Con đường từ cuộc gặp lịch sử Mỹ-Triều tới việc đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều

Hôm qua, Triều Tiên đã đánh sập tòa nhà được xây dựng vào năm 2018 ở thành phố biên giới, nơi được coi là văn phòng liên lạc liên Triều nhằm cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.

Hình ảnh vệ tinh của vụ đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều hôm 16/06. Ảnh: AP

Các hành động của Triều Tiên gần đây đã khiến căng thẳng Mỹ-Triều gia tăng, sau cuộc gặp lịch sử năm 2018. Dưới đây là dòng thời gian các sự kiện nổi bật về mối quan hệ này.

12/06/2018: Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ Triều lần đầu tiên diễn ra tại Singapore. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống đương nhiệm của Mỹ gặp gỡ Chủ tịch Triều Tiên. Tuy nhiên, tuyên bố chung của hai bên không có nhiều chi tiết, chỉ bao gồm các cam kết chung.

Kể từ sau cuộc gặp đó, Triều Tiên không bày tỏ thiện chí về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia cho biết họ tin rằng nước này vẫn tiếp tục phát triển công nghệ này. Phía Washington tại thời điểm đó cũng tiếp tục áp dụng các lệnh trừng phạt.

28/02/2019: Cuộc gặp thứ 2 giữa ông Trump và ông Kim tại Việt Nam đã sụp đổ khi cả hai không thể đi tới thống nhất chung về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt, khiến cho quan hệ song phương rơi vào mây mù.

Ông Trump và ông Kim sau đó đã gặp nhau lần 3 tại biên giới hai nước liên Triều, đồng thời thống nhất tái khởi động các vòng đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ông Trump cũng là Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đặt chân lên Triều Tiên.

Các vòng đàm phán hạt nhân tại Thụy Điển đã nhanh chóng đổ vỡ vào tháng 10.

03/12/2019: Căng thẳng song phương được đẩy cao khi Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ tặng Washington "một món quà Giáng sinh". Ông Kim cũng đã cho Mỹ thời hạn tới năm 2020 để đưa ra những nhượng bộ mới trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Thời hạn trôi qua mà không có kết quả nào.

Ông Kim cũng nói rằng thế giới sẽ sớm thấy một "vũ khí chiến lược mới".

03/2020: Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hàng loạt các tên lửa tầm ngắn. Đây cũng là loạt thử nghiệm tên lửa đầu tiên trong năm của Triều Tiên. Cả Mỹ và Trung Quốc đều kêu gọi Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy việc này được triển khai.

Ông Kim vẫn chưa thử nghiệm các tên lửa đường dài và các vụ thử hạt nhân trong suốt thời gian này.

04/2020: Ông Kim biến mất khỏi tầm mắt công chúng trong nhiều tuần, khiến nhiều người lo lắng và tin đồn về sức khỏe của ông bắt đầu lan truyền. Điều này khiến Washington và nhiều nước khác lo ngại về tình trạng bất ổn trong tương lai của bán đảo Triều Tiên. Vụ việc chỉ tạm lắng xuống hồi tháng 5 khi truyền thông nước này đăng tải những thông tin về việc ông Kim tham gia khánh thành một nhà máy phân bón.

28/05/2020: Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ngân hàng Triều Tiên lách lệnh trừng phạt của nước này, đồng thời buộc tội 28 công dân Triều Tiên và 5 người Trung Quốc.

16/06/2020: Triều Tiên đánh sập văn phòng liên lạc liên Triều tại Kaesong sau khi đe dọa sẽ hành động nếu những người đào ngũ tiếp tục chiến dịch gửi các tờ rơi tuyên truyền sang biên giới.

Hành động này đã khiến những nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Moon-Jae-in trong việc thúc đẩy hợp tác với Triều Tiên sụp đổ. Kế hoạch thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng xem như phá sản tại giai đoạn này.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/con-duong-tu-cuoc-gap-lich-su-my-trieu-toi-viec-danh-sap-van-phong-lien-lac-lien-trieu-post82891.html