'Cơn đau đầu' mới cho phương Tây ở Ukraine
Việc Nga sắp bao vây thành phố Sievierodonetsk khiến các nước phương Tây đối mặt câu hỏi hóc búa rằng họ nên tiếp tục cung cấp vũ khí hay gây sức ép để Ukraine đàm phán hòa bình.
“Người Nga đang làm mọi cách để cô lập Sievierodonetsk”, Thống đốc tỉnh Luhansk Serhiy Haidai cho biết hôm 13/6 trên Telegram. "2-3 ngày tới sẽ là thời điểm rất quan trọng".
Trong khi đó, ở bên kia sông, lực lượng Ukraine đang cố gắng cầm cự tại Lysychansk nhờ lợi thế về địa hình. Tuy nhiên, số lượng vũ khí của họ đã ngày càng cạn kiệt, theo New York Times.
“Nếu không có thiết bị quân sự hỗ trợ, tất nhiên (Nga) sẽ đánh bật chúng tôi. Vì vũ khí bị phá hủy hàng ngày, chúng tôi phải thay thế nó bằng (thiết bị) mới”, Oleksandr Voronenko, 46 tuổi, một sĩ quan đóng tại Lysychansk, cho biết.
Các quan chức Ukraine từng nhiều lần kêu gọi đồng minh NATO tăng cường chuyển giao các loại vũ khí tầm xa và khẩn cấp bổ sung cả vũ khí cơ bản, bao gồm đạn dược.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến ngày càng chuyển sang thế có lợi cho Nga và nền kinh tế phương Tây đang bị đe dọa, các đồng minh của Ukraine buộc phải đối mặt với những câu hỏi cấp bách hơn: Liệu có nên gây áp lực với Ukraine để đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga?
Không thể chờ đợi thêm
“Có thể thấy khi trọng tâm dịch chuyển về phía nam và phía đông, Nga sẽ có tiềm năng giành được nhiều lợi thế hơn, dựa trên (sự chênh lệch lớn) về số lượng và những vùng lãnh thổ họ vốn đã chiếm giữ”, ông Ian Lesser, cựu quan chức Mỹ và là người đứng đầu văn phòng Brussels của Quỹ Marshall Đức, cho biết.
“(Điều đó) đặt ra những câu hỏi dài hạn, nghiêm trọng hơn về bản chất của cuộc xung đột, cũng như mục tiêu của Ukraine và phương Tây”, ông nói.
Trong khi chờ đợi các đồng minh, Ukraine đang phải chịu những tổn thất nặng nề ở Donbas, nơi cuộc giao tranh để giành lấy Sievierodonetsk vẫn tiếp diễn. Theo đánh giá của Ukraine, nước này đang mất 100-200 người mỗi ngày tại khu vực giao tranh.
Trong khi đó, nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây không dồi dào và tiên tiến như Ukraine mong muốn. Và một số thậm chí không có cơ hội xuất hiện trong cuộc giao tranh, do bị Nga phá hủy ngay trước khi triển khai.
Chẳng hạn, vào cuối ngày 11/6, tên lửa của Nga đã bắn trúng một nhà kho quân sự ở miền Tây Ukraine, phá hủy các hệ thống tên lửa phòng không và chống tăng gửi từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Các lực lượng Nga cũng đã phá hủy 2 cây cầu dẫn đến trung tâm Sievierodonetsk và đang pháo kích một cây cầu còn lại - đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Ukraine, thống đốc khu vực cho biết.
Giờ đây, giao tranh có thể sắp chuyển sang thành phố Lysychansk lân cận. Khu vực này có địa hình thuận lợi hơn cho lực lượng phòng vệ Ukraine. Tuy nhiên, họ sẽ không thể bảo vệ Lysychansk, nếu không có đủ nguồn cung thiết bị quân sự và tiếp tế cần thiết.
Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng “theo nhiều cách, số phận của Donbas đang được quyết định” bởi Sievierodonetsk và Lysychansk.
Nhưng Sievierodonetsk hầu như đã bị bao vây. Và nếu các lực lượng Nga tiếp tục tiến về phía tuyến đường hậu cần duy nhất cho thành phố Lysychansk, các quan chức Ukraine sẽ phải đưa ra quyết định chiến lược: Rút lui hoặc khiến Lysychansk bị cô lập.
“Chúng tôi đang chờ tiếp viện”, ông Voronenko cho biết. “Vài ngày qua, pháo binh đã được chuyển đến đây. Nếu nhận được nhiều hơn, chúng tôi có thể sẽ cầm cự được”.
Câu hỏi hóc búa
Tuy nhiên, gần 4 tháng sau khi xung đột nổ ra, quân đội Ukraine đang cạn kiệt đạn dược dùng cho pháo binh thời Liên Xô cũ, khiến số phận của Lysychansk càng thêm bấp bênh.
Trong khi đó, đối với các nước châu Âu hiện nay, câu hỏi làm thế nào để bảo vệ Ukraine vừa mang tính chiến thuật vừa mang tính chính trị, đồng thời đặt ra những vấn đề liên quan chặt chẽ tới đất nước họ.
Nhiều thành viên EU lo ngại rằng họ đã gửi quá nhiều đạn dược đến Ukraine và đang bị tụt hậu trong việc tái trang bị vũ khí. Chính sách đối ngoại và quốc phòng của khối không có sự kết hợp, do đó, các nhà lãnh đạo châu Âu buộc phải tìm nguồn cung quân sự riêng.
Các quan chức EU cho biết họ sẽ cố gắng khai thác quỹ tài trợ 9,5 tỷ USD để cùng mua sắm thiết bị quân sự, nhằm giảm bớt lo ngại rằng việc cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ ở những khu vực khác trên lục địa già.
Tuy nhiên, EU cũng đang vật lộn với câu hỏi lớn hơn và đầy rẫy thách thức về mặt chính trị. Đó là làm thế nào để tiếp tục nỗ lực gia nhập EU của Ukraine.
Trong chuyến thăm tới Kyiv hôm 11/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết sẽ đưa ra ý kiến về tư cách ứng viên của Ukraine vào cuối tuần này. Song, đối với hầu hết quốc gia được cấp tư cách ứng viên, họ phải mất hơn một thập kỷ cải cách và đàm phán để chính thức trở thành một thành viên của khối.
Dù Ukraine được bật đèn xanh, con đường gia nhập EU của họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn, vì sự tàn phá sau xung đột và hậu quả của nạn tham nhũng và quản trị kém từ trước khi giao tranh nổ ra.
Trong khi đó, ông Lesser nhận định: “Dù thực tế chiến sự trên thực địa ra sao, đối với Ukraine, triển vọng hội nhập Euro-Đại Tây Dương ngày càng sâu rộng có ý nghĩa rất lớn. Và khi Ukraine ngày càng phương Tây hóa, sự đối lập chính trị giữa (Moscow và Kyiv) sẽ trở nên rõ ràng hơn”.