Cơn địa chấn chúng ta lo sợ suốt 20 năm qua nay đã đến
Hai thập kỷ trước, cả thế giới đã chao đảo vì cơn khủng hoảng Y2K. Vì các chương trình máy tính trước đây được lập trình để thể hiện năm dưới dạng 2 chữ số (vd. số 89 thể hiện cho năm 1989), thế giới đã cực kỳ lo sợ rằng khi kim đồng hồ chạm đến 0 giờ ngày 1/1/2000 thì toàn bộ hệ thống điện tử sẽ hiểu nhầm thành năm 1900 và bắt đầu rối loạn mất kiểm soát.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng, những hệ thống then chốt sẽ trở nên tê liệt, dẫn đến khả năng sụp đổ thị trường tài chính, tai nạn rớt máy bay và các thiết bị y tế trong bệnh viện cũng ngừng hoạt động. Chính phủ Mỹ đã nhận thức rõ nguy cơ báo động này và bổ nhiệm ngay bộ phận tham mưu cho khủng hoảng Y2K. Thế nhưng sau tất cả những hoang mang và sự chuẩn bị kỹ càng đó, “lỗi máy tính thiên niên kỷ” đã xảy đến và đi qua một cach nhẹ nhàng. Bản báo cáo dự đoán những xu thế năm 2000 của tôi cũng không xoay quanh cơn khủng hoảng công nghệ nhưng lại tập trung vào những điều thường thấy như “màu xanh thiên niên kỷ”, sự tùy biến trên diện rộng, và sự bùng nổ của những người tiêu dùng thích đột phá (hãy nghĩ đến thương hiệu Old Navy, các thương hiệu cá nhân, hay Southwest Airlines).
Sau suốt một năm 1999 lo sợ rằng thế giới sẽ đổ vỡ, chúng ta bước vào một thiên niên kỷ mới trong sự nhẹ nhõm và thấy bản thân có đôi chút ngờ nghệch nữa. Chúng ta đã chuẩn bị (một vài người chúng ta còn đặc biệt chuẩn bị kỹ càng hơn) cho những chuyển biến lớn lao (và tồi tệ) sẽ xảy đến. Thay vào đó, chúng ta tiến vào 2 thập kỷ mới, giai đoạn mà nhiều người gọi là sự suy thoái nhẹ.
Trong suốt 20 năm qua, chúng ta liên tục xoay chuyển mình trước những khó khăn liên tiếp của cuộc sống. Khi cuộc thảm sát diễn ra tại trường trung học Columbine ở Hoa Kỳ vào mùa xuân năm 1999, chúng ta đã chẳng hề biết rằng đó là khởi đầu cho một đợt xu hướng kinh khủng và tàn nhẫn của những cuộc tấn công khủng bố - trong đó, đáng nói nhất là thảm họa ngày 11/9 và những cuộc xả súng đã trở nên chuyện thường xuyên.
Xét đến nền kinh tế, đã có nhiều biến thiên lên xuống giữa bùng nổ và suy thoái, nghiêng nhiều hơn về phía suy thoái, từ bong bóng dot.com năm 2000 đến cuộc suy thoái toàn cầu giai đoạn 2007 – 2009 và nhiều khủng hoảng kinh tế ở cấp quốc gia khác. Quyền lực trung tâm của thế giới đang chuyển đổi: Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn mạnh thứ 2 thế giới; và đến năm 2018, 71 đơn vị có doanh thu cao nhất trong top 100 không phải là các quốc gia, mà chính là các doanh nghiệp. Đến năm 2019, 1% dân số giàu nhất đang nắm giữ đến 44% tài sản của toàn thế giới.
Về mặt chính trị và quân sự, chúng ta nhận thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cực đoan cánh hữu. Những cuộc chiến tranh nổ ra. Đến năm 2016, khoảng 65,6 triệu người trên thế giới đã bị buộc phải tha hương.
Về mặt môi trường, 20 năm qua là một cơn ác mộng, với hàng loạt những thảm hỏa thiên nhiên tàn phá và báo động từ các nhà khoa học ngày một nhiều, từ đó chúng ta nhận ra những sự kiện môi trường chấn động sắp tới vẫn sẽ tăng dần.
Về mặt sức khỏe và y tế, chúng ta nhận thấy sự gia tăng các bệnh tiểu đường, béo phì, và vấn đề bệnh tâm lý cũng như khủng hoảng toàn cầu về y tế.
Về mặt xã hội, chúng ta có xu thể rộng mở đón nhận cộng đồng LGBTQ+ nhiều hơn. Chiến dịch #MeToo (chiến dịch kêu gọi vạch trần tệ nạn quấy rối rình dục) xuất hiện trên khắp các tiêu đề, mặt báo và các kênh truyền thông. Những chia rẽ xã hội – chính trị ngày càng thêm sâu sắc, thể hiện qua những thuyết âm mưu, khẩu hiệu #fakenews (tin giả, sai sự thật), và sự kích động người dân gây ra bởi những hệ thống mạng xã hội.
Việc chúng ta dần đón nhận và làm quen hơn với lối sống công nghệ thậm chí còn mang đến những tác động sâu rộng hơn. Từ việc mua hàng điện tử đến mạng xã hội, từ điện thoại thông minh đến loa thông minh, chúng ta dần chuyển những hoạt động đời sống thường ngày sang các nền tảng điện tử. Một sự thật không thể nghi ngờ là đã có rất nhiều sự kiện xảy ra trong 20 năm đầu của thiên niên kỷ mới này, nhưng chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với một khủng hoảng sinh tồn ở quy mô toàn cầu như hiện nay. Chưa bao giờ mà mọi người khắp hành tinh đều đồng thời lo lắng rằng, liệu đến khi nào thì cuộc sống mới quay trở lại “bình thường”.
2020: KABOOM! (một thứ mới lạ, khác thường của chúng ta)
Và rồi, thưa các bạn, cơn khủng hoảng chấn động đó giờ đã đến. Khi tôi đang viết những dòng này vào cuối tháng 4/2020, thế giới đã vượt qua con số 3 triệu ca nhiễm COVID-19 được xác nhận, và hơn 225.000 người tử vong. Phần lớn chúng ta vẫn còn đang trú chân trong nhà, trong lòng lo sợ không biết những con số kia còn gia tăng đến mức nào – và liệu cơn chấn động sẽ còn ăn sâu vào cuộc sống của chúng ta đến nhường nào.
Cơn đại dịch này đã tàn phá ở mức độ cao hơn rất nhiều so với những gì chúng ta dự phòng cho biến cố Y2K của 20 năm trước. Thị trường tài chính đã chạm đáy và tình trạng thất nghiệp đã dâng cao đến mức độ tương đương với cuộc Đại Suy Thoái. Máy bay chẳng rơi xuống từ bầu trời vì giờ đây chúng buộc phải ở tại mặt đất; và chỉ thị giãn cách xã hội đang giữ cho ai nấy ở yên tại nhà. Các bệnh viện không rơi vào tình trạng hư hỏng thiết bị mà cạn kiệt, thiếu thốn thiết bị để cung cấp số lượng lớn do có quá nhiều người nhiễm bệnh nặng và dễ gây lân lan.
Chúng ta đã lướt qua những con sóng bập bềnh ở 20 năm đầu của thế kỷ 21, chẳng hề nhận ra cơn sóng thần đang chờ đợi phía trước. Khủng hoảng virus này đã ảnh hưởng lên tất cả chúng ta – ảnh hưởng một cách gây suy nhược và đau điếng đối với một số người; hoặc ảnh hưởng một cách gián tiếp hơn đối số khác, nhưng vẫn là những tác động khó chịu dai dẳng.
Những chuyên gia bình luận đã bắt đầu nói về việc “trước và sau đại dịch COVID-19”. Tôi thì sẽ gọi thơi gian sau đại dịch là kỷ nguyên PC-19 (kỷ nguyên hậu COVID-19).
Không một ai – kể cả người hùng hiện tại của chúng ta, BS. Anthony Fauci – có thể biết được đại dịch này sẽ kéo dài bao lâu và hậu quả của nó sẽ còn ảnh hưởng đến bao giờ. Điều chúng ta biết là kỷ nguyên hậu COVID-19 sẽ là một đời sống khác biệt sâu sắc.
Sẽ còn nhiều thời gian để tôi cập nhật thêm những báo cáo dự đoán xu thế. Nhưng hiện tại, tôi có thể đinh ninh điều này: Chúng ta sẽ đánh mất cơ hội nếu không tận dụng hoàn cảnh hiện tại để xây dựng một cuộc tái khởi động. Thay vì cứ mơ tưởng về việc quay lại “bình thường” như cũ thật nhanh chóng, sao chúng ta không dành thời gian đang bị buộc phải cách ly khỏi những giao tiếp và thói quen hoạt động thường nhật này, để tư duy xem một thế giới tốt đẹp hơn sẽ như thế nào?
Nhìn chung, 20 năm vừa qua quả thực có đôi chút suy thoái. Nhưng 20 năm tiếp đến có thể đặt chúng ta theo một chiều hướng phát triển mới mà biết đâu sẽ tốt đẹp hơn cho chúng ta.
Hãy mường tượng về điều này.
Bài chia sẻ từ Marian Salzman hiện đang là Phó Tổng Giám đốc Cấp cao, phụ trách Truyền thông Toàn cầu của tập đoàn Philip Morris International (PMI)