Con đường hoa ban miền Tây xứ Nghệ

Những chủ trương, chính sách có 'sát sườn', cơ sở hạ tầng có vững chắc đến mấy mà không coi trọng yếu tố con người triển khai thực hiện, sử dụng thì cũng không phát huy được hiệu quả. Chỉ có sự đổi mới trong tư duy, cùng quyết tâm và sự kiên trì thì người ta mới tự cứu được mình.

Chúng tôi đến xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) khi nắng đã ngả chiều. Phó Chủ tịch xã Và Bá Tịnh nhìn chiếc xe hơi du lịch của chúng tôi ái ngại: Xe này không lên Huổi Cọ được đâu, đường trơn và dốc lắm. Đến xã Nhôn Mai bằng xe ô tô là điều không tưởng của 5 năm về trước. Bởi trước khi con đường Tây Nghệ An được làm, phương tiện duy nhất để đến nhiều bản làng của vùng này là đi bằng thuyền trên hệ thống sông, suối thượng nguồn Nậm Nơn (một nhánh của sông Lam). Người dân bản Huổi Cọ cũng mới quen với việc đi bằng xe máy từ mấy năm nay. Chờ một lúc thì trưởng bản Và Khùa Đớ đi xe máy xuống đón. Ngồi sau xe theo tư thế “tọa mã tấn”, tay bám chắc nách áo của người lái, chúng tôi ngoái cổ nhìn đường Tây Nghệ An hút sâu sau lưng. Từ trên cao nhìn xuống, con đường như sợi chỉ mờ trong trắng buốt hoa ban và mây ngàn gió núi.

Cả bản phập phù ánh điện, vì tất cả nguồn điện đều được sản sinh ra từ những chiếc máy phát mini thả dưới suối. Nhưng, theo bà con thì thế đã là “văn minh” lắm rồi, ít ra có thể sạc điện thoại, có ánh sáng sinh hoạt và nếu đủ dòng còn có cả tivi. Huổi Cọ chìm trong sương mù và giá lạnh, tiếng lửa lách tách reo vui trong từng chái nhà. Tôi không khỏi kinh ngạc khi thấy chiếc máy nước công cộng của một thời bao cấp Hà Nội lại xuất hiện ở đây. Khác chăng là không có hàng dài xô, thùng, chậu đứng chờ và nước chảy thì rất tốt. Trưởng bản nói hệ thống nước sạch hợp tiêu chuẩn nông thôn mới này mới được xây dựng cách đây chừng 2 năm, khi người dân toàn bản quyết tâm xây dựng nông thôn mới.

Sự quyết tâm này không chỉ là một cánh tay biểu quyết là xong, mà đó là cả một quá trình. Bởi xuất phát điểm của Huổi Cọ quá thấp, có đến 81% hộ nghèo; đường đi lối lại không có; nhà tranh tạm bợ chiếm tỷ lệ nhiều. Và hơn thế, là cái nghèo trong tư tưởng, trong tư duy không lối thoát. Công bằng mà nói, người Mông ở bản Huổi Cọ là những người nông dân chăm chỉ; họ cũng là những con người khát khao hiểu biết, trọng việc học hành, luôn muốn tìm tòi cái mới. Nhưng, hoàn cảnh tự nhiên không cho phép, nương ít đá nhiều; quanh năm chỉ trông vào 1 vụ lúa, 1 vụ ngô; cầu mong con bò, con trâu không dịch bệnh. Nghèo lại hoàn nghèo, từ mấy đời nay đều như thế, tổ tiên đã quen như thế, cha ông cũng quen như thế, cái nghèo như đã trở thành một “định mệnh” của người Mông ở Huổi Cọ.

Cuối năm 2017, Bí thư Chi bộ bản Và Già Sua được cấp trên “quán triệt” nghị quyết về nhiệm vụ giúp đỡ người dân thoát nghèo. Bí thư Sua nghĩ, nghị quyết nói thì đúng quá đi rồi, ai chẳng muốn làm theo nhưng ở Huổi Cọ cán bộ, đảng viên ai cũng nghèo thì giúp ai được? Bí thư Đảng ủy xã bảo: Đồng chí không phải lo, tỉnh đã có dự án cấp cây giống, giúp dân làm giàn, trồng cây chanh leo, đồng chí chỉ cần quyết tâm vận động mọi người làm đến cùng là được. Đêm đó Và Già Sua nghĩ lung lắm: Người Mông Huổi Cọ chưa trồng cây chanh leo bao giờ biết có sống nổi không? Nhận nhiệm vụ của Đảng giao, nhận vốn của Nhà nước giúp mà mình không làm được thì có bị kỷ luật không? Càng nghĩ càng lo lắng. Nhưng rồi, sau nhiều đêm nằm gác tay lên trán, thấy trí óc mình sáng ra, con tim mình đập nhanh, máu nóng rực người. Sua tự nhủ: Mình là cán bộ thì phải đi đầu, phải làm gương để cả bản noi theo, có quyết tâm mới chiến thắng đói nghèo được!

Năm 2017, Và Già Sua trồng thử nghiệm 1.000 gốc chanh leo, sau 6 tháng thu 10 tấn, bán được 50 triệu đồng. Vì chanh leo chỉ trồng được 1 vụ, ông lại tiếc cái đất màu dưới giàn chanh leo liền tìm hiểu kỹ thuật trồng thâm canh khoai sọ, khoai sọ lại được mùa. Mô hình trồng cây chanh leo lập tức được nhân rộng ngay trong chi bộ. Mùa vụ 2018, cả 16 đảng viên cố định của bản đều trồng chanh leo, đó là nhiệm vụ đã được ghi vào nghị quyết. Người ít thì trồng 400 gốc, người nhiều có đến 1.200, tất cả phải làm giàn theo đúng kỹ thuật của ngành nông nghiệp hướng dẫn. Đảng viên đã thoát nghèo. Lập tức, chi bộ lại ra nghị quyết: Đảng viên phải kèm người dân thoát nghèo! Cả bản Huổi Cọ có 53 hộ dân chia làm 3 tổ; 6 đảng viên phụ trách 1 tổ (chi bộ có 19 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên sinh hoạt tạm). Việc của những “phụ trách viên” này là thường xuyên đi nhắc nhở bà con chăm lo sản xuất, làm đúng kỹ thuật. Ví dụ như thấy ông X, bà Y ở nhà thì đảng viên phải có trách nhiệm đến hỏi thăm lý do tại sao không đi làm; trường hợp nào lười nhác, chi bộ chỉ đạo cho trưởng thôn cảnh cáo trên loa phát thanh.

Ảnh: D.N

Ảnh: D.N

Chi bộ còn vận động người dân trong bản góp công, góp sức xóa nhà tranh dột nát; tặng cây giống, con giống cho người nghèo. Trưởng bản Và Khùa Đớ kể: Không phải đảng viên nào cũng nhất trí theo ngay, bởi thực tế trong bản cũng có người lười, người chăm. Nếu tặng con bò mẹ, người ta không chăm mà để bò chết thì buồn lòng lắm. Nhưng, chi bộ đã ra nghị quyết và thống nhất rằng, đối với người lười thì đảng viên càng phải có trách nhiệm kèm cặp họ cùng làm; để bò chết thì đảng viên cũng bị kỷ luật. Nghe đến đoạn này, chúng tôi cho rằng nghị quyết chi bộ có phần “khắt khe” quá nhưng chính Và Khùa Đớ lại thanh minh thế này: Thực ra thì nghị quyết ra vậy là rất sát thực tế đấy, bởi cả bản này chỉ có 2 họ, đều là người Mông, như vậy ngoài trách nhiệm của người đảng viên với người dân, còn có cả tình cảm họ hàng thân thiết, nói là giúp dân nhưng cũng là giúp chính gia đình mình thôi.

Với những hành động quyết liệt và hiệu quả, cả bản Huổi Cọ “thay da đổi thịt” theo từng mùa. Số hộ nghèo cuối năm 2019 chỉ còn 16%; cả bản chỉ còn 2 nhà lợp tranh; người dân đóng góp làm được hơn 1.000m đường bê tông trong thôn, láng xi-măng được 2 sân vận động; đời sống tinh thần ngày càng thêm phong phú khi nghệ nhân khèn Mông Và Bá Dùa được Nhà nước công nhận. Đến nay, Huổi Cọ đã đạt được 10/14 tiêu chí xây dựng bản nông thôn mới. Phó Chủ tịch xã Và Bá Tịnh cho biết thêm: Theo kế hoạch của xã, bản Huổi Cọ sẽ về đích nông thôn mới vào năm 2025, vậy nhưng người dân ở bản đang “đòi” giảm thời gian lại đến năm 2022. Tinh thần của người dân bản như thế là rất đáng khen.

Con đường bê tông nối trung tâm xã lên Huổi Cọ theo Dự án 135 của Chính phủ đang dần được hoàn thành. Ngay từ lúc biết tin về con đường này, chi bộ đã ra nghị quyết động viên mỗi người dân trồng 2 cây ban ven đường. Nhìn những cành ban trắng đâm chồi trong sương lạnh, lòng chúng tôi bỗng nhiên thấy ấm áp lạ thường. Niềm tin đã được mỗi đảng viên Chi bộ Huổi Cọ gieo trồng, chỉ chờ ngày hái quả.

Phạm Thanh Khương

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/con-duong-hoa-ban-mien-tay-xu-nghe-628067/