tương lai.

Báo Lâm Đồng online xin giới thiệu một số hình ảnh Côn Đảo hôm nay:

Bia tưởng niệm tại Nghĩa trang Hàng Keo

Mộ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu tại khu B Nghĩa trang Hàng Dương

Mộ liệt sĩ khu D thuộc Nghĩa trang Hàng Dương, phần lớn là liệt sĩ vô danh

Nghĩa trang Hàng Dương

Khung cảnh Trại giam Phú Hải

Trại giam Chuồng cọp - “Địa ngục trần gian”

PHƯƠNG NAM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/dulich/201907/con-dao-cam-xuc-thang-7-2956646/