Con đường thúc xuất khẩu nông sản Việt tăng giá trị gấp 10 lần

Năm 2024 xuất khẩu nông sản lập kỷ lục 62,5 tỷ USD, nhưng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu vẫn làm theo cách cũ sản lượng sẽ có lúc 'chạm trần'. Từ đó, ông gợi mở con đường mới có thể đưa giá trị nông sản gấp 10 lần.

Nông dân đã biết nhìn thị trường để sản xuất

Dù gặp “cú sốc" thiên tai, dịch bệnh và biến động mạnh trên thị trường thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp năm 2024 vẫn đạt khoảng 3,3%, cao hơn mức Chính phủ giao.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023 (tăng 9,3 tỷ USD). Ngành nông nghiệp xuất siêu 17,9 tỷ USD, chiếm khoảng 72% thặng dư thương mại toàn nền kinh tế.

Hàng loạt nông sản như cà phê, gạo, hạt điều, hồ tiêu, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ lập kỷ lục trong xuất khẩu. Người nông dân có những vụ mùa thắng đậm, thậm chí “hái ra tiền tỷ” trên các mảnh vườn, thửa ruộng.

Nhìn lại những con số mà năm 2024 đạt được, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, điều đầu tiên chúng ta phải trân quý người nông dân. Còn doanh nghiệp, hay các bộ ngành là những người tạo ra sự kết nối, liên lạc trong chuỗi sản xuất.

Sau khi đi thực tế tại nhiều địa phương, ông nhận ra rằng “kinh tế nông nghiệp bắt đầu thẩm thấu ở trong xã hội. Bà con nông dân đã biết sản xuất phải đi theo tín hiệu thị trường”.

Trong khi, chính quyền địa phương giờ đây không chỉ đạo sản xuất đơn thuần mà tăng cường kết nối thị trường tiêu thụ thông qua các hội chợ, festival.

Như năm vừa qua, từ Sơn La tới Hưng Yên, Hải Dương, rồi Tây Nguyên hay Đông Nam Bộ... các địa phương đều rất năng động và chủ động kết nối thị trường.

Trước đây, chúng ta cứ nghĩ sản xuất lấy sản lượng nên cố gắng giúp bà con làm ra càng nhiều càng tốt, nhưng rồi nông sản không biết bán đi đâu. Theo ông, việc chủ động kết nối thị trường là quan trọng để giải quyết điểm nghẽn của ngành nông nghiệp.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp chỉ rõ, chúng ta dần hiểu được thị trường rất đa dạng. Ở mỗi thị trường sẽ có tiêu chuẩn, có những hàng rào kỹ thuật khác nhau. Thông tin trong quá trình xúc tiến thương mại mà Bộ NN-PTNT, Bộ Ngoại giao hay Bộ Công Thương thực hiện đã chuyển về kịp thời cho các địa phương, cho người nông dân.

“Tất nhiên cũng còn chỗ này chỗ kia, nhưng rõ ràng tư duy sản xuất theo thị trường đã từng bước được hình thành”, ông nhìn nhận. Nghĩa là bán cái thị trường cần chứ không phải cái mà chúng ta sản xuất ra. Thành tựu đạt được là kim ngạch xuất khẩu đạt 62,5 tỷ USD năm 2024.

Đừng chỉ bán sản phẩm thô, phải khai mở giá trị mới

Đến thời điểm này, có thể khẳng định tăng trưởng của ngành nông nghiệp đã vượt xa mục tiêu của nhiệm kỳ 2021-2025. Đơn cử, xuất khẩu rau quả năm 2030 đặt mục tiêu đạt 6,5 tỷ USD nay đã vượt mốc 7 tỷ USD.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, nông sản Việt vẫn chủ yếu xuất thô. Có nghĩa là, chúng ta vẫn đang ở điểm xuất phát của tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn thừa nhận nông sản Việt chủ yếu vẫn còn xuất thô. Ảnh: Văn Giang

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn thừa nhận nông sản Việt chủ yếu vẫn còn xuất thô. Ảnh: Văn Giang

Vậy nên, dù đã làm rất tốt song sản lượng sẽ tới lúc “chạm trần”; khi đó vẫn làm theo thói quen cũ thì không thể tăng giá trị nữa.

Bộ trưởng cho rằng còn nhiều con đường giúp ngành nông nghiệp gia tăng giá trị cho nông sản, ví như nông nghiệp tuần hoàn.

Trước nay chúng ta vẫn bán thô hạt gạo, nhưng ngoài hạt gạo còn có trấu, thân, lá. Khi sản xuất tuần hoàn, những thứ này sẽ trở thành giá thể trồng nấm, thành viên nén cho năng lượng sinh khối, thành phân hữu cơ... Ở ĐBSCL, bà con bắt đầu làm và thu được thành quả rất khả quan.

Hay như cà phê, lâu nay người dân chỉ quan tâm bán hạt xay ra làm thức uống thơm ngon. Mọi người không biết phần hạt chỉ chiếm khoảng 2% giá trị, còn 98% giá trị của cà phê bị bỏ đi. Hiện, bã cà phê có thể tái sử dụng làm giá thể trồng rau thủy canh, làm phân bón, thậm chí chế biến thành mỹ phẩm. Vỏ cà phê làm ra thứ trà thượng hạng.

Nhiều quốc gia đã áp dụng nguyên lý tuần hoàn vào bã cà phê. Họ lấy bã cà phê trồng nấm, rồi lấy toàn bộ phế phụ phẩm còn lại sau thu hoạch nấm làm thức ăn chăn nuôi.

Những mô hình về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh như vậy buộc chúng ta phải nghĩ khác. Thay vì bỏ đi và phải tốn thêm chi phí xử lý để bảo vệ môi trường, chúng ta có thể áp dụng nguyên lý tuần hoàn để không bỏ đi thứ gì.

“Tôi muốn nhấn mạnh như vậy để thấy được kết quả năm 2024 là rất tốt. Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi chóng mặt, chúng ta vẫn còn dư địa để có thể làm tốt hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ông cũng mong mọi người đừng nhìn vào giá trị của một nông sản cụ thể, bởi đó là tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị - bán thô sản phẩm. Nông sản còn là dược liệu, dược phẩm, nguyên liệu chế biến ra rất nhiều hàng hóa khác.

Vì lẽ đó, vừa qua Bộ NN-PTNT đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, góp phần tăng dần tỷ trọng sản phẩm chế biến - thứ luôn có giá trị gấp cả 10 lần, thậm chí gấp 100 lần giá trị mà chúng ta đang tìm kiếm.

Nông nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Hoàng Hà

Nông nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Hoàng Hà

Nông nghiệp cũng phải vươn mình

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp phân tích, đất đai nông nghiệp vốn dĩ chỉ có vậy, nếu không muốn nói là ngày càng nhỏ lại vì xu hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa,... Sản xuất có tăng trưởng nhưng sẽ có lúc chạm ngưỡng giới hạn. Do đó, hợp tác là xu thế bắt buộc, cũng là dịp để soi chiếu lại xem còn khoảng trống nào bị đứt đoạn hay bỏ quên.

Năm 2025, ngành nông nghiệp vì thế phải định hướng những nhiệm vụ mới, làm sao để tăng tốc, đột phá hơn nữa trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhận định nông nghiệp trong thời đại mới cần vượt khỏi địa giới hành chính, Bộ trưởng gợi mở về việc hợp tác trồng trọt với nhiều quốc gia, gần thì có Lào, Campuchia; xa hơn là các nước châu Phi. Thời gian qua, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến Việt Nam đặt vấn đề hợp tác trong nông nghiệp.

Ông gợi ý, chúng ta hợp tác trồng trọt rồi bán luôn sản phẩm tại những thị trường đó sẽ có lợi hơn nhiều thay vì sản xuất ở Việt Nam rồi vận chuyển sang, gánh chi phí logistics tốn kém.

Tương tự, bà con ngư dân có thể thành lập những đội tàu viễn dương, vượt ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế để tới những quốc đảo ở Thái Bình Dương - nơi có nguồn hải sản vô cùng trù phú.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, lãnh đạo một số quốc gia có vùng biển chồng lấn với Việt Nam cũng đề nghị phương án thành lập các đội tàu khai thác xa bờ. Nhà nước sẽ cùng đầu tư hiện đại hóa những con tàu, đồng thời hướng dẫn cho người dân hiểu luật pháp, biết kỹ năng bảo quản thủy sản khai thác.

Muốn vậy, chúng ta phải hình thành những tập đoàn đa ngành, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước. Như thế, chắc chắn doanh nghiệp sẽ đỡ "rón rén" vì được hưởng cơ chế, chính sách.

Theo Bộ trưởng, chúng ta giờ phải nghĩ lớn hơn, cùng thông điệp rõ ràng rằng các bộ ngành, địa phương sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp để vươn xa tìm kiếm thị trường, khai mở dư địa mới. "Nông nghiệp thời kỳ hội nhập không chỉ sản xuất để đủ ăn mà phải để làm giàu, tạo ra những giá trị khác", ông lưu ý.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-duong-thuc-xuat-khau-nong-san-viet-tang-gia-tri-gap-10-lan-2366453.html