Con đường tới 'giấc mơ Mỹ' của thân mẫu Tổng thống Donald Trump

Từ một người nhập cư nghèo gốc Scotland, bà Mary Anne MacLeod Trump đã nhanh chóng trở thành nhân vật vai vế ở New York City trước khi sinh hạ ra vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.

Bà Mary Anne MacLeod Trump và chồng dự lễ cưới của con trai Donald Trump tại Marla Maples vào 20/12/1993. Ảnh: Getty Images

Bà Mary Anne MacLeod Trump và chồng dự lễ cưới của con trai Donald Trump tại Marla Maples vào 20/12/1993. Ảnh: Getty Images

Vốn là một người nhập cư nghèo từ Scotland, bà Mary Anne MacLeod Trump có lẽ không bao giờ có thể hình dung được con trai bà một ngày lại trở thành Tổng thống Mỹ. Nhưng bà đã có đủ may mắn để đạt được “giấc mơ Mỹ”, và mở ra cho con trai những cơ hội bà chưa bao giờ có được khi còn bé.

Sinh ra và lớn lên trên một hòn đảo xa xôi của Scotland, Mary Anne MacLeod Trump đã từng sống một cuộc sống mà con trai bà không bao giờ phải nếm trải. Tới Mỹ vào năm 1930, khi mới 18 tuổi, bà không có tiền và cũng không trình độ. Nhưng với sự giúp đỡ của người chị tới Mỹ từ trước, MacLeod đã có một khởi đầu mới.

Mary Anne MacLeod sinh ngày 10/5/1912, chỉ vài tuần sau thảm kịch đắm tàu Titanic khi con tàu đang trên đường tới thành phố New York City. Hoàn toàn xa lạ với những tòa nhà chọc trời cốt thép giăng kín đường chân trời New York, MacLeod lớn lên trong gia đình có cha là ngư dân, mẹ làm nội trợ trên hòn đảo Lewis của Scotland. Ngôi làng chài có tên là Tong ở giáo xứ Stornoway, Scotland được các nhà sử học địa phương sau này mô tả là nơi “bẩn thỉu không thể tả”, với những “con người sống khốn khổ”.

Làng chài Tong trên đảo Lewis, quê ngoại của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty Images

Làng chài Tong trên đảo Lewis, quê ngoại của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty Images

Tiếng mẹ đẻ của MacLeod là tiếng Gaelic, nhưng cô bé đã học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở trường. Lớn lên trong một ngôi nhà màu xám khiêm tốn khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất tàn phá nền kinh tế địa phương, MacLeod bắt đầu mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm 1930, khi không còn mấy tia hy vọng về tương lai, cô gái 18 tuổi quyết xuống tàu nhằm hướng New York City để đổi vận đời. Đến nơi, chỉ với 50 USD trong túi, cô khai với nhà chức trách là sang Mỹ để làm “giúp việc nhà”.

MacLeod tìm được công việc bảo mẫu cho một gia đình giàu có ở New York, nhưng cô bị mất việc làm giữa cuộc Đại suy thoái. Cô đành trở lại Scotland một thời gian ngắn vào năm 1934, rồi sớm quay sang Mỹ.

Bà Mary Anne MacLeod Trump rời Scotland đến New York City vào năm 18 tuổi. Ảnh: Getty Images

Bà Mary Anne MacLeod Trump rời Scotland đến New York City vào năm 18 tuổi. Ảnh: Getty Images

Đâu đó vào đầu những năm 1930, cô gái MacLeod gặp gỡ doanh nhân đang lên Frederick “Fred” Trump, và mọi thứ đã thay đổi.

Là một doanh nhân, từng khởi nghiệp kinh doanh xây dựng khi còn đang ở trường trung học, ông Fred Trump đã bán hàng loạt ngôi nhà nhỏ ở Queens với giá 3.990 USD mỗi căn. Fred Trump quyến rũ MacLeod tại một buổi khiêu vũ, và hai người nhanh chóng thành đôi.

Trump và MacLeod kết hôn vào tháng 1/1936 tại Nhà thờ Đại lộ Madison ở Manhattan. Tiệc cưới 25 khách được tổ chức tại khách sạn Carlyle gần đó. Cặp đôi mới cưới đi hưởng tuần trăng mật ở thành phố Atlantic, New Jersey, sau đó an cư ở điền trang Jamaica Estates, tại Queens.

Donald Trump thời trẻ tại Học viện Quân sự New York năm 1964. Ảnh: Wikimedia Commons

Donald Trump thời trẻ tại Học viện Quân sự New York năm 1964. Ảnh: Wikimedia Commons

Con gái của họ, Maryanne Trump sinh ngày 5/4/1937, và con trai Fred Jr. ra đời năm sau. Đến năm 1940, MacLeod Trump đã trở thành một bà nội trợ khá giả với một cô giúp việc người Scotland. Trong khi đó, chồng cô kiếm được 5.000 USD mỗi năm - tương đương 86.000 USD vào năm 2016.

Năm 1942, bà MacLeod sinh con thứ ba và 4 năm sau thì cậu bé Donald Trump ra đời. Sau đó gia đình đón đứa con thứ năm, Robert vào năm 1948, ca sinh nở đã suýt cướp đi mạng sống của người mẹ.

Bà MacLeod Trump đã trải qua những biến chứng sau sinh phức tạp, đến mức phải cắt bỏ tử cung và một loạt cuộc phẫu thuật khác. Lúc này Donald Trump mới chỉ chập chững biết đi, nhưng cựu chủ tịch Hiệp hội Phân tâm học Mỹ Mark Smaller tin rằng việc trải nghiệm cận kề cái chết của mẹ có thể ảnh hưởng đến ông.

Bà Mary Anne MacLeod Trump và người con trai nổi tiếng của mình tại Tháp Trump, Manhattan năm 1991. Ảnh: Getty Images

Bà Mary Anne MacLeod Trump và người con trai nổi tiếng của mình tại Tháp Trump, Manhattan năm 1991. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, MacLeod Trump vẫn sống sót, và gia đình bà bắt đầu thịnh vượng hơn bao giờ hết. Ông Fred Trump giàu lên nhanh chóng nhờ sự bùng nổ bất động sản thời hậu Thế chiến. Sự giàu có được thể hiện rõ ràng trong những chuyến du lịch của MacLeod. Từ một người nhập cư Scotland từng lên tàu hơi nước, không có gì trong tay ngoài ước mơ, giờ bà đi du thuyền và bay tới mọi nơi như Bahamas, Puerto Rico, Cuba. Và là vợ của một nhà đầu tư bất động sản giàu có, MacLeod còn trở thành tâm điểm của giới thượng lưu ở New York City.

Mary Anne MacLeod Trump thích đồ trang sức và áo khoác lông thú nhưng bà cũng thường xuyên tham gia hoạt động nhân đạo. Ảnh: Getty Images

Mary Anne MacLeod Trump thích đồ trang sức và áo khoác lông thú nhưng bà cũng thường xuyên tham gia hoạt động nhân đạo. Ảnh: Getty Images

Mẹ của Donald Trump đã chứng minh rằng “giấc mơ Mỹ” là có thật. Và với quyết tâm chia sẻ tài sản của mình, bà đã dành nhiều thời gian cho các hoạt động từ thiện như hỗ trợ người bại não và bị khuyết tật trí tuệ.

Mẹ của Donald Trump được cho là đã phát minh ra kiểu tóc “điêu khắc” đáng kinh ngạc cho gia đình bà. Bà là người đầu tiên hất tóc thành một vòng xoáy, và người con trai, chủ chương trình Celebrity Apprentice của bà sau đó đã học theo.

“Nhìn lại, bây giờ tôi nhận ra rằng tôi đã hiểu tài nghệ trình diễn của mình là từ mẹ tôi”, ông Donald Trump tiết lộ trong cuốn “The Art of the Deal” xuất bản năm 1987.

Năm anh chị em của Tổng thống Trump: Robert, Elizabeth, Fred, Donald và Maryanne.

Năm anh chị em của Tổng thống Trump: Robert, Elizabeth, Fred, Donald và Maryanne.

Mặc dù Donald Trump hiếm khi nói về mẹ của mình, nhưng ông luôn đánh giá cao bà bất cứ khi nào nhắc tới. Ông thậm chí còn đặt tên một căn phòng tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của mình theo tên bà. Và theo Tổng thống, những vấn đề của ông với phụ nữ chủ yếu thường bắt nguồn từ việc "phải so sánh họ" với mẹ mình.

“Một phần của vấn đề mà tôi gặp phải với phụ nữ là phải so sánh họ với người mẹ tuyệt vời của tôi, Mary Trump”, ông Trump viết trong cuốn sách "The Art of the Comeback" năm 1997.

Là một phụ nữ giàu có, tô điểm bằng trang sức và áo khoác lông thú, nhưng bà MacLeod không bao giờ ngừng hoạt động nhân đạo. Bà là trụ cột của các tổ chức Women’s Auxiliary of Jamaica Hospital và Jamaica Day Nursery cũng như hỗ trợ vô số tổ chức từ thiện khác.

Tổng thống Trump và khung ảnh mẹ tại Phòng Bầu dục. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Trump và khung ảnh mẹ tại Phòng Bầu dục. Ảnh: Getty Images

Mặc dù MacLeod đã qua đời trước khi chứng kiến con trai mình đắc cử tổng thống, nhưng bà vẫn có thể chứng kiến sự nổi tiếng của ông trong những năm 1990. Vào đầu thập kỷ đó, ông Trump đã ly hôn người vợ đầu tiên Ivana sau khi công khai mối quan hệ với người mẫu Marla Maples – sau đó trở thành vợ thứ hai của ông. Mẹ của Donald Trump được cho là đã hỏi cô con dâu sắp cưới rằng: "Tôi đã sinh ra kiểu con trai như thế nào?"

MacLeod đã trải qua những năm cuối đời khá chật vật do chứng loãng xương. Bà qua đời ở New York vào năm 2000, khi 88 tuổi, chỉ một năm sau cái chết của ông Fred Trump.

Bà MacLeod được chôn cất trong Công viên New Hyde Park ở New York, bên cạnh chồng, bố mẹ chồng và con trai Fred Jr., người đã qua đời vì biến chứng nghiện rượu vào năm 1981.

Mộ phần của bà Mary Anne MacLeod Trump. Ảnh: Getty Images

Mộ phần của bà Mary Anne MacLeod Trump. Ảnh: Getty Images

Sau khi trở nên nổi tiếng, mẹ của ông Donald Trump cũng chưa bao giờ quên bà xuất thân từ đâu. Bà không chỉ đến về thăm quê hương thường xuyên mà còn sử dụng tiếng mẹ đẻ Gaelic mỗi khi trở về. Trong khi đó, quan hệ giữa ông Donald Trump và quê ngoại Scotland thì không được tốt đẹp những năm gần đây.

Khi xây dựng sân golf tại Scotland vào cuối những năm 2000 và đầu 2010, ông đã có tranh cãi với giới chính trị gia và người dân địa phương. Trong cuộc đua tranh cử năm 2016, quan điểm phản đối nhập cư và sắc tộc của ông càng khiến mọi chuyện tệ hơn.

Khi ông đề nghị cấm công dân từ các quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, các nhà lãnh đạo chính phủ Scotland đã rất kinh ngạc. Đáp lại, ông Bộ trưởng Nicola Sturgeon đã loại bỏ tư cách "Người Scotland toàn cầu" của Tổng thống Trump - một vị trí đại sứ hành động vì Scotland trên toàn cầu. Ông Trump cũng bị tước bằng danh dự của Đại học Robert Gordon ở Aberdeen, vì những tuyên bố của ông bị cho là "hoàn toàn không phù hợp" với các tiêu chí và giá trị của trường.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Allthatinteresting)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/con-duong-toi-giac-mo-my-cua-than-mau-tong-thong-donald-trump-20201028162820689.htm