Còn để Nga nổi giận, S-400 sẽ thành vũ khí dạy Thổ Nhĩ Kỳ 'bài học'?
Nga không nên thờ ơ đối với chiến dịch tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Iraq, đặc biệt khi quy mô của nó có thể tràn sang Syria.
Iran-Thổ Nhĩ Kỳ bước vào căng thẳng
Vào ngày 27/2, Đại sứ Iran tại Iraq, Iraj Masjedi, đã lên án các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Iraq và kêu gọi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ "không gây ra mối đe dọa hoặc xâm phạm đất của Iraq".
Chưa đầy 24 giờ sau, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Iran tại Thổ Nhĩ Kỳ Mohammad Farazmand liên quan đến những bình luận của Masjedi.
Khi Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mở rộng các hoạt động quân sự ở khu vực Sinjar phía Bắc Iraq, căng thẳng giữa Tehran và Ankara tại đây dự kiến sẽ tiếp tục leo thang trong những tuần tới.
Mặc dù chủ động trong ứng phó và hòa giải các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông nhưng Nga đã giữ im lặng về sự leo thang căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Iran và kế hoạch can thiệp quân sự của Ankara vào Sinjar.
Giới quan sát cho rằng, Điện Kremlin không nên thờ ơ đối với chiến dịch tiềm năng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Sinjar.
Nga có ba lý do để lo ngại về sự leo thang ở Sinjar và sự xấu đi đồng thời của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Iran, theo tờ The New Arab.
Trong trường hợp xung đột ở Sinjar ngày càng gia tăng, Nga có thể sẽ linh hoạt các cơ chế ngoại giao để giảm leo thang căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Iran và bảo vệ vị thế của mình như một cường quốc đang trỗi dậy ở Iraq.
Thứ nhất, Nga đang có mối quan hệ cân bằng chặt chẽ với Chính phủ Iraq, người Kurd ở Iraq và các lực lượng dân quân thân Iran, chẳng hạn như Hashd al-Shaabi, đồng thời hưởng lợi từ tình hình giảm căng thẳng giữa các bên.
Một cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Sinjar sẽ tạo ra phản ứng phân hóa rõ rệt của ba bên này ở Iraq.
Chính phủ Iraq có thể sẽ phản đối một cuộc can thiệp quân sự mở rộng của Thổ Nhĩ Kỳ. Hashd al-Shaabi cũng có thể chống lại các hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, vì Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vốn coi nhóm dân quân này là một tổ chức khủng bố vào tháng 4/2017.
Trong khi đó, nhà bình luận người Nga Marianna Belenkaya lại dự đoán rằng lãnh đạo người Kurd ở Iraq, Marsour Barzani, có thể hỗ trợ các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, do mối quan hệ nồng ấm giữa hai bên.
Kịch bản này giải thích cho sự im lặng của Nga trước những diễn biến gần đây, nhưng một sự leo thang lớn hơn có thể buộc Moscow phải chọn đứng về phía một bên.
Nga mất hình tượng nếu im lặng
Đại sứ Iraq tại Nga Haidar Mansour Hadi bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào tháng 5/2019, khi lo ngại mối đe dọa từ các cuộc tấn công của Israel. Lần này, Baghdad có thể tiếp tục đề xuất để nói trên để phòng bị trong trường hợp có các cuộc không kích kéo dài của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu Nga từ chối yêu cầu này, vị thế của Nga như một đối tác chống khủng hoảng cho các quốc gia Ả Rập sẽ bị đặt câu hỏi.
Đã có những ý kiến ở Syria gần đây chê bai Nga không có khả năng bảo vệ Syria trước các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel. Một động thái lặp lại ở Iraq sẽ làm trầm trọng thêm những lo ngại này.
Thứ hai, Nga cho rằng căng thẳng leo thang kéo dài giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là một vấn đề đáng lo ngại, vì nước này coi Ankara và Tehran là những đối tác quan trọng và hợp tác chặt chẽ với cả hai nước trong việc giải quyết cuộc chiến Syria. Nguy cơ ngày càng tăng về một cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là sự bất an ở Moscow.
Thứ ba, việc Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng can thiệp quân sự từ Sinjar sang một cuộc tấn công chống lại đảng Công nhân người Kurd (PKK) lớn hơn ở khu vực người Kurd thuộc Iraq sẽ làm suy yếu lợi ích thương mại của Nga tại đây.
Vào tháng 5/2018, công ty dầu khí Nga Rosneft đã ký một thỏa thuận với chính quyền Kurd để phát triển cơ sở hạ tầng dầu khí, trong đó có thiết kế một đường ống dẫn mới. Bất chấp những thất bại trong việc triển khai và phản ứng dữ dội từ Iraq, Rosneft vẫn duy trì một dấu ấn thương mại tại đây và kỳ vọng kiếm được 5,3 tỷ USD từ các giao dịch với khu vực này.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ leo thang quân sự ở Sinjar và kịch bản về một cuộc đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ-Iran ở miền bắc Iraq trở thành hiện thực, Nga có thể sẽ nỗ lực giảm leo thang căng thẳng giữa các bên xung đột.
Mặc dù quan hệ đối tác của Nga với Iran mạnh hơn mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Moscow lại khó kiểm soát được mối quan hệ này vì một số bất đồng. Trong khi thành tích của Nga trong việc ứng phó với Thổ Nhĩ Kỳ là tích cực hơn.
Nga cũng sẽ tìm cách hạn chế xung đột ủy nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ-Iran ở Iraq và ngăn chặn những căng thẳng này tràn sang Syria.
Trong khi mức độ và thời gian can thiệp quân sự dự kiến của Thổ Nhĩ Kỳ vào Sinjar còn chưa rõ ràng, tình hình ở miền Bắc Iraq vẫn căng thẳng. Do vai trò ngoại giao sâu rộng ở Syria và chiến lược cân bằng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Nga sẽ theo dõi tình hình ở Sinjar với sự e ngại trong những tuần tới.