Con đường vươn lên thoát nghèo không còn lẻ loi

Quảng Ninh vừa tổng kết Chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương' tại Bình Liêu, một huyện biên giới khó khăn, nơi tập trung cư trú của đồng bào nhiều dân tộc thiểu số. Khác với các tỉnh khác khi thực hiện chương trình này cần có những địa phương kết nghĩa nhỉnh hơn về điều kiện kinh tế để 'dìu đỡ', Quảng Ninh sử dụng cách tự lực, tự chủ, đứng lên trên chính quê hương mình để đưa chương trình đến thành công.

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thứ 3 từ trái sang) và Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tặng quà gia đình phụ nữ nghèo ở xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTH

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (thứ 3 từ trái sang) và Thượng tá Nguyễn Xuân Bách, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tặng quà gia đình phụ nữ nghèo ở xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: TTH

Tổng kết 3 năm Quảng Ninh triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa đúc kết 3 bài học kinh nghiệm quý. Thứ nhất, Quảng Ninh đã lựa chọn đúng địa bàn để hỗ trợ, đó là 2 xã đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu là Lục Hồn và Vô Ngại. Thứ 2, Quảng Ninh thực hiện phương thức tự chủ đầy sáng tạo và hiệu quả. Cuối cùng, nguyên nhân để chương trình đi đến thành công là nhờ vai trò đóng góp thực sự hiệu quả, đầy trách nhiệm của lực lượng BĐBP và phụ nữ cơ sở, sự tạo điều kiện của địa phương, sự chung tay của nhiều cấp, ngành đã mang đến kết quả đầy khích lệ. Từng bước một, chương trình đạt được chuyển biến rõ nét làm động lực để triển khai tiếp tục trong những năm tiếp theo.

Chị Trần Thị Thu, trú tại thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh vốn là một phụ nữ nhút nhát, yên phận với cái nghèo thâm căn cố hữu ở vùng quê giáp biên heo hút này. Cách đây 3 năm, gia đình chị được hỗ trợ 120 con gà giống để nuôi gà thương phẩm. Từ đó, chị thường xuyên được tiếp xúc với các cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, cán bộ hội phụ nữ các cấp đến thăm, động viên, truyền đạt thêm kỹ thuật nuôi gà. Cuộc sống thêm nhiều việc để làm, chị có cơ hội học hỏi, tiếp xúc với tư duy tiến bộ, tổ chức cuộc sống, giữ sạch nhà cửa. Từ một phụ nữ ít nói, giờ chị cười nhiều hơn, tự tin đứng trước đông người để chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, khuyến khích các chị em khác theo mình để cùng vươn lên thoát nghèo.

Chị Thu chia sẻ: “Tôi thực sự cảm nhận được sự ấm áp, tình nghĩa qua Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Có các anh, chị cán bộ giúp đỡ, hỗ trợ, con đường thoát nghèo của chị em chúng tôi không còn lẻ loi, đơn độc nữa”.

Cần nói thêm rằng, 2 xã Lục Hồn và Vô Ngại của huyện Bình Liêu là 2 xã biên giới đặc biệt khó khăn nhất của tuyến biên giới trên đất liền của tỉnh Quảng Ninh. Nơi này mênh mông đồi núi, địa hình phức tạp chia cắt bởi sông suối, dân số quần tụ rất ít mà cư trú tự phát lâu đời, có nơi hoang vu, xa xôi, đường sá đi lại hiểm trở. Đồng bào sinh sống chủ yếu là người dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ còn tồn tại rất nhiều nếp sinh hoạt lạc hậu.

Chỉ vài năm trước đây thôi, có đến 100% gia đình người Dao không có nhà tắm, nhà vệ sinh. Các gia đình để cả thùng nước giải trong nhà, quanh nhà thì làm hố phân ngoài trời không có nắp. Người trong gia đình đi cầu tiêu chung với gia súc, rồi lấy phân, nước giải làm phân trồng trọt. Thực trạng này ai cũng muốn xóa bỏ mà không có đoàn thể địa phương nào có thể đi đến cùng để quyết tâm loại trừ, cũng không có nguồn lực đủ mạnh để giúp bà con. Các gia đình làm kinh tế được chăng hay chớ, tỉ lệ hộ nghèo ở 2 xã rất cao, trong đó, Lục Hồn là 24% và Vô Ngại là 30%. Có thể nói, thách thức mà Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đối mặt không hề nhỏ.

Đại úy Đào Phương Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Ninh, người trong suốt 3 năm qua luôn bám sát địa bàn, cùng đồng đội thực hiện hàng trăm chuyến đi đến biên giới. Chị tâm sự, càng đi mới càng hiểu biên cương Tổ quốc còn muôn vàn khó khăn. Đại úy Đào Phương Huyền cho hay: “Cả năm trời chúng tôi luôn dành dụm quần áo, đồ dùng sinh hoạt, vật dụng để thỉnh thoảng tổ chức đi đến biên giới tặng các chị em có hoàn cảnh khó khăn hơn. Cây giống, vật nuôi phải tìm chỗ uy tín nhất, nâng niu sự sống để gửi về biên giới. Kinh nghiệm phụ nữ tổ chức cuộc sống gia đình, giữ gìn hạnh phúc, nuôi con khỏe, cái gì có thể chúng tôi đều chia sẻ với nhau. Công sức bỏ ra giờ có được thành quả, người hỗ trợ và người được hỗ trợ đều vui mừng”.

Khi chúng tôi bước vào nhà một phụ nữ được nhận hỗ trợ của chương trình, ngoài căn nhà khang trang được hỗ trợ xây dựng trị giá 80 triệu đồng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đóng góp ngày công lao động làm sân láng xi măng sạch sẽ, công trình phụ gọn gàng, nhà bếp ngăn nắp. Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Ninh còn sắm cả nồi niêu, bát đũa, chén uống nước biếu chủ nhà. Sự chăm lo tỉ mỉ, chu đáo mà chỉ có thật thấu hiểu, cảm thông, mới có thể làm được.

Rõ ràng, khi một chương trình hỗ trợ nhằm vào địa bàn biên giới mà đối tượng trực tiếp nhận sự giúp đỡ là phụ nữ thì sự chuyển biến và hiệu quả có được sẽ nhanh hơn, trực tiếp và “trúng”, đúng chỗ, đúng mục tiêu. Ông Dương Mạnh Cường, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu khẳng định, trước mắt, chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của huyện còn nhiều khó khăn. Nhưng chỉ cần phụ nữ hiểu và thực hiện được mô hình kinh tế tự chủ cho gia đình và thực hiện “5 không, 3 sạch” thì con đường tiến lên xây dựng một huyện biên giới sạch, đẹp, thơ mộng để trở thành huyện du lịch của tỉnh Quảng Ninh không còn xa nữa. Hơn hết, chúng ta vẫn thừa nhận rằng, phụ nữ ở thời đại nào cũng vậy, là người chèo lái con thuyền hạnh phúc cho tổ ấm của mình, còn là nhân tố thay đổi diện mạo quê hương.

So với những năm trước đây, nếp sống sinh hoạt trong nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở Bình Liêu đã chuyển biến tích cực, nếp sống mất vệ sinh đã dần được thay thế bằng nếp sống văn minh, sạch sẽ hơn, ý thức người dân được nâng cao hơn trong tham gia, gìn giữ vệ sinh môi trường sống ở thôn, bản. Nhiều gia đình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở kiên cố, an toàn, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Các hộ dân được nhận nguồn hỗ trợ để làm mô hình kinh tế, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.

Trong 3 năm qua, Quảng Ninh huy động trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” được 1,7 tỷ đồng, tổ chức tuyên truyền trực tiếp nâng cao nhận thức mọi mặt đến 1.068 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân; xây mới 17 ngôi nhà cho 17 gia đình, có công trình phụ kèm theo và sửa chữa 3 ngôi nhà với số tiền 610 triệu đồng. Chương trình vận động được 91 hộ dân đăng ký thực hiện với nguồn hỗ trợ chủ yếu từ Chương trình 135 với số tiền 254 triệu đồng; triển khai 2 mô hình phù hợp cho 52 hộ dân tham gia với tổng số tiền 447,2 triệu đồng. Năm 2019, 2 xã Lục Hồn và Vô Ngại đều ra khỏi diện Chương trình 135, hiện đang thực hiện các chỉ tiêu về đích nông thôn mới. Tại xã Vô Ngại, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30% xuống còn 6,61%; tổng số hộ có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh tăng 70%.

Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/con-duong-vuon-len-thoat-ngheo-khong-con-le-loi-post435002.html