Con gái mất vì ung thư, mẹ mở bếp 0 đồng giúp người mắc bệnh hiểm nghèo
Từ lúc con gái mất vì căn bệnh quái ác, chị Nguyệt Linh đã mở bếp 0 đồng nhằm chia sẻ phần nào những khó khăn với các bệnh nhân ung thư khác.
Bếp 0 đồng nằm ở số 17/1, đường 10, phường Trường Thọ (TP Thủ Đức, TP.HCM), do chị Nguyệt Linh (SN 1982, quê Tiền Giang) thành lập vào năm 2018. Bếp 0 đồng ra đời như một món quà động viên mà chị Linh và người con đã mất dành cho những bệnh nhân mắc ung thư.
Mở bếp 0 đồng để thực hiện ý nguyện của con gái
Hơn 6 năm qua, kể từ khi con gái qua đời, chị Linh vẫn miệt mài với công tác thiện nguyện. Chị Linh tâm sự, bếp 0 đồng ra đời cũng là ý nguyện lúc còn sống của con gái. Chị Linh muốn thay con gửi lời cảm ơn đến đội ngũ y bác sĩ đã tận tình cứu chữa trong những tháng ngày trước đây.
“Sau khi ăn cơm từ thiện trong bệnh viện, con gái nói với mẹ rằng nếu sau này khỏi bệnh sẽ cùng tôi nấu những phần cơm ngon tặng các bệnh nhân ung thư giống mình”, chị Linh kể.
Con gái chị Linh phát bệnh nặng khi chỉ mới 4 tuổi. Suốt 5 năm điều trị, chị Linh cố gắng chạy chữa khắp nơi để kéo dài sự sống cho con. Nén mọi buồn tủi, chị cố gắng làm chỗ dựa tinh thần, đồng thời bỏ hết việc làm dưới quê ở lên TP.HCM thuê nhà ở gần bệnh viện để tiện chăm con.
Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chị Linh đều thất bại khi con gái không thể vượt qua. Đến năm 2018, con gái chị qua đời. Trái tim người mẹ như vụn vỡ, khoảnh khắc nhận tin con mất, chị Linh đau xót tận tâm can.
“Sau khi lo hậu sự cho bé, vợ chồng tôi quyết định trở lại Sài Gòn để thực hiện ý nguyện của con gái lúc đang sống. Ban đầu tôi thuê một căn nhà nấu cơm tự thiện, nhưng vì căn nhà đó chật chội nên chuyển về đây để thuận tiện cho việc nấu nướng. Tôi gọi công việc mình đang làm là bếp 0 đồng”, chị Linh nói.
Cơm tự thiện của bếp 0 đồng do chị Linh lựa chọn nguyên liệu và nấu. Mỗi tuần bếp 0 đồng sẽ “đỏ lửa” 3 ngày, mỗi ngày nấu khoảng 500 suất. Các suất ăn này được trao tận tay người nhà và những em nhỏ đang chịu đau đớn vì căn bệnh hiểm nghèo.
Chị Linh nói, mỗi lần nấu cơm, chị lại nhớ đến con gái. “Giá như con còn ở đây để nấu cơm từ thiện với tôi”, chị Linh xúc động.
Tuy giá trị vật chất của những suất ăn không lớn nhưng với chị Linh, mỗi lần nhìn thấy ánh mắt lấp lánh của những bệnh nhi đang giành giật sự sống từ căn bệnh quái ác là trong lòng lại dâng lên cảm xúc khó tả. Với chị, nhìn thấy các bé như được gặp lại con gái mình.
Từ bỏ công việc để mở bếp 0 đồng
Chị Linh từng mở nhà trẻ ở Tiền Giang. Hiện tại, chị Linh đã nghỉ việc để tập trung cho bếp 0 đồng. Thấy con gái bỏ việc để làm thiện nguyện, mẹ chị Linh ban đầu không ủng hộ.
“Vì sợ vợ chồng tôi không quên được nỗi đau mất con nên mẹ phản đối, hơn nữa công việc dưới quê của tôi cũng tương đối ổn định. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ mẹ, vì mẹ là người hiểu tôi nhất”, chị Linh nói.
Hơn 6 năm mở bếp 0 đồng, chị Linh không nhớ mình mình đã gặp bao nhiêu trường hợp đau thương. Chị nghẹn ngào: “Khi phát cơm tự thiện, tôi vô tình chứng kiến những câu chuyện đầy ám ảnh về các cháu nhỏ. Các con đều mắc bệnh giống con gái tôi. Mới nhìn thấy hôm nay mà mấy ngày sau quay lại thì không nhìn thấy các con nữa, có cháu bệnh thuyên giảm nên được về, nhưng cũng có cháu đã ra đi mãi mãi”.
Vì hiểu được thời gian của các cháu nhỏ không còn nhiều nên chị Linh quyết gắn bó với công tác thiện nguyện. Mỗi bữa cơm trao đi, chị Linh chỉ mong nhận về được 1 nụ cười hạnh phúc.
Dù mỗi ngày nấu trên 500 suất ăn nhưng ít ai biết trước đây chị Linh không phải là người giỏi bếp núc, tất cả những món ăn đều do chị học từ trên mạng. Chị Linh kể, ngày ấy khi lo hậu sự cho con gái xong chị thường xuyên học cách nấu ăn, đặc biệt là những món ăn chay.
Bà Tư - người đã gắn bó với bếp 0 đồng cho biết, chị Linh nấu đồ chay ngon không hề thua kém đầu bếp ở hàng quán chuyên nghiệp.
“Cô Linh từng trải qua nỗi đau mất con, nên mỗi phần cơm cô ấy nấu như chứa đựng cả tình yêu thương của người mẹ dành cho con của mình. Cơm cô ấy nấu ai nấy đều khen ngon”, bà Tư nói.
Bà Tư cũng cho biết, dù mỗi lần nấu hơn 500 suất ăn nhưng bếp 0 đồng vỏn vẹn chỉ có 3 đến 4 người làm. Trong đó, chị Linh giữ vai trò đầu bếp, bà Tư, dì Ba là người phụ bếp. Vì neo người nấu nướng nên mọi công đoạn nấu ăn phải thực hiện từ 8h cho đến 14h mới xong.
“Chúng tôi là hàng xóm, biết được câu chuyện của cô Linh nên đến phụ một tay. Chúng tôi đều già rồi, cũng mong muốn góp một phần sức để giúp đỡ những mảnh đời cơ cực, nhất là các cháu bé đang chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác”, bà Tư chia sẻ.