Con đường cây cổ thụ

Buổi trưa hay chiều xuống, giờ tan học, những con đường huyết mạch của Sài Gòn với hai hàng cây xanh như ôm trọn hình bóng các nữ sinh tha thướt trong tà áo dài trắng.

Sài Gòn có rất nhiều con đường cây cổ thụ, và đã là nguồn cảm hứng của bao nhạc sĩ, nhà thơ... Tình yêu người trẻ Sài Gòn ngày xưa cũng thật lãng mạn với:

“Con đường Duy Tân cây dài bóng mát...” hoặc: “Hỡi người tình học trò, hỡi người tình năm xưa Bóng người từng in dấu trên đường mờ...”.

Buổi trưa hay chiều xuống, giờ tan học, những con đường huyết mạch của Sài Gòn với hai hàng cây xanh như ôm trọn hình bóng các cô nữ sinh tha thướt trong tà áo dài trắng. Tà áo dài học sinh trung học hay áo dài sinh viên đại học... Tất cả tạo nên nét chấm phá của một Sài Gòn nhu mì bên hàng cây xanh thơ mộng.

Có một con đường của Sài Gòn với hàng cây cổ thụ xanh mướt quanh năm, không chỉ được điểm thêm những tà áo dài học sinh mà còn dáng dấp dịu hiền của những nữ tu với gương mặt đầy thánh thiện. Đó là đường Cường Để (hiện nay là đường Tôn Đức Thắng).

Từ đường Thống Nhất (Lê Duẩn) đi xuống, bên trái là Đại học Văn khoa (ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) và Đại học Dược khoa. Bên phải là các dòng tu nam như Thánh Giuse, dòng tu nữ kín Cát Minh.

 Sách Chuyện kể từ Sài Gòn. Ảnh: V.T.

Sách Chuyện kể từ Sài Gòn. Ảnh: V.T.

Không hiểu sao từ nhỏ, tôi cứ ôm ấp giấc mơ là sinh viên Văn khoa. Văn khoa... nghe hay hay làm sao đó. Thế nhưng khi có Tú Tài, tôi lại muốn trở thành kỹ sư nên đã thi và trúng tuyển vào trường khác. Văn khoa như một giấc mộng đẹp thuở nhỏ.

Sau khi tốt nghiệp đại học và thất vọng về nghề nghiệp của mình với một khoảng thời gian dài công tác xa nhà, về lại Sài Gòn, tôi rất thường đi lại trên con đường thơ mộng này bằng việc tham gia Câu lạc bộ Nói Tiếng Anh tại Đại học Dược khoa do khoa Đông Phương, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn tổ chức.

Mỗi sáng chủ nhật, lúc 8h, tôi đã có mặt tại Đại học Dược khoa, tham gia chia nhóm thảo luận về một đề tài nào đó. Thảo luận xong, chúng tôi thường được “chiêu đãi” kịch tiếng Anh hoặc thưởng thức ban nhạc Number Two với những ngón đàn và các bài hát tiếng Anh thật dễ thương.

Cũng tại câu lạc bộ này, tôi quen biết một dược sĩ cùng thế hệ với tôi, nói tiếng Anh khá chuẩn khi chị vô tình trở về tìm lại kỷ niệm xưa trong chuyến ghé ngang Sài Gòn. Hôm ấy, chúng tôi thảo luận đề tài: “Theo bạn, sống độc thân hay có gia đình là hạnh phúc?”. Tôi nhớ chị góp ý kiến:

- Lập gia đình chắc chắn bạn sẽ có những khó khăn. Và khi bạn giải quyết thành công những khó khăn đó, chính là hạnh phúc.

Tôi không quên những buổi trưa đứng nắng, tôi hòa vào không khí trẻ trung cùng các sinh viên ca hát với ban nhạc Number Two, để lúc ra về vẫn còn luyến tiếc rồi mong nhanh đến cuối tuần họp mặt cùng các bạn trẻ nữa.

Rồi tôi phải chia tay câu lạc bộ, chia tay nhánh trái của con đường Cường Để, tôi bận dạy cho một trung tâm Anh văn thiếu nhi.

Và vào một ngày nhiều năm sau đó, khi tôi đã gần đến tuổi “tri thiên mệnh”, tôi có thói quen rủ đứa cháu gọi tôi bằng bà cùng đi lễ sáng sớm tại Nhà Kín (Đan Viện Cát Minh), tức nhánh phải của đường Cường Để nếu đi từ đường Thống Nhất cũ xuống.

Lần đầu đi lễ, nghe các sơ hát Thánh Ca thánh thót mà không thấy ca đoàn ở đâu, thằng bé ngây ngất như được thưởng thức tiếng hát của các thiên thần. Và sau này cháu tâm sự chính lần đầu đó là niềm cảm hứng để cháu tham gia vào ca đoàn của giáo xứ mình.

Ngoài những giai điệu mượt mà, sâu lắng của Thánh Ca, hai bà cháu tôi còn bị chinh phục bởi khung cảnh thơ mộng, không gian tĩnh lặng, bầu trời trong vắt và khối không khí trong lành của con đường cây cổ thụ ngay trong trung tâm thành phố.

Chúng tôi nghe hình như sương mai vẫn còn đọng lại trên những chiếc lá của các tàng cây cao tạo nên một đoạn đường như có sương mù giăng giăng, để thằng cháu kêu lên:

- Sáng sớm đi lễ nơi đây giống như đang ở tại nhà thờ Domaine de Marie Đà Lạt hén bà Út. Tôi đồng ý với nó và cảm thấy thích thú làm sao mỗi sáng chủ nhật, hẹn đồng hồ 4h sáng để chuẩn bị có mặt tại Đan Viện Cát Minh kịp 5h cho Thánh lễ nhất buổi sáng.

Con đường vắng lặng, chỉ vài chiếc xe gởi phía dưới và giáo dân bước lên các bậc tam cấp vào nguyện đường dự lễ. Mọi người đi đứng nhỏ nhẹ, thì thầm cùng nhau như không ai muốn phá tan một không gian lãng mạn thánh thiện của buổi sáng tinh mơ trên con đường thơ mộng này.

Tôi còn gắn bó với con đường này trong mỗi lần đi đưa tin cho kỳ thi viết về cha mẹ của Trung tâm Mục Vụ, “tải” những quyển sách Saigon in my memories của tôi đến thư quán Mục Vụ ký gởi. Rồi lại thường xuyên ghé xem “doanh số”.

Tôi luôn thích đứng ở trạm xe buýt dưới hàng cây cao đón xe buýt số 30. Cảm giác thật bình an và tâm hồn thật lắng đọng. Chính vì thích con đường, tôi đã chịu khó giới thiệu bạn bè nơi ký gởi hàng thủ công mỹ nghệ cho thư quán Mục Vụ.

Một tối nọ trên mạng xã hội Facebook lan truyền hình ảnh nữ mặc áo dài, nam mặc quần áo tề chỉnh ôm chặt từng gốc cây ngăn không cho người ta đốn bỏ những cây Sọ cổ thụ trên đường Cường Để cũ.

Cuối cùng, những hàng cây to cao rợp bóng mát chia rõ bốn làn đường đã bị đốn hạ một cách tàn nhẫn. Con đường thơ mộng đầy bóng mát xưa giờ nắng chói chang và trơ lại những gốc cây cô đơn, nham nhở như đầu hàng và chấp nhận số phận.

Mạng xã hội lại chia sẻ hình ảnh một nam thanh niên đến từng gốc cây, đặt lên đó một cành hồng, như một sự chia tay, một cuộc rời xa đầy nuối tiếc.

Cũng từ những ngày đó, tôi và thằng cháu không còn đi lễ sáng sớm chủ nhật ở Đan Viện Cát Minh nữa. Không biết mọi người cảm nhận ra sao. Còn tôi hụt hẫng vô cùng trước con đường không bóng cây.

Một hình ảnh trống hoắc đến ngỡ ngàng và thật tội nghiệp cho một con đường vẫn còn nằm trong ký ức đẹp đẽ của bao người, nay không còn nữa.

Nguyễn Ngọc Hà / Tym Book & Media/ NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-duong-cay-co-thu-post1201983.html