Con dâu bác sĩ kể chuyện mẹ chồng bắt ra ở riêng, bố chồng giành rửa bát
Không giống như nhiều nàng dâu, chị rất thoải mái với việc sống chung với mẹ chồng. Nhưng chính bà Ngọc lại nói thẳng 'không muốn ở chung, để tụi tao thoải mái'.
Trước khi quen chị Phạm Hồ Thanh Thanh, anh Huỳnh Kim Bảo (TP.HCM) nói với mẹ rằng anh sẽ không lấy vợ. Một hôm, anh Bảo mang một con chó về nhà, bảo mẹ: “Cháu nội mẹ đó, từ nay đừng kêu con chuyện vợ con nha”.
Bà Hoàng Thị Bích Ngọc – mẹ anh – nghĩ “thôi xong rồi”. Bà chỉ có một đứa con duy nhất.
Bẵng đi một thời gian, anh thông báo dắt bạn gái về giới thiệu. Bà không tin con trai đổi ý, sợ làm khổ con gái người ta, bà không đồng ý cho đưa về nhà, mà kêu cả nhà ra ngoài ăn.
Ấn tượng của bà về chị Thanh lúc đó là: “Bác sĩ mà sao nó đẹp dữ”. Bà nhớ lại: “Hồi đó nó đẹp như người mẫu”. Bà Ngọc cũng thú nhận, khi ấy bà cảm mến chị một phần vì bà rất thích nghề bác sĩ.
Trước khi dắt về giới thiệu với ba mẹ, anh Bảo cảnh báo chị Thanh: “Mẹ anh khó tính dữ lắm”. Nhưng sau buổi đầu tiên gặp mặt, chị Thanh lại thấy bà rất vui vẻ, thân thiện.
Sau 4 tháng yêu nhau, anh Bảo cầu hôn chị Thanh nhưng 2 năm sau mới cưới vì vướng dịch Covid-19. Không giống như nhiều nàng dâu, chị rất thoải mái với việc sống chung với mẹ chồng. Nhưng chính bà Ngọc lại nói thẳng “không muốn ở chung, để tụi tao thoải mái”.
Sau ngày cưới 1 ngày, chị Thanh phát hiện có thai. Khỏi phải nói, bà Ngọc mừng rỡ, đi khoe khắp nơi. Thai được 37 tuần, chị Thanh lên bàn đẻ. Mẹ chồng chị ngay lập tức xách vali sang chăm con dâu, cháu nội.
Thông thường, mẹ chồng, nàng dâu rất hay mâu thuẫn với nhau trong chuyện nuôi dạy con cái. Nhưng ngược lại, bà thấy chị Thanh rất thoải mái, mà “trở ngại” chính lại ở cậu con trai bà.
“Tôi làm gì nó cũng bảo mẹ để đó con, rồi ‘mẹ đeo khẩu trang vô nha, tránh thở hơi vào bé’, ‘mẹ thay tã vậy là không đúng’… Thấy tui kéo vali qua, nó bảo ‘mẹ muốn ở lại thì qua phòng bên kia nha’. Ok, tao đi về” – bà Ngọc kể lại chuyện “dỗi” con trai, đùng đùng xách vali về nhà mình.
Chính lúc đó, chị Thanh lại là người đứng ra hòa giải hai bên. Chị hài hước kể lại: “Mẹ thích cháu quá nên ôm em bé vào lòng. Chồng em kêu ‘thôi mẹ đừng ôm vậy, nó quen’”.
Bà Ngọc bổ sung thêm: “Đến nỗi mà khi nó đi ra ngoài, tôi len lén cho em bé tựa lên người, nhưng nhìn thấy chân nó bước vào là tôi phải bỏ ra ngay”.
Có những khi thấy chồng không ở nhà, chỉ còn 2 mẹ con và em bé, chị Thanh lại cuống quýt giục mẹ: “Mẹ thơm nó đi mẹ. Con cũng thơm nó luôn”. “Vì anh Bảo không cho hôn hít em bé, sợ bé nhiễm bệnh” – chị Thanh giải thích.
Tuy nhiên, sau gần 3 tháng giành quyền chăm con, anh Bảo trông xác xơ, tiều tụy, râu tóc tùm lum. Lúc này, người đàn ông của gia đình mới thì thào với vợ: “Em, em phụ đi. Con lớn rồi đó”. Anh lại gọi cho mẹ rụt rè nói: “Mẹ, sao mẹ không qua?”
Không sống chung nhưng có qua lại nhà các con thường xuyên để phụ giúp, bà Ngọc chia sẻ rằng không phải là hai mẹ con chưa bao giờ giận nhau. Nhưng bà luôn xác định sẽ không bao giờ mắng nhiếc con dâu, vì “mình đâu có nuôi nó ngày nào”.
Đổi lại, bà sẽ trút giận qua con trai.
Ngược lại, chị Thanh khi có khúc mắc gì với mẹ chồng, cũng đều “gửi gắm” qua anh Bảo. “Gia đình em vận hành kiểu đó nên là rất êm ấm” – chị Thanh nói.
Nàng dâu bác sĩ cũng chia sẻ, vợ chồng chị chưa bao giờ to tiếng. Nếu vợ nóng thì chồng sẽ nhường và ngược lại. Có lẽ cách sống này được làm gương từ ba mẹ chồng chị. “Cho tới tận bây giờ, ba lúc nào cũng cưng mẹ như cưng trứng. Ba chồng em là người chồng quốc dân thực sự”.
Chị Thanh kể câu chuyện chứng minh ba chồng đúng là lý tưởng: “Hồi đó, em về thăm nhà lần đầu tiên. Ba chồng còn ‘bịa’ ra chuyện ‘mấy nhỏ trước về đây đòi rửa chén, sau chia tay liền luôn’. Em tưởng thật nên không dám rửa. Sau em mới biết là ba chế ra để không cho em rửa bát”.
Khi bị mẹ chồng nhắc nhở, ông còn bênh con dâu: “Không có nó thì tôi cũng làm. Sao bắt nó làm chi vậy?”
Sau nhiều năm làm dâu, chị Thanh tiết lộ, bây giờ chị và mẹ chồng rất hợp nhau, từ chuyện ăn uống cho tới làm đẹp, thời trang… Chị thừa nhận, mẹ chồng là mẫu người rất biết lắng nghe, còn ba chồng lại “bênh con dâu dữ lắm”.
“Gia đình em chọn cách không nhớ tới những mâu thuẫn từng xảy ra thì đến bây giờ mới ngồi được với nhau như thế này” – chị Thanh chia sẻ.
Còn phía bà Ngọc, từ việc không thích ở chung với các con, bây giờ bà đã đồng ý chung sống. Bà khoe, con dâu hứa sau này sẽ mua một căn biệt thự để cả gia đình cùng về một nhà.