Côn Đảo vào mùa sinh sản của rùa biển
Bình quân mỗi năm gần đây, Vườn Quốc gia Côn Đảo cứu hộ trên 1.500 tổ trứng rùa biển, tiến hành ấp nở nhân tạo và thả trên 150.000 cá thể rùa con về biển.
Đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn loài động vật nguy cấp, quý hiếm có tên trong Sách đỏ thế giới, được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế đánh giá cao. Có được sự thành công đó là nhờ những đóng góp thầm lặng của lực lượng kiểm lâm thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, những người được ví như “bà đỡ” làm hồi sinh, nảy nở loài rùa biển quý hiếm.
Quanh khu vực biển Côn Đảo và các hòn đảo có 16 bãi rùa đẻ trứng, phân bố tại các đảo, vịnh: Bảy Cạnh, Bến Đầm, Cỏ Ống, Đất Thắm, Đầm Tre, Hòn Tài, Hòn Tre Lớn, Hòn Cau và Bãi Dương. Từ khoảng tháng 4-11 hằng năm là mùa sinh sản của rùa biển (cao điểm rùa về đẻ trứng từ tháng 5 đến tháng 9), vào thời gian này, tại các bãi biển thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo, hàng trăm cá thể rùa biển lại lên bờ đẻ trứng, duy trì nòi giống.
Theo thống kê của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, trong năm 2023, đơn vị đã cứu hộ, di dời về các hồ ấp trứng 2.262 tổ trứng, với tổng lượng 217.257 trứng; số tổ rùa ấp nở là 2.159 tổ. Số rùa con nở sống, di chuyển, thả về biển có kiểm soát là 166.177 cá thể, tỷ lệ rùa nở trở về biển đạt 81,46±10,66%. Đơn vị đã bấm thẻ cho 441 cá thể rùa, theo dõi rùa mẹ được đeo thẻ... Trung bình mỗi cá thể rùa mẹ được đeo thẻ đẻ khoảng 2,96±1,93 tổ/năm, rùa mẹ đẻ nhiều nhất 8 tổ/năm. Ước lượng, năm 2023 có khoảng 765 cá thể rùa mẹ về vùng biển Côn Đảo đẻ trứng.
Năm 2024, thống kê từ ngày 1/1-15/4, rùa biển lên bãi đẻ thành công 65 tổ, 13 rùa mẹ được đeo thẻ theo dõi, 65 tổ được ấp nở, 3.374 cá thể rùa con được thả về biển có kiểm soát.
Vào mỗi đêm, trước và sau khi thủy triều lớn nhất, lực lượng kiểm lâm tại các Trạm thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra trên các bãi cát để phát hiện kịp thời rùa mẹ lên bãi đẻ trứng. Nếu có tổ trứng rùa, lực lượng kiểm lâm tiến hành di dời, ghi nhận thông tin vào biểu ghi nhận các hoạt động làm tổ ngẫu nhiên, đảm bảo trứng được di dời đúng thời gian quy định (không quá 3 giờ sau khi trứng được đẻ ra đối với các bãi đẻ gần hồ ấp và không quá 6 giờ đối với các bãi xa hồ ấp). Nếu chưa thể di dời được về hồ ấp thì làm dấu tổ đẻ, xóa dấu vết rùa lên đẻ, tăng cường bảo vệ, di dời tổ trứng về hồ ấp sau 40 ngày.
Hòn Bảy Cạnh là nơi có khoảng 70% rùa biển đến đẻ trứng ở Côn Đảo. Với tập tính lên bờ đẻ trứng vào ban đêm, vào mùa sinh sản của rùa biển, lực lượng kiểm lâm phải thức trắng đêm để thực hiện tuần tra, theo dõi, hỗ trợ rùa mẹ đẻ trứng, di dời toàn bộ số trứng về hồ ấp nhân tạo, để đảm bảo an toàn cho những quả trứng, tránh bị thủy triều dâng hoặc các loài động vật khác xâm hại.
Theo anh Trần Đình Đồng, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh - Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, công tác bảo tồn là công việc rất vất vả. Rùa biển rất nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng trắng, hằng đêm, tất cả hoạt động giám sát của lực lượng kiểm lâm đều phải thực hiện trong bóng tối, khi rùa đẻ thì sử dụng ánh sáng hỗ trợ từ đèn chuyên dụng.
Rùa biển lên bờ đẻ trứng sẽ tìm những địa điểm thuận lợi, an toàn rồi bắt đầu dùng hai chi sau đào một lỗ sâu chừng 50-60cm, rộng khoảng 20cm và bắt đầu đẻ trứng. Từng quả trứng như những quả bóng bàn màu trắng lần lượt rơi xuống tổ rùa. Mỗi cá thể rùa mẹ lên bờ làm tổ, đẻ trung bình từ 80-120 quả trứng. Sau khi đẻ xong, rùa mẹ lại dùng các chi để lấp tổ nhằm ngụy trang cho tổ trứng của mình, rồi trở về với biển. Anh em kiểm lâm thay nhau trực đêm để di dời những tổ rùa về hồ ấp càng sớm, càng tốt nhằm đảm bảo tỷ lệ trứng nở càng cao, tránh các nguy cơ tác động đến tổ rùa.
Trứng rùa đưa về hồ ấp được chia thành hai phần, một nửa được cho vào lò có nhiều ánh sáng, nửa còn lại cho vào lò được phủ tấm lưới chống nắng bên trên. Việc làm này nhằm điều tiết giống rùa khi nở. Cụ thể, nơi có ánh sáng nhiều, nhiệt độ cao, trứng sẽ nở ra con đực còn nơi ánh sáng ít, nhiệt độ thấp, trứng sẽ nở ra con cái. Trên mỗi tổ trứng rùa, lực lượng kiểm lâm đều cắm các cọc tre ghi đầy đủ thông tin, ngày tháng năm rùa đẻ, tổ thứ bao nhiêu và số lượng trứng.
Tất cả rùa mẹ lên bãi sau khi đẻ trứng đều được đeo thẻ Inconel, đo kích thước chiều dài, rộng mai, số lượng cá thể trong quần thể, ghi nhận thông tin vào biểu ghi nhận các hoạt động làm tổ ngẫu nhiên. Thẻ Inconel được làm bằng inox, mặt trên in số thứ tự từ CD 3.001 đến CD 4.500; mặt dưới có chữ CON DAO VIET NAM; Tel: +842543830698.
Với những cán bộ kiểm lâm Côn Đảo, sau những khó khăn, vất vả trong công tác cứu hộ rùa biển, phần thưởng lớn nhất của họ không phải là sự vinh danh, mà là cứu hộ được nhiều rùa hơn, tỷ lệ trứng nở nhiều hơn và những chú rùa con khi trở về đại dương bao la sẽ trưởng thành, để rồi quay lại nơi chúng sinh ra, tiếp tục "nảy nở", duy trì nòi giống.
Anh Trần Mạnh Hùng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Hòn Bảy Cạnh, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, công việc thực sự vất vả, nhưng càng làm càng cảm thấy đam mê và có trách nhiệm. Các cán bộ của đơn vị rất vui, rất hạnh phúc khi được thực hiện nhiệm vụ bảo tồn rùa biển, những loài động vật nguy cấp, quý hiếm để những thế hệ sau được chiêm ngưỡng, xem những động vật quý hiếm ngoài thực tế chứ không phải chiêm ngưỡng chúng trên sách vở hay truyền hình.
Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch sinh thái, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã thực hiện tour khám phá, trải nghiệm xem rùa đẻ trứng và thả rùa con về biển. Do đó, các cán bộ kiểm lâm còn phải thực hiện nhiệm vụ của một chuyên gia, hướng dẫn viên du lịch mang đến kiến thức về các giải pháp để bảo vệ, cứu hộ rùa biển. Qua đó góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của du khách trong nước và quốc tế trong việc chung tay bảo tồn loài rùa biển nguy cấp, quý hiếm.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Châu, khách du lịch chia sẻ, trước khi chúng tôi thả rùa con về biển, lực lượng kiểm lâm hướng dẫn phải giữ im lặng, không chạm tay trực tiếp vào rùa con để tránh cho rùa hoảng sợ hay gây mất phương hướng. Các cán bộ kiểm lâm cũng giới thiệu rõ về quy trình hỗ trợ rùa sinh sản, ấp trứng, giới thiệu hồ ấp trứng rùa...
Anh Lê Hoàng Nam, khách du lịch đến Côn Đảo cho biết, để loài rùa thường xuyên quay lại Côn Đảo đẻ trứng, việc này không hề đơn giản, tôi nghĩ đó là công lao lớn của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, các cơ quan chức năng huyện.
Dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, Côn Đảo hiện có quần thể rùa biển rất lớn và cũng là bãi đẻ có lượng rùa biển lên làm tổ cao nhất Việt Nam. Số lượng trứng rùa biển sinh ra hằng năm ở đây chiếm 80% tổng số trên cả nước. Rùa biển có thói quen di cư, quay lại nơi sinh ra để đẻ trứng. Vì vậy, việc bảo vệ, gìn giữ sinh cảnh các bãi đẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn rùa biển.