Còn dư địa mở rộng cơ sở thu đối với thuế giá trị gia tăng

Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Về định hướng chính sách, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - Cơ quan thẩm tra dự án Luật cho rằng, mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu.

Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu

Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu

Cân nhắc phương pháp tính thuế, bảo vệ nguồn thu

Về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông 10%, thẩm tra tờ trình dự án Luật của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với mức thuế suất ưu đãi nêu trên, Ủy ban cho rằng, Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu.

Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, hiện một số nước trong khu vực ASEAN đã và đang tăng thuế suất GTGT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch. Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng đã định hướng “nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình”.

Mức thuế suất phổ thông của Việt Nam đang thấp hơn các nước

Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, hiện một số nước trong khu vực ASEAN đã và đang tăng thuế suất GTGT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh, Chính phủ cần đánh giá tác động đối với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình để cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự án Luật một cách phù hợp, sau khi nền kinh tế đã được phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026-2030.

Về phương pháp tính thuế, dự thảo Luật quy định đối tượng áp dụng phương pháp tính trực tiếp bao gồm “tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam có doanh thu phát sinh tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ”.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ định hướng về chính sách thu (bao gồm cả thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp) và chính sách quản lý thu đối với các nhà cung cấp nước ngoài vì nội dung dự thảo Luật là không phù hợp nếu được áp dụng cho các nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số.

Quy định theo hướng này, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cho các nhà cung cấp trong nước, làm mất nguồn thu ngân sách, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế GTGT đối với các giao dịch số và là phương pháp tính thuế không thích hợp để áp dụng đối với các trường hợp không phát sinh thuế GTGT đầu vào tại Việt Nam. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc kinh nghiệm các nước để áp dụng mức thuế suất GTGT thông thường (10%) theo đúng nguyên tắc của Luật Thuế GTGT, không áp dụng phương pháp tính trực tiếp để bảo vệ nguồn thu và tránh việc đối xử bất lợi cho các nhà cung cấp trong nước.

Quy định chặt hơn nâng cao hiệu quả quản lý hoàn thuế

Về kê khai, khấu trừ bổ sung, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhất trí với việc sửa đổi theo hướng cần quy định rõ đối với những hóa đơn bị bỏ sót hoặc kê khai sai thì doanh nghiệp sẽ kê khai bổ sung vào kỳ phát hiện việc sai sót (không phải vào kỳ phát sinh việc sai sót) để thống nhất trong cách hiểu và thực hiện. Tuy nhiên, đối với trường hợp doanh nghiệp kê khai sai, trong đó có các trường hợp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, để tăng số tiền thuế được khấu trừ, được hoàn, thì cần cân nhắc sửa theo hướng không cho phép doanh nghiệp được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra thuế, nhằm ngăn tình trạng làm mất hiệu lực của công tác thanh tra, hậu kiểm và không phù hợp thông lệ quản lý thuế. Vì vậy, đối với các trường hợp kê khai sai, đề nghị giữ như quy định hiện hành.

Về điều kiện khấu trừ thuế, áp dụng thuế suất 0%, dự thảo Luật bổ sung quy định “…chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài” và giao “Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định…”. Đây là những nội dung mới và liên quan trực tiếp tới vấn đề quản lý thu thuế GTGT đối với các nhà cung cấp nước ngoài bán hàng hóa, dịch vụ vào Việt Nam trên cơ sở nền tảng số. Do đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ các quy định đang được hướng dẫn hiện nay cũng như định hướng quy định tại các văn bản dưới luật đối với nội dung này.

Một nội dung đáng chú ý của dự thảo luật đó là bổ sung quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, Ủy ban tán thành việc bổ sung các quy định chặt chẽ hơn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý hoàn thuế GTGT, tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể, minh bạch của các quy định, Cơ quan thẩm tra đề nghị xác định rõ các trường hợp đặc thù để có thể quy định cụ thể trong Luật.

Tiếp tục rà soát, cân nhắc lộ trình tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng

Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí về sự cần thiết sửa đổi luật hiện hành để giải quyết các bất cập trong thực tiễn, phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật. Trong đó, cân nhắc và đánh giá kỹ tác động việc bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT; cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất…

Theo đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang), cùng với việc loại bỏ một số hàng hóa, dịch vụ khỏi đối tượng không chịu thuế, dự thảo luật đã bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ vào diện không chịu thuế và giữ nguyên số lượng nhóm đối tượng không thuộc diện chịu thuế như quy định hiện hành. Đại biểu Hà đề nghị có đánh giá kỹ hơn về lý do và tác động của các hàng hóa, dịch vụ được bổ sung đối với nội dung này.

Liên quan đến một số mặt hàng cụ thể, như việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Hòa Bình) bày tỏ đồng tình việc Chính phủ trình Quốc hội quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón, từ diện không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế suất 5% để giải quyết những vướng mắc, bất cập của chính sách thuế GTGT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về phân bón. Có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đối với việc bổ sung quy định cho phép không thu thuế GTGT đối với hàng hóa mua bán của cư dân biên giới trong định mức miễn thuế xuất nhập khẩu quy định tại dự thảo luật để tránh các trường hợp lợi dụng chính sách.

Về bổ sung quy định cho phép hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, Luật hiện hành không cho phép hoàn thuế GTGT đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu để tránh trường hợp gian lận, kể cả gian lận về xuất xứ hàng hóa.

Chính phủ đề nghị mở rộng diện được hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu để luật hóa các quy định của Nghị định số 146/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chính phủ cần báo cáo làm rõ hơn về thực trạng nhập khẩu, xuất khẩu của các hàng hóa này để có đánh giá tác động và về tính phù hợp của chính sách, cơ sở pháp lý của nội dung liên quan đang được quy định tại Nghị định số 146/2017/NĐ-CP.

Trần Thắng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/con-du-dia-mo-rong-co-so-thu-doi-voi-thue-gia-tri-gia-tang-154165-154165.html