Con đường tất yếu
Diễn đàn 'Phát triển điểm đến xanh - nâng tầm Du lịch Việt Nam' dự kiến diễn ra sáng 11.4 tại Hà Nội. Đây là điểm nhấn quan trọng của Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2025 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức.

Ninh Bình là địa phương tiêu biểu trong phát triển điểm đến du lịch xanh
Diễn đàn có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức quốc tế, chuyên gia, hiệp hội du lịch địa phương, các liên chi hội du lịch và doanh nghiệp du lịch, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.
Từ cam kết đến hành động
Bộ VHTTDL đã nhiều lần khẳng định cam kết của Nhà nước trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh, hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền địa phương hiện thực hóa định hướng này.
Tại Chương trình giới thiệu về Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam năm 2025, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh: “Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu nếu du lịch Việt Nam muốn phát triển hiệu quả, lâu dài và giữ vững sức cạnh tranh”.
Ông Bình cũng nêu rõ thông điệp mạnh mẽ gửi đến cộng đồng du lịch về sự cần thiết của chiến lược phát triển điểm đến xanh.
Ông Patrick Harvemann, Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ: “UNDP sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam để xây dựng các mô hình điểm đến bền vững, nơi môi trường được bảo vệ, văn hóa được tôn trọng và người dân được hưởng lợi”.
Diễn đàn được chia làm 2 phiên: Điểm đến xanh và mục tiêu tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững; Tọa đàm về thực hành phát triển Điểm đến xanh tại Việt Nam.
Trong phiên thảo luận 1, các tham luận sẽ làm sáng rõ nhiều khía cạnh lý luận và thực tiễn trong phát triển du lịch xanh tại Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch trong tham luận “Xu hướng chuyển đổi xanh trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng” sẽ phân tích xu hướng chuyển đổi xanh toàn cầu.
Tham luận nhấn mạnh du lịch là một trong những ngành chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, do đó cần đi đầu trong các giải pháp phát triển bền vững.

Việt Nam hiện nay trong top đầu các nước xả rác thải nhựa nhiều nhất ra môi trường
Với tham luận “Từ Dự án giảm thiểu rác thải nhựa đến Chương trình Phát triển điểm đến xanh của du lịch Việt Nam”, ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ giới thiệu hành trình từ các dự án giảm thiểu rác thải nhựa, đến việc xây dựng Chương trình phát triển điểm đến xanh của du lịch Việt Nam.
Đây là một bộ tiêu chí có khả năng ứng dụng thực tiễn cao, giúp các địa phương và doanh nghiệp chuyển mình theo hướng thân thiện môi trường.
Từ góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Du lịch xanh trình bày tham luận “Thực hành thí điểm chương trình chuyển đổi xanh theo các tiêu chí Du lịch xanh do Hiệp hội Du lịch Việt Nam ban hành”.
Trong tham luận nhấn mạnh những khó khăn và nỗ lực khi thí điểm áp dụng tiêu chí Du lịch xanh vào vận hành sản phẩm, đồng thời kêu gọi sự đồng hành từ phía truyền thông, chính quyền và cộng đồng.
Đại diện Báo Kinh tế Đô thị trình bày tham luận “Vai trò của truyền thông đối với chương trình phát triển điểm đến xanh của du lịch Việt Nam”.
Trong đó nêu bật vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy nhận thức xã hội, lan tỏa giá trị của du lịch xanh đến đông đảo công chúng, từ nhà đầu tư, nhà quản lý đến khách du lịch.

Đoàn công tác của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khảo sát, thẩm định việc thực hiện các tiêu chí xanh tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình)
Bước khởi đầu cho một chương trình hành động dài hơi
Phiên II của Diễn đàn là Tọa đàm mở “Tọa đàm về thực hành phát triển Điểm đến xanh tại Việt Nam” dưới sự điều phối của TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
Tại đây, tiếng nói của đại diện các điểm đến và doanh nghiệp trực tiếp thực hành chuyển đổi xanh đã làm rõ hơn giá trị và tính khả thi của mô hình này.
Đại diện Công ty CP Phát triển Tùng Lâm (Quảng Ninh), Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình) và Công ty CP Tập đoàn Sang trọng (Luxury Travel) chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi từ mô hình kinh doanh thông thường sang mô hình du lịch xanh - nơi chú trọng giảm phát thải, gìn giữ hệ sinh thái và nâng cao ý thức du khách.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Chương trình UNDP/GEF SGP trình bày các mô hình du lịch xanh cộng đồng đang được UNDP hỗ trợ tại nhiều địa phương, những mô hình nhỏ nhưng hiệu quả, giúp cộng đồng dân cư nâng cao sinh kế thông qua gìn giữ văn hóa và cảnh quan tự nhiên.
Một điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn là lễ ra mắt Liên chi hội Du lịch xanh Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức chuyên trách, đóng vai trò kết nối và điều phối các hoạt động phát triển du lịch xanh trên toàn quốc.
Ngay sau đó là lễ ký kết hợp tác giữa TikTok và Hiệp hội Du lịch Việt Nam về phát triển du lịch xanh.
Đây là một bước đi đáng chú ý khi nền tảng mạng xã hội lớn như TikTok cam kết đồng hành quảng bá điểm đến xanh, giúp định hướng xu hướng du lịch văn minh và bền vững cho thế hệ trẻ.
Diễn đàn không chỉ là nơi chia sẻ kinh nghiệm, mà còn là bước khởi đầu cho một chương trình hành động dài hơi.
Muốn nâng tầm du lịch Việt Nam, cần phải phát triển xanh, phát triển có trách nhiệm và trên hết là phát triển cùng với cộng đồng và thiên nhiên.
Cộng đồng doanh nghiệp du lịch kỳ vọng, Diễn đàn “Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm Du lịch Việt Nam” không chỉ là nơi khởi phát ý tưởng, mà còn là bàn đạp thực tiễn để thúc đẩy chuyển đổi xanh trong toàn ngành Du lịch.
Sự hiện diện của các tổ chức quốc tế, chuyên gia uy tín, doanh nghiệp tiên phong và đại diện cộng đồng cho thấy mô hình du lịch xanh đã có chỗ đứng vững chắc trong tư duy phát triển du lịch hiện đại.
Khi ngành Du lịch Việt Nam đang từng bước phục hồi và bứt phá sau đại dịch Covid-19, việc đặt phát triển bền vững làm trọng tâm chiến lược chính là “chìa khóa vàng” để nâng tầm thương hiệu quốc gia, mở ra cơ hội vươn xa trên bản đồ du lịch thế giới.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/con-duong-tat-yeu-126983.html