Con đường dẫn đến tài năng
Vầng hào quang trên đầu các vĩ nhân thường làm ta lóa mắt mà không thấy được con đường chông gai, khổ ải mà họ đã trải qua. Nhà nước và nhà giáo dục rất cần biết điều này để tạo ra mọi con đường, mọi điều kiện và mọi cơ hội để thế hệ trẻ ngày nay vươn lên tầm cao trí tuệ thuận lợi.
Hồi học ở trường làng, Thomas Edison (1847-1931) được nhà trường xếp vào loại học trò lười và dốt. Mới nhập học được 3 tháng, ông được thầy hiệu trưởng đưa cho một tờ giấy và dặn mang về chỉ đưa cho mẹ.
Mẹ ông đọc tờ giấy mà đôi mắt đẫm lệ. Edison hỏi: "Mẹ ơi, trong tờ giấy viết gì thế, mẹ?".
Bà đọc to: "Con trai bà là một thiên tài. Trường học này quá nhỏ cho cậu ấy và cũng không đủ giáo viên giỏi để đào tạo cháu. Bà hãy tự giáo dục cháu nhé".
Nhiều năm sau, bà mẹ của Edison mất, và ông lúc đó đã trở thành nhà phát minh nổi tiếng. Một hôm, Edison thu xếp lại đồ đạc của mẹ, tình cờ ông thấy tờ giấy năm xưa nằm trong một ngăn kéo. Mở ra đọc, ông không kìm được nước mắt.
Nội dung tời giấy không như mẹ đã đọc cho ông nghe, mà là: "Trò Tom là một học trò dốt, lười, hư và hỗn láo. Nếu còn giữ ở trường, e rằng tiếng thơm lâu nay của trường chúng tôi sẽ bị tổn thương. Tốt nhất là bà cho trò ấy đi chăn lợn thì hơn vì chúng tôi thấy rằng, trò ấy có học chăng nữa sau này cũng chẳng làm nên trò trống gì". Kí tên: Hiệu trưởng Trường Tiểu học Port Huron Howard.
Người ta tìm thấy trong nhật ký của Edison có một đoạn ngắn: "Thomas Alva Edison là một thằng đần, nhưng bởi có bà mẹ anh hùng, hắn đã thành một thiên tài của thế kỷ".
Cậu bé Aleksei Maximovich Peshkov (1868-1936) (tên thật của đại văn hào Macxim Gorky) có một tuổi thiếu niên nghèo đói cùng cực, cay đắng và tủi nhục nhưng hết sức dữ dội. Làm đủ mọi việc lặt vặt kiếm sống, Gorky không thể có cơ hội học đại học. Vừa lao động, vừa tự học, Gorky đã tích lũy cho mình những tri thức về triết học, lịch sử, kinh tế, chính trị..., đặc biệt ông rất say mê các tác phẩm văn học.
Chưa đến tuổi 20 nhưng Gorky đã tham gia các buổi tranh luận của nhóm sinh viên theo chủ nghĩa dân túy, và ông nhận ra rằng, đây không phải là chủ nghĩa có khả năng đưa dân Nga ra khỏi kiếp nô lệ. Từ đó, Gorky tìm đọc những trước tác của Karl Marx và Friedrich Engels.
Năm 1898, ông cho ra mắt cuốn sách đầu tiên "Những tiểu luận và những câu truyện", không đứng tên Aleksei Peshkov, mà lấy bút danh Macxim Gorky (Gorky - tiếng Nga là cay đắng). Bắt đầu từ đó, Gorky nổi danh, và sau này ông đã cho ra đời những áng văn chương đồ sộ, khiến cả thế giới ngưỡng mộ.
Macxim Gorky là nhà văn Nga mở đầu cho trào lưu văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ông được đánh giá là một đại văn hào và một nhà hoạt động văn hóa - xã hội lỗi lạc.
Năm 1936, Macxim Gorky qua đời. Trong lễ tang, đích thân Iosif Vissorionovich Stalin - Đại Nguyên soái, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, và Vyacheslav Mikhailovich Lomotov - Thủ tướng Liên bang Xô Viết, khiêng linh cữu. Bình tro thi hài ông được an táng tại điện Kremli, Moscow.
Học không mệt mỏi, lao động hết mình là tính cách của nhân tài
Isaac Newton trả lời câu hỏi "Do đâu ông thành nhân tài kiệt xuất?", ông cho biết, "Tôi được đứng trên vai những người khổng lồ".
Những nhân tài (Talent, Talented man) và thiên tài (Genius) đều xuất thân từ những người bình thường. Trong số họ, nhiều người xuất phát từ những hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói.
Thomas Edison thì cho rằng "1% của thiên tài là cảm hứng, 99% là mồ hôi và nước mắt".
Lev Tolstoi (1828-1910) - một đại văn hào người Nga, được cả thế giới ngưỡng mộ. Từ năm 1863 đến năm 1869, Tolstoi tập trung viết cuốn tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình". Để viết tác phẩm này, nhà văn đọc cả ngày lẫn đêm những hồi ký lịch sử và những tư liệu báo chí có liên quan, đi khắp các thư viện lớn ở Moskva lục tìm, ghi chép các sự kiện trong những pho sách lịch sử, tìm kiếm những người đã tham gia chiến tranh để nghe lại chuyện những chiến trận và đời sống nhân dân những năm khói lửa. Ông cũng tìm đến những chiến trường xưa, ghi chép tại chỗ, vẽ lại bản đồ chiến dịch, khảo sát thực địa. Sau khi đã có tư liệu, ông giam mình trong phòng, viết suốt ngày không nghỉ. Ban đêm, bà vợ ngồi sao chép lại những trang bản thảo chi chít những dấu gạch xóa, những ghi chú.
Bộ tiểu thuyết "Chiến tranh và hòa bình" gồm trên 2000 trang với trên 1.200.000 chữ mô tả chiến tranh Nga - Pháp, trong đó có 550 nhân vật. Có trang của bản thảo được chữa 4 lần, có trang 15 lần, thậm chí có trang được ông đọc đi, đọc lại và chỉnh sửa vài chục lần.
Với cuốn "Đường đời" Lev Tolstoi đã lao động cật lực. Chỉ riêng lời tựa, ông viết đi viết lại 105 lần. Viết quyển "Sống lại", ông viết trong 11 năm.
Nhà toán học Leonhard Euler (1707-1783) nhận bằng Giáo sư lúc 17 tuổi. Lúc đó, công trình xuất sắc của ông là "Định lý Euler về liên hệ giữa số đỉnh, cạnh và mặt trong của một đa diện lồi". Ngày nay, học sinh, sinh viên học toán vẫn dùng những ký hiệu toán học do ông sáng tạo như i=√(-1), x, ∑, f(x), sin, cos v.v...
Năm 29 tuổi, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Peterbourg giao cho Euler việc tính toán thiên văn để lập bản đồ. Các viện sĩ trong Viện Hàn lâm cho rằng, việc này phải mất 3 tháng mới xong. Nhưng khi nhận việc, Euler hứa với Chủ tịch sẽ hoàn thành công việc này sau 3 ngày.
Sau một ngày, Chủ tịch hỏi ông: "Chắc bây giờ ông đã nhận ra rằng, công việc được giao không thể hoàn thành trong 3 ngày?".
Song, Chủ tịch vô cùng sửng sốt khi Euler trình ngay kết quả sau ngày đầu tiên (mất đúng một ngày một đêm).
Tiếc rằng, với cường độ làm việc như vậy, Euler bị hỏng một mắt.
Euler để lại cho đời một khối lượng công trình đồ sộ, in ra có thể thành một bộ sách 69 tập, mỗi tập 600 trang.
Lê Hữu Trác, hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791) là một danh y lớn, đồng thời là một nhà văn nổi tiếng. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu học về nghề thuốc. Sự nghiệp y học của ông được tập hợp trong bộ sách "Y tông tâm lĩnh", gồm 66 quyển. Ông viết bộ sách này trong 40 năm. Bộ sách được in toàn tập vào năm 1886. Đây là Bộ "Bách khoa toàn thư y học" ở thế kỷ XVIII, được đánh giá là công trình lớn nhất thời kỳ phong kiến Việt Nam.
Lê Quý Đôn (1726-1784), tên lúc niên thiếu là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường - một nhà bác học thời phong kiến. Nhân dân gọi ông là nhà bác học bách khoa. Về Sử học, ông có Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Bắc sử thông lục. Về triết học có Thi kinh diễn nghĩa, Dịch Kinh phu thuyết, Xuân Thu lược luận, Quần thư khảo hiện. Về văn hóa và sưu tầm văn chương có Hoàng Việt văn hải, Quế Đường thi văn tập. Về khoa học có Vân Đài loại ngữ, trong bộ này có trích dẫn đến 557 tập sách. Ông viết bộ này trong 3 năm.
Lê Quý Đôn được tiến sĩ Bùi Huy Bích đánh giá: "Nước ta trong vài trăm năm lại đây mới có một người như thầy". Còn Phan Huy Chú thì viết: "Bình sinh rất chăm chỉ làm sách. Bàn về kinh sử thì sâu sắc rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời".
Những người tài có một lối tư duy khác người ở chỗ: Họ không chấp nhận có sự bất di bất dịch của thế giới; và họ không sử dụng những khái niệm cũ, không còn phù hợp với những chuyển biến của thế giới.
Những nhân tài luôn phát hiện ra bản chất của các hiện tượng và sự vật, giúp ta thay đổi cách hiểu, cách nhìn vạn vật.
Con bọ hung luôn rúc vào những đống phân trân, phân ngựa, phân người. Thông thường, ai cũng ghê tởm nó, thậm chí gặp nó là đập chết. Nhưng nhà nghiên cứu về côn trùng lại thích nó. Mỗi ngày, con bọ hung bay cả trăm lần từ hang của nó đến các đống phân, cần cù chở ít một mang về hang. Nhiệm vụ của nó là nhào nặn phân, vê phân thành một cục tròn nhẵn thín. Nó đục một lỗ nhỏ trên viên phân, đẻ trứng vào đó rồi hàn lại. Trứng nở, bọ hung con đục khoét ngôi nhà của mẹ nó làm. Ngôi nhà nó là kho thức ăn để nó trưởng thành.
Con bọ hung là một lao động cần mẫn, một "công nhân vệ sinh" âm thầm làm việc. Vậy thì nó là con vật bẩn thỉu hay là kẻ dọn đống phân bẩn thỉu trên đường, để rồi người qua lại không phải bịt mũi vì mùi phân hoặc vô cùng khó chịu khi giẫm phải phân vương trên đường.
Đứng trước một con ong nhỏ bé, ta nghĩ rằng, nó là một cá thể trong bầy đàn của nó. Song, nhà nuôi ong nổi tiếng trên thế giới lại bảo, "cả bầy ong mới là một cơ thể trọn vẹn". Ta nghĩ sao về điều đó?
Người ta nhốt một con ong vào cái lồng nhỏ, cho nó đủ thức ăn, nó vẫn nhanh chóng chết. Những nếu nhốt cả bầy ong vào một cái lồng, chúng sống rất lâu. Vấn đề là, thức ăn được một con ong tiếp thu, rồi thức ăn đó chuyển hóa qua từng cá thể trong bầy ong. Ruột của bầy ong mới là một bộ máy tiêu hóa hoàn chỉnh.
Tri thức do học hành mà có
Những tri thức của người tài năng luôn làm mới thế giới của chúng ta. Những tri thức ấy là những giá trị văn hóa tuyệt vời để loài người vượt lên tất cả muôn loài trên thang tiến hóa. Những tri thức ấy do học hành mà có.
Nhà triết học người Anh - ông Francis Bacon nói: Đọc sách là nuôi dưỡng tình cảm phát triển tài năng. Sự học làm cho con người sáng suốt, thơ ca làm cho con người nhạy cảm, toán học làm cho con người chu đáo, khoa học làm cho con người sâu sắc, luân lý học làm cho con người đức độ, logic và tu từ học làm cho con người nói năng chặt chẽ. Phàm những người có học đều có thể trau dồi tính cách".
Ai cũng có thể có ít nhiều tài năng nào đó, miễn là học hỏi suốt đời và lao động say mê.