Tesla được 'ưu ái' đặc biệt tại Trung Quốc

Các quan chức Trung Quốc từng rất cảnh giác với Tesla đến mức họ cấm xe này vào một số khu phức hợp của chính phủ và quân đội. Nhưng giờ đây, một chính quyền địa phương ở Trung Quốc lại tin tưởng Tesla đủ để đưa xe của hãng này vào đội xe công của mình.

Tesla là thương hiệu xe điện duy nhất do nước ngoài sở hữu có mặt trong danh mục 56 loại xe chạy nhiên liệu mới, có thể được các quan chức và tổ chức địa phương sử dụng do chính quyền tỉnh Giang Tô ở miền đông Trung Quốc công bố.

Điều này có nghĩa là bất kỳ cấp chính quyền nào ở Giang Tô, một tỉnh có 85 triệu dân và giàu nhất Trung Quốc, đều có thể mua xe Tesla Model Y sản xuất tại nhà máy Thượng Hải.

Volvo cũng có tên trong danh sách này nhưng hãng này hiện thuộc sở hữu của thương hiệu xe nội địa Geely của Trung Quốc.

Mọi khách hàng đang xem chiếc Tesla Model Y tại phòng trưng bày Tesla ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 5/1/2021 (Ảnh:. Vương Triệu/AFP/Getty)

Mọi khách hàng đang xem chiếc Tesla Model Y tại phòng trưng bày Tesla ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 5/1/2021 (Ảnh:. Vương Triệu/AFP/Getty)

Đã có một số phản ứng dữ dội từ công chúng Trung Quốc đối với thông báo này, một số người dùng đặt câu hỏi liệu chính phủ có nên xem xét việc sử dụng ô tô nước ngoài hay không. Nhưng chính phủ nước này khẳng định rằng nó chỉ áp dụng cho dòng xe Tesla Model Y được sản xuất tại Trung Quốc.

Chính quyền Giang Tô đã cố gắng xoa dịu những lo ngại khi giải thích rằng mẫu xe Tesla Model Y là "xe nội địa, không phải xe nhập khẩu”.

Trong danh mục mua sắm của chính quyền, Model Y do Tesla sản xuất tại Thượng Hải được niêm yết ở mức 249.900 nhân dân tệ (34.377 USD).

Tesla có một nhà máy khổng lồ ở Thượng Hải. Hãng xe điện của Mỹ đã sản xuất khoảng 947.000 ô tô điện tại Trung Quốc vào năm 2023 và phần lớn trong số đó được sử dụng tại thị trường nội địa.

Trung Quốc đã trở thành thị trường ngày càng quan trọng đối với Tesla vì quốc gia này chiếm hơn một nửa tổng doanh số bán xe điện trên toàn thế giới. Năm ngoái, Tesla đã thu được gần một phần tư tổng doanh thu từ Trung Quốc.

Nhưng nhà sản xuất ô tô Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ địa phươn. Điển hình như “ông lớn” xe điện hàng đầu Trung Quốc là BYD đã vượt qua Tesla vào quý cuối cùng của năm 2023 để trở thành nhà bán xe điện lớn nhất hành tinh. Tesla đã lấy lại vị thế của mình trong nửa đầu năm nay, nhưng họ đang bám đuổi sát nút.

Trước đó, xe Tesla đã bị cấm vào một số khu phức hợp của chính phủ và quân đội ở Trung Quốc do lo ngại về vấn đề gián điệp và bảo mật dữ liệu.

Tuy nhiên, trong vài tháng qua, Tesla đã có nhiều tiến triển trong việc tiếp cận gần hơn với chính phủ Trung Quốc.

Những hạn chế đó đã được dỡ bỏ vào tháng 4, khi một hiệp hội ô tô hàng đầu thông báo rằng xe của Tesla đã vượt qua các yêu cầu về bảo mật dữ liệu của Trung Quốc.

CEO Tesla Elon Musk (trái) gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Bắc Kinh ngày 28/4. (Ảnh: AP)

CEO Tesla Elon Musk (trái) gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Bắc Kinh ngày 28/4. (Ảnh: AP)

Nhà sản xuất ô tô này đã thay đổi cách xử lý dữ liệu trong các xe của mình tại Trung Quốc để giải quyết vấn đề bị xác định là rủi ro bảo mật. Điều đó cũng mở ra cánh cửa để Tesla được chấp thuận triển khai hệ thống tự lái hoàn toàn tại quốc gia này.

Thông báo được đưa ra cùng ngày CEO Tesla Elon Musk đến thăm Bắc Kinh và gặp Thủ tướng Lý Cường, người đã ca ngợi Tesla là "mô hình thành công" cho sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thuế quan của EU

Nhưng trên hầu hết các mặt trận, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đang gia tăng.

Ủy ban châu Âu mới đây thông báo rằng bắt đầu từ ngày 5/7, họ sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 37,6% đối với xe điện nhập khẩu được sản xuất tại Trung Quốc.

Mức thuế quan này, được công bố lần đầu vào đầu tháng 6, được coi là động thái cần thiết của EU nhằm ngăn chặn làn sóng xe hơi giá rẻ của Trung Quốc được sản xuất với sự hỗ trợ "không công bằng" từ chính phủ.

Tesla, nhà xuất khẩu lượng lớn xe điện từ Trung Quốc sang châu Âu, đã yêu cầu tính toán mức thuế riêng, theo EC. Hiện tại, công ty phải đối mặt với mức thuế bổ sung trung bình là 20,8% như một phần của nhóm các công ty hợp tác với cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU).

Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi EU hủy bỏ thuế quan đối với xe điện và bày tỏ mong muốn đàm phán. Bắc Kinh cho biết họ không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến thuế quan khác khi mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa của họ vẫn tiếp tục gây khó khăn, nhưng họ sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ các công ty Trung Quốc.

Các thương hiệu Trung Quốc MG và NIO trước đó cho biết họ có thể tăng giá tại châu Âu vào cuối năm nay để ứng phó với lệnh hạn chế.

Mộc An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tesla-duoc-uu-ai-dac-biet-tai-trung-quoc-d113004.html