Con đường sự nghiệp gây tranh cãi của sáng lập viên Telegram - Kỳ 1

Được ca ngợi là 'Zuckerberg người Nga', Pavel Durov nổi tiếng nhờ ứng dụng mạng xã hội mà ông sáng lập khi mới 22 tuổi. Đó là Telegram, mạng xã hội lớn nhất Nga.

Kỳ 1: “Zuckerberg người Nga

Tỷ phú sáng lập Telegram Pavel Durov phát biểu tại một hội nghị ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 23/2/2016. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tỷ phú sáng lập Telegram Pavel Durov phát biểu tại một hội nghị ở Barcelona, Tây Ban Nha ngày 23/2/2016. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Theo trang moneycontrol.com, Durov là một nhân vật nổi bật trong thế giới công nghệ khi kiên quyết không chịu khuất phục trước áp lực của chính phủ hoặc tham vọng của các tập đoàn, nhất quyết bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng.

Pavel Durov sinh ngày 10/10/1984 tại Leningrad (Liên Xô), là con của Valery và Albina Durov và có một anh trai là Nikolai Durov. Cha là một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng và từng là trưởng khoa ngôn ngữ học tại Đại học Tổng hợp St. Petersburg. Mẹ cũng là giáo sư tại cùng trường đại học.

Durov hoàn thành chương trình tiểu học tại Italy và chương trình trung học tại trường trung học phổ thông D.K. Faddeev ở St. Petersburg. Ngay từ nhỏ, ông đã có thiên hướng giỏi lập trình máy tính sau khi quan sát công việc của anh trai. Đến khi tốt nghiệp trung học, ông đã khẳng định được danh tiếng là một lập trình viên cực kỳ thông minh sau khi phá được mật khẩu vào mạng máy tính của trường.

Sau khi tốt nghiệp trung học năm 2001, ông theo học chuyên ngành khoa học ngôn ngữ học tại Đại học Tổng hợp St. Petersburg. Khi còn học đại học, ông đã ba lần giành được Giải thưởng Potanin danh giá cũng như giải thưởng trong một số cuộc thi lập trình và ngôn ngữ học. Ông cũng là người nhận được học bổng do Chính phủ Nga cũng như Tổng thống Nga tài trợ.

Tận dụng kỹ năng lập trình và kinh doanh của mình, Durov đã tạo ra hai trang web – durov.com và spbgu.ru. Trang durov.com là cơ sở dữ liệu về tài liệu giáo dục cho các khóa học trong chuyên ngành của ông, còn spbgu.ru đóng vai trò là nền tảng trực tuyến để sinh viên cũng như các giảng viên của trường đại học có thể giao tiếp với nhau.

Durov tốt nghiệp Đại học St Petersburg State năm 2006.

Khi thấy Facebook thành công tại Mỹ và nhận phản ứng tích cực về trang spbgu.ru trong thời gian học đại học, Durov đã hình thành ý tưởng về một phiên bản tiếng Nga của một trang mạng xã hội. Ông đã hợp tác với anh trai Nikolai và những người bạn lâu năm gồm Lev Leviev và Vyacheslav Mirilashvili để thành lập công ty VKontakte vào ngày 1/10/2006. Durov tập trung phát triển khía cạnh sáng tạo của trang web VK.com , còn Nikolai xử lý khía cạnh kỹ thuật của trang web này. Leviev và Mirilashvili chịu trách nhiệm cung cấp cho công ty khoản đầu tư ban đầu quan trọng. Trang web được mở cho người dùng thông qua lời mời vào ngày 10/10/2006 và cho tất cả mọi người vào tháng 12 cùng năm.

Trong năm đầu tiên hoạt động, trang web VKontakte đã thu hút hơn 3 triệu lượt đăng ký người dùng cũng như khoản đầu tư trực tiếp đầu tiên từ Digital Sky Technologies (DST). DST đã mua gần 25% cổ phần của công ty. Những cổ phiếu này sau đó đã được bán cho Tập đoàn Mail.Ru. Sau khoản đầu tư từ DST, công ty của Durov bắt đầu thương mại hóa trang web bằng cách bổ sung thêm tiền ảo. Điều này giúp trang web ngày càng phố biến và đến cuối năm 2007, VK.com đã thu hút được hơn 20 triệu lượt đăng ký người dùng và trở thành một trong những trang mạng xã hội phổ biến nhất tại Nga. Năm 2009, một đánh giá độc lập của TechCrunch về công ty đã đưa ra mức định giá của công ty vào khoảng 234 triệu USD.

Tuy nhiên, sau khi bất đồng quan điểm với những người đồng sáng lập Leviev và Mirilashvili, cuối cùng họ đã bán 48% cổ phần của mình cho quỹ đầu tư United Capital Partners (UCP) vào năm 2013. Ngay năm sau, sau những bất đồng với Chính phủ Nga về vấn đề quyền riêng tư dữ liệu của người dùng liên quan đến cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, Durov đã từ chức giám đốc điều hành của công ty và bán 12% cổ phần của mình trong công ty cho Ivan Tavrin, Giám đốc điều hành của Megafon. Điều này có nghĩa là chuyển giao quyền sở hữu công ty VKontakte cho tập đoàn nắm giữ Mail.ru.

Năm 2011, Pavel đã bị tấn công tại nhà sau khi có thông tin rằng ông có liên hệ với một cuộc biểu tình chống chính phủ ở Moskva. Khi đó, ông nhận ra rằng mình hoàn toàn không có cách nào an toàn để liên lạc với anh trai mình vì tất cả các đường dây điện thoại có khả năng bị lực lượng an ninh nghe lén. Nhận ra đây là một lỗ hổng lớn trong quyền riêng tư dữ liệu, ông cùng với anh trai đã bắt đầu phát triển MTProto - một giao thức mã hóa cực kỳ an toàn dành riêng cho các dịch vụ nhắn tin tức thời. MTProto sau đó trở thành giao thức mã hóa cốt lõi cho Telegram.

Telegram chính thức ra mắt vào tháng 8/2013 dưới dạng ứng dụng nhắn tin tức thời dựa trên đám mây, mã nguồn mở với mã hóa đầu cuối cực kỳ an toàn. Telegram nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh khi ưu tiên quyền riêng tư dữ liệu và coi đây là giá trị cốt lõi. Trên thực tế, để phát triển và vận hành ứng dụng độc lập và không chịu ảnh hưởng của chính phủ hoặc bên ngoài, dự án này phần lớn phát triển bằng tiền của chính Durov. Công ty cũng đã huy động được gần 2,7 tỷ USD tài trợ qua hai vòng gọi vốn trước IPO và gọi vốn nợ. Vòng gọi vốn gần đây nhất được tổ chức vào tháng 3/2021, trong đó công ty đã nhận được hơn 1 tỷ USD tài trợ mà Mubadala và Abu Dhabi CP là các nhà đầu tư chính.

Vì Telegram không muốn chia sẻ dữ liệu người dùng trong bất kỳ trường hợp nào nên công ty không chạy quảng cáo hoặc khuyến mại dưới bất kỳ hình thức nào. Cho đến năm 2021, công ty đã tạo ra doanh thu chỉ dựa trên hàng tỷ đô la tiền quyên góp của người dùng. Tuy nhiên, vào tháng 11/2021, Telegram đã ra mắt dịch vụ quảng cáo, nơi các công ty có thể chia sẻ tin nhắn trả tiền trên các kênh công cộng có ít nhất 1.000 người đăng ký. Những quảng cáo này dựa trên bối cảnh và dịch vụ này không có hình thức khai thác dữ liệu nào để hiển thị.

Telegram đã nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ tinh thần quan tâm tối đa đến quyền riêng tư dữ liệu. Chỉ một năm sau khi ra mắt, ứng dụng đã thu hút được hơn 35 triệu người dùng trên toàn thế giới. Trong vài năm phát triển tiếp theo, ứng dụng này tiếp tục bổ sung một số tính năng như gọi thoại được mã hóa, trình phát phương tiện và tin nhắn bí mật. Đến tháng 2/2016, Telegram đã vượt qua mốc 100 triệu người dùng đăng ký. Đến tháng 4/2020, con số đó đã tăng vọt lên 400 triệu mặc dù ứng dụng này đã bị cấm tạm thời cũng như vĩnh viễn ở các quốc gia như Nga, Iran và Trung Quốc.

Năm 2018, Nga đã tìm các cấm ứng dụng này sau khi Durov từ chối cấp quyền truy cập vào tin nhắn được mã hóa của người dùng cho các nhân viên an ninh nhà nước. Mặc dù lệnh cấm này phần lớn không hiệu quả, nhưng đã dẫn đến biểu tình rầm rộ và chỉ trích từ các tổ chức phi chính phủ. Sự phổ biến nhanh chóng của Telegram ở châu Âu đã khiến một số quốc gia, bao gồm cả Pháp, chú ý vì các quan ngại liên quan bảo mật và quyền riêng tư dữ liệu. Các nhà chức trách châu Âu đang xem xét các quy định chặt chẽ hơn đối với ứng dụng này theo luật nội dung trực tuyến mới.

Telegram đã phải đối mặt với một số chỉ trích vì cho phép người dùng chia sẻ dữ liệu lên đến 2 GB, dẫn đến việc phát tán không được kiểm soát cả nội dung có bản quyền cũng như nội dung cực đoan. Vấn đề này trở nên tồi tệ hơn do các khóa mã hóa cực kỳ an toàn khiến các cơ quan an ninh rất khó theo dõi nội dung nhạy cảm. Bất chấp những vấn đề này, số lượng người dùng đăng ký vẫn tăng mạnh và công ty được cho là đang có kế hoạch niêm yết vào năm 2024.

Durov, người có khối tài sản được Forbes ước tính là 15,5 tỷ USD, đã rời Nga vào năm 2014 sau khi từ chối tuân thủ yêu cầu của chính phủ về việc đóng cửa các cộng đồng đối lập trên nền tảng mạng xã hội VK.com của mình, nền tảng mà ông đã bán.

Durov trở thành công dân Pháp vào tháng 8/2021. Ông đã tới Dubai và chuyển theo cả Telegram vào năm 2017. Ông cũng đã nhận được quốc tịch Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Ông còn là công dân của St. Kitts và Nevis.

Đón đọc kỳ cuối: Vụ bắt giữ gây tranh cãi

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/con-duong-su-nghiep-gay-tranh-cai-cua-sang-lap-vien-telegram-ky-1-20240827131344712.htm