Con đường khởi nghiệp của doanh nhân Vũ Mạnh Hùng

Từng được nhận giải thưởng 'Sao Vàng đất Việt', 'Top 200 thương hiệu Việt', bằng khen của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, cúp vàng 'Giám đốc tài năng'… nhưng, để có được những phần thưởng cao quý này, ông Vũ Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn từng trải qua vô vàn khó khăn, bao lần thất bại. Ông là một trong những người tiên phong áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn tại khu vực Đông Nam bộ.

Khởi đầu táo bạo

Doanh nhân Vũ Mạnh Hùng là người tiên phong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi gia cầm và gia súc với quy mô lớn ở Bình Phước. Và đây cũng là một trong số rất ít doanh nghiệp (DN) tiên phong, thành công trong lĩnh vực chăn nuôi gà lạnh ở miền Đông Nam bộ. Chính điều đó mà trong giới doanh nhân, nhiều người đã phong cho ông Vũ Mạnh Hùng là “tỷ phú gà lạnh”.

Doanh nhân Vũ Mạnh Hùng

Doanh nhân Vũ Mạnh Hùng

“Khi nói đến kinh nghiệm, người ta thường nhắc đến những bài học thành công. Nhưng theo tôi, những thất bại cũng là kinh nghiệm rất đáng trân quý. Tôi khởi nghiệp từ trong khó khăn và thành công là nhờ biết nhìn vào những thất bại của mình, dám đương đầu với nó để vượt qua” - doanh nhân Vũ Mạnh Hùng mở đầu câu chuyện như thế.

Năm 2001, khởi nghiệp bằng 1 trại nuôi gà với khoảng 300 con nhưng chỉ 2 năm sau, trận dịch cúm gia cầm đã khiến ông Hùng trắng tay. Với phương châm “ngã ở đâu, đứng dậy chỗ đó”, ông cầm cố hết tài sản vay vốn ngân hàng để tiếp tục gầy dựng lại. Song, con đường kinh doanh có quá nhiều thăng trầm. “Vào thời điểm đó, gà ngoại nhập về ồ ạt, trại gà của tôi bị tồn kho trong khi lãi suất vay lên tới hơn 20%/năm. Toàn bộ vốn của tôi hết sạch, không ít lần muốn buông xuôi” - ông Hùng nhớ lại.

Cứ ngỡ sau lần “trắng tay” thứ 2 đó thì “lửa” kinh doanh của ông Hùng cũng lụi tàn theo. Nhưng nhìn hơn 600 nhân viên và sự nghiệp đã gầy dựng, ông lại tự động viên mình tiếp tục. Từ thất bại đó, ông Hùng nghiệm ra rằng, không thể làm giàu với cách làm tiểu nông mãi được. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định phải “ra ngoài” xem người ta làm ăn thế nào. Vì sao người ta làm được, còn mình thì cứ thất bại nối tiếp. Sau đó, ông đã có một cuộc hành trình dài đến các nước, tham quan trang trại nuôi gà ở Đức, Hà Lan, Bỉ, Thái Lan và phát hiện ra mình thất bại là do nuôi gà bằng chuồng hở, lại nuôi số lượng lớn, không đủ kỹ thuật chăm sóc nên gà chậm lớn, dịch bệnh xảy ra là đương nhiên. Muốn giải quyết vấn đề này, chỉ có con đường duy nhất là đầu tư chăn nuôi theo công nghệ hiện đại, gọi là chuồng lạnh.

Thu gom trứng tại trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của Tập đoàn Hùng Nhơn, huyện Đồng Phú (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Thu gom trứng tại trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của Tập đoàn Hùng Nhơn, huyện Đồng Phú (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Trở về nhà, ông tiếp tục gom hết vốn quyết tâm khởi nghiệp lần thứ 3. Năm 2007, Công ty Hùng Nhơn khánh thành trang trại nuôi gà lạnh Thùy Thảo đầu tiên, với vốn đầu tư 80 tỷ đồng. Trên diện tích 20 ha, ông nuôi gà theo mô hình tiên tiến nhất của Cộng hòa Liên bang Đức. Quy trình chăn nuôi tự động hóa 100%, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm, nước uống, thức ăn mỗi ngày trên từng con gà. Với quy trình này, mỗi năm trại gà Thùy Thảo cung cấp cho thị trường hơn 4.500 tấn thịt gà sạch. Nhờ bước đi táo bạo đó, ông Hùng đã thắng lớn và bứt phá, chuyển mình.

Thành công từ trang trại gà lạnh, những tưởng sẽ dừng lại nhưng ông lại chọn một con đường khó hơn. Đó là tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi heo với quy mô 9.600 heo nái, mỗi năm cung cấp hơn 300 ngàn con giống cho nông dân khu vực miền Đông Nam bộ và 25.000 con heo thịt. Đây là mô hình hiện đại nhất, ngang tầm với các nước trong khu vực với số tiền đầu tư hơn 170 tỷ đồng. Theo ông, đầu tư vào chuỗi chăn nuôi khép kín là hợp lý và giải được bài toán rủi ro vì “không bỏ trứng vào một rổ”. Bởi, khi gà rớt giá sẽ có heo, heo rớt giá sẽ có trứng gà... “Mô hình kinh doanh khép kín từ đầu vào tới đầu ra giúp chúng tôi giảm chi phí tối đa và tạo được việc làm cho người lao động” - ông Hùng nói.

Vươn ra biển lớn

Càng vươn ra biển lớn, ông Vũ Mạnh Hùng càng chứng tỏ bản lĩnh doanh nhân thời đại mới. Vào tháng 9-2017, hơn 300 tấn thịt gà trong chuỗi xuất khẩu trong đó có Hùng Nhơn đã được xuất sang thị trường Nhật. Đây là lô thịt gà được xuất khẩu chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sang thị trường khó tính này. Tuy nhiên, theo ông Hùng “không có thị trường khó tính, mà quan trọng là sản phẩm của mình có đủ tốt hay không”.

Ngày 5-10, 1.250 con heo cụ kỵ, ông bà chất lượng cao do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn nhập khẩu từ đối tác Topigs Norsvin đã được vận chuyển bằng chuyên cơ riêng từ Canada về Việt Nam

Ngày 5-10, 1.250 con heo cụ kỵ, ông bà chất lượng cao do Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn nhập khẩu từ đối tác Topigs Norsvin đã được vận chuyển bằng chuyên cơ riêng từ Canada về Việt Nam

Hiện nay, Tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống trang trại công nghệ cao theo tiêu chuẩn Global GAP tại các tỉnh khu vực Đông Nam bộ - Tây nguyên và đang áp dụng hệ thống công nghệ của các tập đoàn lâu đời ở châu Âu. Trong đó, đặc biệt là Tập đoàn De Heus (Hà Lan) có hơn 100 năm kinh nghiệm, Tập đoàn Bel Gà (Bỉ) với trên 90 năm kinh nghiệm và tập đoàn ở Nhật với trên 60 năm hoạt động. Hệ thống trang trại chăn nuôi của ông đã đạt chứng chỉ tiêu chuẩn quốc tế Global GAP, gồm 349 tiêu chí, gấp mấy trăm lần so với tiêu chuẩn VietGAP, chỉ có 12 tiêu chí.

Với tư duy “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, ông Hùng đã lựa chọn việc đứng trên vai của người khổng lồ, cùng đồng hành hợp tác đầu tư hệ thống chuỗi giá trị cao, vượt trội áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp công nghệ cao. Không phải ngẫu nhiên mà De Heus - tập đoàn nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp thức ăn chăn nuôi lại chọn Hùng Nhơn làm đối tác. Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Công ty TNHH De Heus cho rằng, tại Việt Nam, Hùng Nhơn là DN có những trang trại được đầu tư trang thiết bị rất hiện đại. Hơn nữa, ông Hùng rất tâm huyết với ngành chăn nuôi và có tầm nhìn xa, trông rộng. Ông Hùng xác định đầu tư chăn nuôi đúng hướng và lâu dài. “Qua nhiều lần tiếp xúc, tôi nhận thấy ông Hùng đầu tư không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì chất lượng sản phẩm, có ý nghĩa vì giống nòi, sự sống còn của người dân, vì cộng đồng xã hội… Trong kinh doanh, ông Hùng hội tụ nhiều phẩm chất rất đáng quý, tạo sự tin tưởng cho đối tác” - ông Gabor Fluit nhận định.

Với tầm nhìn và định hướng phát triển chiến lược giai đoạn 2021-2030, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn sẽ tiếp tục hợp tác để mở rộng, phát triển mạng lưới chuỗi các dự án chăn nuôi giống heo cụ kỵ quy mô lớn và vùng an toàn dịch bệnh tại khắp các tỉnh khu vực Tây nguyên. Sau khi hoàn thành các khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, tiếp đến sẽ triển khai tại Đắk Nông, Tây Ninh và một số tỉnh khác thuộc khu vực Đông và Tây Nam bộ. Chuỗi dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần định hình Tây nguyên trở thành trung tâm cung cấp heo giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao hàng đầu khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Thời gian qua, Tập đoàn Hùng Nhơn đã tiếp tục bắt tay cùng Tập đoàn De Heus đầu tư để mở rộng sản xuất chăn nuôi tại các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ. Ngày 27-9-2019, hai tập đoàn này đã hợp tác khởi công dự án “Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk”, tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tạo ra nguồn cung cấp heo giống chất lượng cao cho khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ, với công suất chăn nuôi 2.500 con heo cụ kỵ và heo ông bà, cung cấp cho thị trường khoảng 25.000 con heo bố mẹ và heo hậu bị. Tổ hợp có quy mô sử dụng đất khoảng 200 ha.

Tiếp đến, ngày 17-4-2021, Công ty cổ phần Bel Gà, Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn đã tổ chức lễ khánh thành đi vào hoạt động Nhà máy ấp trứng gia cầm công nghệ cao Bel Gà Tây Ninh, có tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 15.000m2, công suất thiết kế trên 19 triệu gà con/năm vào giai đoạn 1 và sẽ mở rộng lên đến 38,4 triệu gà con/năm vào giai đoạn 2. Sản phẩm cung cấp chính của nhà máy là gà con giống nuôi thịt 1 ngày tuổi và gà con giống nuôi đẻ trứng 1 ngày tuổi, có chất lượng tốt nhất, đáp ứng nhu cầu về con giống gia cầm cho thị trường Việt Nam và Campuchia. Mới đây nhất, ngày 5-10-2021, tập đoàn đã nhập khẩu lô 1.250 con heo cụ kỵ đầu tiên từ Topigs Norsvin - thương hiệu hàng đầu về cung cấp giống heo chất lượng cao trên thế giới về trang trại tại dự án “Tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk”.

Bùi Liêm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/127627/con-duong-khoi-nghiep-cua-doanh-nhan-vu-manh-hung