Con 'độc đinh' áp lực việc chăm cha mẹ già ở Trung Quốc
Nhiều gia đình Trung Quốc gặp khó khăn trong việc vừa đảm bảo cuộc sống riêng, vừa phụng dưỡng cha mẹ già trong khi nước này thiếu hụt trung tâm dưỡng lão chuyên nghiệp.
Dù cùng các anh trai thay phiên nhau chăm sóc mẹ già 79 tuổi bị liệt một phần cơ thể, đối với người đàn ông sống tại tây bắc Trung Quốc như vậy vẫn là gánh nặng.
Tháng trước, anh bị buộc tội cố ý giết người khi cố gắng chôn sống mẹ mình vì bực bội mùi hôi trên người bà, theo cảnh sát tỉnh Thiểm Tây. Bà cụ may mắn được phát hiện sau 3 ngày và vẫn sống sót.
Một bà cụ 83 tuổi khuyết tật ở tỉnh Giang Tô lại không được may mắn như vậy. Theo chính quyền địa phương, bà bị người giúp việc gia đình làm cho ngạt thở.
Mắc kẹt vì lối sống phụng dưỡng cha mẹ
Hai trường hợp đau lòng này cho thấy thách thức trong việc tìm kiếm sự chăm sóc chuyên nghiệp, đầy đủ cho bậc cao tuổi trong xã hội hiện đại, một trách nhiệm đè nặng lên vai các gia đình.
Giáo sư Wu Bei, công tác tại trường Điều dưỡng Rory Meyers thuộc Đại học New York (Mỹ), cho biết hơn 85% gia đình ở Trung Quốc chọn lối sống tự phụng dưỡng cha mẹ già.
Tuy nhiên, việc này ngày càng khó khăn đối với các thành viên trong gia đình vì những thay đổi trong cơ cấu dân số, di cư và xu hướng phụ nữ ra ngoài làm việc thay vì ở nhà nấu nướng.
Gánh nặng này được dự đoán sẽ ngày càng tăng trong những năm tới. Tính đến cuối năm 2019, Trung Quốc có hơn 253 triệu người trên 60 tuổi, tương đương 18% dân số. Con số này tăng lên so với năm 2010 khi nước này có 178 triệu người cao tuổi, chiếm 13% dân số. Như vậy, đất nước tỷ dân đang là một trong những quốc gia có tốc độ lão hóa nhanh.
Có nhiều người cao tuổi cần được giúp đỡ mỗi ngày. Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, vào cuối năm 2018, khoảng 44 triệu người cao tuổi bị khuyết tật ở mức độ nào đó nhưng chỉ có khoảng 2 triệu người sống trong viện dưỡng lão.
Do ảnh hưởng từ nền văn hóa Nho giáo, người dân thường có thói quen chăm sóc cha mẹ khi về già. Theo bà Ma Lifen (78 tuổi), việc chuyển tới viện dưỡng lão đối với một số người già còn giống như việc đi vào nơi chờ chết.
"Không có bạn bè, chẳng có nhiều người trẻ tuổi. Tôi sẽ không vào đó trừ khi tôi không thể tự chăm sóc bản thân hoặc chỉ còn lại một mình. Sống dưới một mái nhà có 3, 4 thế hệ từ lâu đã được coi là phước lành ở Trung Quốc. Dù ngày nay bọn trẻ sinh ít con hơn, tôi vẫn mong được dành những năm cuối đời với con cái", bà nói.
Áp lực "độc đinh"
Chính sách một con tại đất nước tỷ dân cũng khiến tình trạng này trở nên trầm trọng hơn. Từ năm 1979, Trung Quốc đã cấm các cặp vợ chồng sinh nhiều hơn một đứa trẻ, tạo ra một cuộc cách mạng về dân số kế hoạch hóa, đi ngược lại truyền thống thích "con đàn, cháu đống" của người Trung Quốc.
Thông thường, để giữ ổn định dân số, mức sinh phải bằng hoặc cao hơn 2,1 trẻ trên một phụ nữ. Nhưng ở Trung Quốc, con số này chỉ là 1,5 trẻ. Trong khi tổng dân số sẽ không giảm đáng kể trong tương lai gần thì lúc này số lượng người già đã trở nên lớn hơn bao giờ hết.
Li Jianxi, giáo sư Xã hội học tại Đại học Bắc Kinh cho biết, những tác động của chính sách này dẫn đến việc ngày càng có nhiều gia đình theo mô hình "4-2-1".
Trong đó, đứa con duy nhất phải đối mặt với áp lực chăm sóc cho tận 4 người: cha mẹ và ông bà mình. Ngoài ra, với tư duy phải có con trai để thờ phụng tổ tiên, những đứa trẻ "độc đinh" sẽ phải gánh áp lực nuôi dưỡng cha mẹ già.
Theo Theepochtimes, từ năm 2013, người ta ước tính rằng ở Trung Quốc có khoảng hơn 100 triệu "tổ ấm thiếu hơi người". Con số này sẽ còn đáng sợ hơn vào năm 2030 khi lên tới 200 triệu gia đình. Và đến năm 2035, tổng số người già ở Trung Quốc sẽ vượt mốc 400 triệu người.
Khoảng 90% những người sinh sau năm 1980 cho biết họ không tin rằng mình có đủ khả năng chăm sóc cha mẹ. Có 74% đồng ý rằng áp lực công việc, cuộc sống khiến họ không thể dành nhiều thời gian cho các thế hệ trước. Một nửa số người được khảo sát cho biết đã sống xa cha mẹ và sẽ không đủ điều kiện để sống cùng và chăm sóc họ.
Ngay cả khi một số gia đình muốn thuê người trợ giúp, việc thiếu nhân lực chuyên nghiệp cũng là một vấn đề.
Hu Xinyan, giáo viên tại một trường điều dưỡng ở tỉnh Chiết Giang, cho biết sinh viên tốt nghiệp thích làm việc trong bệnh viện hơn viện dưỡng lão, vì cho rằng nơi này có khối lượng công việc cao, lương thấp, môi trường làm việc gò bó và ít cơ hội thăng tiến.
"Mặt khác, các viện dưỡng lão đang có rất ít y tá. Tôi nghĩ những nơi này cần người chuyên nghiệp", cô nói.
Yu Jianliang, Cục trưởng Chăm sóc người cao tuổi tại Bộ Dân sự cho biết tính đến tháng 3, chỉ có 370.000 nhân sự làm việc tại 40.000 viện dưỡng lão trên khắp Trung Quốc, nghĩa là trung bình một người đang chăm sóc gần 10 người. Trong đó, chỉ có 200.000 nhân sự có trình độ chuyên môn.
Để khuyến khích người dân làm việc trong lĩnh vực này, chính phủ Trung Quốc đã hủy bỏ chế độ 9 năm đào tạo bắt buộc. Ngoài ra, việc kiểm tra kỹ năng - vốn trước đây chỉ được yêu cầu tại các viện dưỡng lão - nay mở rộng ra cho nhân viên chăm sóc tại nhà hoặc các cộng đồng dân cư.
Giáo sư Wu Bei cho rằng Trung Quốc nên phát triển cơ chế giám sát chất lượng và bổ sung quy trình chứng nhận cho những người giúp việc gia đình chăm sóc người già. Đây là cách để bảo vệ người già, ngăn ngừa họ bị lạm dụng đồng thời cũng giúp bảo vệ những người giúp việc gia đình.