'Cơn đau đầu' của chính quyền Biden khi Iran có tổng thống mới
Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi của Iran đã làm phức tạp thêm nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân của chính quyền Tổng thống Biden.
Iran không chấp nhận điều kiện của Mỹ
Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc Iran lựa chọn ông Ebrahim Raisi, một nhân vật có lập trường cứng rắn, làm tổng thống mới của nước này, sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân, nhưng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy mục tiêu này của họ ngày càng trở nên khó thực hiện hơn.
Sự lạc quan về triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đã lu mờ khi vòng đàm phán mới tại Vienna (Áo) kết thúc vào ngày 20/6 vừa qua mà không đạt được tiến bộ đáng kể.
Ngày 21/6, trong phát biểu đầu tiên kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, ông Ebrahim Raisi đã bác bỏ khả năng gặp Tổng thống Joe Biden và phản đối mục tiêu chính của chính quyền Biden muốn mở rộng thỏa thuận hạt nhân.
Theo giới phân tích, ông Raisi nhiều khả năng sẽ yêu cầu Mỹ cắt giảm các biện pháp trừng phạt đối với Iran nếu muốn nước này tuân thủ thỏa thuận.
“Chính quyền Biden có thể nhận thấy sự cấp bách phải sửa đổi thỏa thuận trước khi ông Raisi và chính phủ mới của Iran lên nắm quyền”, Karim Sadjadpour chuyên gia về Iran tại Viện Nghiên cứu hòa bình Carnegie, Mỹ, nhận xét.
Ngay từ khi lên nắm quyền, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden là đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran - vốn được coi là thành tựu nổi bật của chính quyền cựu Tổng thống Obama.
Bất chấp việc Iran có nhà lãnh đạo mới, các quan chức của chính quyền Biden vẫn bày tỏ tin tưởng thỏa thuận sẽ được khôi phục thành công. Họ cho rằng, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei – người đã đặt bút ký thỏa thuận mang tên “Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung” (JPOA) năm 2015 sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng dù ai làm tổng thống.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết: “Chúng tôi hy vọng lãnh tụ tối cao của Iran sẽ đưa ra quyết định tương tự vào tháng 8 này, như những gì họ đa làm vào năm 2015 khi việc ký kết JCPOA được hoàn tất”.
Thế nhưng tia hy vọng này đã vụt tắt khi Tổng thống đắc cử Raisi gạt sang một bên đề nghị của Mỹ muốn đưa thêm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và sự hỗ trợ mà Tehran dành các nhóm dân quân trong khu vực vào các cuộc đàm phán. Tổng thống đắc cử Raisi là cố vấn thân cận của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei và được cho là người sẽ kế nhiệm ông Ali Khamenei.
“Đây là những vấn đề không thể thương lượng được", ông Raisi nói.
Khác biệt về mục tiêu đàm phán
Các quan chức Mỹ cho biết, dù các cuộc đàm phán đang đạt tiến triển nhưng chưa thể dự đoán chắc chắn rằng một giải pháp đang ở trong tầm tay. “Mọi thứ đang được đàm phán theo phương châm “không có gì được thỏa thuận cho đến khi mọi thứ được thống nhất”. Hiện tại, vòng đàm phán thứ 6 tại Vienna đã kết thúc và vòng đàm phán thứ 7 vẫn chưa được lên kế hoạch.
Nhiều nhà phân tích nhận định, sẽ rất khó khăn nếu không muốn nói là không thể đối với Tổng thống Biden để đưa những vấn đề nằm ngoài thỏa thuận hạt nhân vào các cuộc đàm phán. Một số nhân vật phản đối thỏa thuận hạt nhân cho rằng, chính quyền Biden đang đưa ra quá nhiều nhượng bộ trong khi thu được về quá ít. Rich Goldberg, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận xét: “Iran sẽ không bao giờ chịu đàm phán một cách thiện chí về những vấn đề nằm ngoài thỏa thuận hạt nhân”.
Thỏa thuận cuối cùng để khôi phục JPOCA sẽ phải bao gồm việc Mỹ dỡ bỏ một loạt các lệnh trừng phạt đối với Iran và Tehran phải cắt giảm đáng kể chương trình hạt nhân, cũng như nhất trí về trình tự các bước thực hiện.
Ngoài ra, Mỹ cũng muốn Iran cam kết sẽ tiếp tục đàm phán về một thỏa thuận mở rộng hơn, lâu dài hơn, trong khi Tehran muốn Washington bảo đảm sẽ không tiếp tục rút khỏi thỏa thuận như những gì cựu Tổng thống Donald Trump đã làm năm 2018. Bên cạnh đó, các nhà đàm phán của nhóm P5+1 cũng cảnh báo khả năng ông Raisi sẽ cố gắng ghi điểm trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ bằng cách bổ sung thêm yêu cầu vào các cuộc đàm phán.
Câu hỏi hóc búa đối với chính quyền Biden
Một vấn đề phức tạp khác là ông Raisi sẽ trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Iran đang chịu các biện pháp trừng phạt của chính phủ Mỹ. Về lý thuyết, các biện pháp trừng phạt này sẽ gây khó khăn cho ông Raisi khi ông muốn tiến hành các chuyến thăm cấp nhà nước tới một quốc gia khác hay phát biểu tại những diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như Liên Hợp Quốc.
Hiện, Tổng thống Biden cùng các cố vấn hàng đầu, trong đó có đặc phái viên của Mỹ về Iran Robert Malley đang đứng trước câu hỏi hóc búa có nên dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ông Raisi hay không khi hai bên đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Nhiều nhà phân tích và cựu quan chức Mỹ dưới thời chính quyền Trump cho rằng, ông Biden không nên dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này. Trái lại các quan chức Iran khẳng định những biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống đắc cử Raisi cần được dỡ bỏ nếu Mỹ muốn thỏa thuận hạt nhân được khôi phục lại.
Các quan chức Mỹ đã thông báo với Iran rằng, chính quyền Tổng thống Biden sẽ không dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt do Trump áp đặt, vì nhiều biện pháp trong số đó có cơ sở chính đáng.
Nhưng họ cũng chỉ ra rằng, có một số biện pháp trừng phạt từ thời chính quyền Trump nhằm mục đích khiến việc Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân trở nên khó khăn hơn, chứ không phải vì lý do khủng bố hoặc các lý do phi hạt nhân khác và theo đề xuất, những biện pháp trừng phạt như vậy cần phải được dỡ bỏ./.