Con đường Hạnh Phúc
Bây giờ con đường đó, con đường Hạnh Phúc đã bước sang tuổi 55. Con đường dài 185km, thi công 6 năm ròng rã, bằng thủ công và có 14 thanh niên xung phong (TNXP) đã nằm xuống tại đây. Để trong cuộc đời mỗi người, nhủ phải một lần được đi trên con đường đó, con đường xuyên qua trập trùng núi và lũng sâu, đôi khi vờn với trời mây, tính ra thì có bao nhiêu người được đến?
Bây giờ con đường đó, con đường Hạnh Phúc đã bước sang tuổi 55. Con đường dài 185km, thi công 6 năm ròng rã, bằng thủ công và có 14 thanh niên xung phong (TNXP) đã nằm xuống tại đây. Để trong cuộc đời mỗi người, nhủ phải một lần được đi trên con đường đó, con đường xuyên qua trập trùng núi và lũng sâu, đôi khi vờn với trời mây, tính ra thì có bao nhiêu người được đến?
Con đường Hạnh Phúc làm bằng sức người như một huyền thoại. Trên con đường thăm thẳm xe leo lên những triền núi đó, có một tấm bảng ghi về con đường này ở ngay đỉnh đèo, điểm ngắm sông Nho Quế và sự hùng vĩ của Mã Pí Lèng. Đã có hơn 2 vạn người bao gồm TNXP và người dân thuộc 16 dân tộc ở 6 tỉnh phía Bắc được huy động làm đường. Phải mất gần 6 năm (1959 - 1965) con đường mới hoàn thành và được đặt tên là Hạnh Phúc. Kể lại việc làm đường mới thấy sức người phi thường, để đục núi, phải đu dây bám vào vách đá... và biết bao nhiêu thanh xuân, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu đã rơi xuống để tạo ra cung đường huyền thoại, vượt qua ngọn đèo lộng lẫy mà nay bạn chỉ ngồi trên xe đi giữa cheo leo mà ngắm nhìn.
Chuyện kể lại, vào trước năm 1960, để tới được đây chỉ có đường mòn, đường dốc vô cùng gian nan, khiến cho sự thông thương giữa các huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đầy trắc trở. Cả tỉnh có 8 vạn người gần như sống riêng lẻ ở những nơi thẳm sâu, di chuyển bằng đôi chân giữa mây trời và núi đá. Ngày 16-11-2009, Bộ VH-TT-DL đã xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia.
Cung đường Hạnh Phúc đã trở thành một kỳ tích, chỉ cái tên đó thôi mà khiến cho mọi người hăm hở lên đường, dù đến đó thật gian nan, để khi chạm tới ở cung đường chỉ dài 20km, ở độ cao 2.000km là đã thỏa lòng. Nơi ấy như trời đất giao hòa, mây vờn cao, núi chập chùng núi, lũng sâu nhìn chóng mặt. Còn con đường thì nép mình theo núi, cứ quanh qua quanh lại, lên xuống tạo thành những nét vẽ giống như một họa sĩ đang sáng tác đầy ngẫu hứng.
Cuộc hành trình của chúng tôi đến Hạnh Phúc hoàn toàn cảm hứng. Ngồi trên xe, từ trên con đường này đã nhìn thấy con đường kia. Bao quanh là những dãy núi đá vôi cao ngất, đặc biệt là các đỉnh núi đều nhọn. Nắng đôi khi thoát ra khỏi mây, chiếu những tia sáng hiếm hoi xuống thung lũng hay bên triền đá. Đá ở đây có tên tai mèo, chen đen và trắng, tạo dáng rất lạ, nhú lên như những tảng thạch nhũ lộ thiên. Cao nguyên đá Đồng Văn được tạo nên bởi một loạt trầm tích gồm đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa thạch cách đây khoảng 430 triệu năm. Đúng như tên gọi, đá nhiều vô kể, và đá ấy không trùng lẫn với bất cứ một dãy núi nào. Cũng vì lẽ đó mà ở các ngôi làng chúng tôi qua, họ làm tường nhà bằng đá xếp lại thật đẹp, những con đường nhỏ cho những người dân các buôn làng qua lại giao thương với nhau cũng xếp đá dọc theo. Cái lạ là sau mùa thu hoạch ngô, mà đó là loại cây trồng nhiều nhất ở đây để làm lương thực và chế biến rượu, người dân cứ lấy các bẹ ngô phơi trên những mõm đá, tạo ra những cột nấm ngộ nghĩnh nổi bật trong không gian.
Xe đi giống như trên một con đường vạch sẵn, phải là tài xế giỏi mới dám lái xe đi trên con đường này. Thường thì xe dừng lại hai điểm đẹp nhất để tận hưởng "Vạn lý trường thành". Điểm thứ nhất ngay chỗ khá rộng, nhìn xuống là lũng sâu. Nơi đây có một lối mòn lên núi, phía sau núi có một buôn làng người Mông. Ngay vòng ôm đẹp nhất của con đường Hạnh Phúc, từ đây nhìn xuống thấy dòng sông Nho Quế. Ở đây có xây tường, từ đó leo xuống những bậc thang xoắn ốc, tại một bãi rộng, nhìn xuống thung lũng mênh mông và dòng sông Nho Quế. Dòng sông này bắt nguồn từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) có tên là Phố Mai, dài tổng cộng 192 km. Sông Nho Quế chảy vào địa phận Việt Nam tại Lũng Cú, một đoạn là ranh giới giữa hai nước, đến gần Đồng Văn thì chảy hẳn vào nội địa Việt Nam, qua hẻm núi Tu Sản rồi chảy dọc theo đèo Mã Pí Lèng. Đến Mèo Vạc thì sông Nho Quế tách ra chảy theo hướng đông- đông nam vào địa phận Cao Bằng, cuối cùng đổ nước vào sông Gâm. Chúng tôi thấy con sông như một dải lụa vắt qua dưới chân núi, mà núi thì cao vời. Dòng sông ấy xanh và đầy vẻ trữ tình.
Trong cuộc đời, chỉ một lần đến con đường Hạnh Phúc, đi trên đèo Mã Pí Lèng cùng chạm cái sừng sững ấy và ngắm dòng sông Nho Quế là đủ cho cuộc sống thênh thang.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_221856_con-duong-hanh-phuc.aspx