Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng rõ

Gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết 'Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam', trong đó khẳng định: Độc lập dân tộc (ĐLDT) gắn liền với CNXH là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này đã phản ánh đúng lý luận, thực tiễn và cả những vấn đề đặt ra cần phải tiếp tục giải quyết đối với cách mạng Việt Nam.

Trong hơn 91 năm qua, Ðảng ta luôn trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn về tương lai của CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn

Trong hơn 91 năm qua, Ðảng ta luôn trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn về tương lai của CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn

Khi bàn về tương lai CNXH của dân tộc ta trong thế kỷ XXI, Tổng Bí thư đã phân tích, làm rõ thêm về CNXH; vì sao từ những thập niên đầu của thế kỷ XX, Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH; làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng CNXH ở Việt Nam; thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên CNXH ở nước ta thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì để tiếp tục xây dựng CNXH trong điều kiện mới?

Qua bài viết của Tổng Bí thư, chúng ta nhận thức sâu sắc, đi theo con đường đó, cách mạng Việt Nam đã giành được những thành tựu vĩ đại: Giành được độc lập cho dân tộc, Việt Nam đã đi tiên phong trong cuộc đấu tranh đập tan chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giải phóng hoàn toàn và non sông thu về một mối, cả nước đi lên CNXH.

Lẽ đương nhiên trong thế kỷ XXI, con đường cách mạng Việt Nam tiếp tục đi trên quỹ đạo đó để nhanh chóng đến đích hơn. Và sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH, đất nước đã đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đúng như Tổng Bí thư đã nói “chưa bao giờ đất nước có được cơ đồ, vị thế như ngày hôm nay”.

Tuy nhiên, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước; xa rời tôn chỉ, mục đích của Ðảng; không kiên định con đường đi lên CNXH... Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ nếu không giải quyết sớm để thống nhất nhận thức, ý chí và hành động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển nước ta trong tình hình mới.

Trước bối cảnh đó, càng thấy rõ bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cấp thiết, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng. Qua đó, cảnh tỉnh, cảnh báo và răn đe những ai suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nhận thức mơ hồ, sai lệch về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; đồng thời, đó cũng là lời tuyên bố, luận cứ khoa học, cơ sở để phê phán, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Từ thực tế trong lòng các nước tư bản hiện nay, Tổng Bí thư cho rằng: Chủ nghĩa tư bản (CNTB) chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay, nhiều nước tư bản phát triển, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Đồng thời, bài viết bằng luận giải một cách sâu sắc với những minh chứng cụ thể, sinh động, đã chỉ ra các khuyết tật, mâu thuẫn cơ bản thuộc về bản chất của CNTB mà họ không thể khắc phục được trong khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội.

Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”...

Dân tộc ta đã giành được ĐLDT trong thế kỷ XX, nhưng không có nghĩa là không còn nhiệm vụ bảo vệ nền ĐLDT trong thế kỷ XXI. Không giữ vững được nền ĐLDT thì cũng sẽ chẳng có việc xây dựng CNXH trong thế kỷ XXI. Vì vậy, trong hơn 91 năm qua, Ðảng ta luôn trăn trở, tìm tòi, nghiên cứu để làm sáng tỏ hơn về tương lai của CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Quá trình tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, Ðảng đã có nhận thức ngày càng đúng đắn hơn tương lai của dân tộc, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi cần tiếp tục nghiên cứu. Lần này, những câu hỏi lớn ấy đã được Tổng Bí thư lý giải sâu sắc hơn, bổ sung, phát triển và hoàn thiện thêm trong bài viết, góp phần củng cố vững chắc niềm tin trong nhân dân ở giai đoạn phát triển mới của đất nước. Ðó cũng là tư tưởng, quan điểm lớn của Ðảng ta về ý chí, khát vọng xây dựng, phát triển CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong thế kỷ XXI.

Tổng Bí thư dành nhiều tâm trí vào việc luận giải về ý chí, về khát vọng vì sao gần 100 triệu người Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH, trên cơ sở đó trình bày những tư tưởng, quan điểm và giải pháp cụ thể cần nắm chắc trong quá trình tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu xây dựng, phát triển CNXH ở nước ta trong thế kỷ XXI. Luận điểm cốt lõi này đã được Tổng Bí thư đề cập nhiều lần ở các diễn đàn quan trọng khác nhau như Đại hội Đảng lần thứ XIII, các Hội nghị Trung ương; quá độ đi lên CNXH là một quá trình cách mạng lâu dài, trong đó rất phức tạp và có nhiều thách thức, với nhiều bước đi, nhiều hình thức đan xen và sự mâu thuẫn, đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu. Có thể khẳng định, đây là cuộc đấu tranh rất cam go, gian khổ, đòi hỏi phải có ý chí, khát vọng với một tư duy mới, bản lĩnh và sáng tạo. Trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Ðảng, nhưng không giáo điều, máy móc; không ngừng đổi mới, sáng tạo, phát triển, nhưng đổi mới phải trên cơ sở kiên định, không vô nguyên tắc dẫn đến chệch hướng XHCN. Không chấp nhận đa nguyên, đa đảng, không chấp nhận những khuyết tật, bất công luôn tồn tại trong chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, trân trọng, kế thừa có chọn lọc những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển CNTB.

Qua bài viết của Tổng Bí thư, chúng ta quán triệt sâu sắc về CNXH và con đường đi lên CNXH mà nhân dân ta đi tới. Những gợi mở, chỉ dẫn, tư tưởng trong bài viết là nguồn cảm hứng, tạo sự thống nhất, đoàn kết, khơi dậy ý chí tự cường, khát vọng vươn lên, xây dựng vào phát triển đất nước theo con đường CNXH ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

Đặng Công Thành

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-ngay-cang-sang-ro-post441472.html