Còn gì sau cơn sóng trào lưu?

'5 phút không lên mạng như người tối cổ' - câu nói tưởng đùa nhưng phản ánh phần nào thực tế cuộc sống của một bộ phận bạn trẻ khi tham gia vào mạng xã hội. 'Bắt trend', 'đu trend' trở thành từ khóa chủ đạo với nhiều người, và trong thế giới cách nhau một màn hình đó, tốt - xấu vẫn còn lẫn lộn như thách thức bản lĩnh người dùng. Người trẻ còn lại gì, học được gì sau những trào lưu thức thời đó?

“Trend” hay chuẩn?

Trend là một xu hướng, một câu chuyện hay từ khóa nào đó đang thịnh hành, được đông đảo người dùng mạng xã hội quan tâm, chú ý trong một khoảng thời gian nhất định…

Và “hot trend” thường được giới trẻ nhắc đến khi xuất hiện một xu hướng mới, được nhiều người quan tâm và làm theo y hệt. Trend thì không chuẩn và muốn chuẩn thì đừng bắt trend, bởi những trào lưu xuất hiện như sóng sau xô sóng trước, trào lưu này chưa qua, xu hướng kia đã tới…

“SOS” - viết tắt của nhiều cụm từ tiếng Anh khác nhau, thường được dùng với nghĩa tìm sự trợ giúp trong những tình huống khẩn cấp. Nhưng khi cụm từ này được một tài khoản tên T. trên nền tảng chia sẻ video với hơn 350.000 lượt theo dõi, nhắc đến với cách đọc trại là “ét o ét”, ngay lập tức trở thành trend.

Bất kể tình huống gì, từ lịch thi dồn dập, cuối tháng hết tiền, trễ hẹn, đến giá xăng tăng hay bạn mời đám cưới liên tục…, người trẻ cũng liên tục đăng đàn với dòng trạng thái “ét o ét” khắp cõi mạng xã hội.

Người trẻ cần tìm cho mình những không gian thoải mái và tập trung vào những kiến thức có ích. Ảnh: NAM THI HOUSE

Người trẻ cần tìm cho mình những không gian thoải mái và tập trung vào những kiến thức có ích. Ảnh: NAM THI HOUSE

“Mới nghe qua, tôi không hiểu ét o ét là gì, nghĩ là tiếng lóng gì đó, nhưng tìm hiểu kỹ thì đúng là bắt trend khó hiểu quá. Lướt mạng ở đâu cũng thấy ét o ét, cứ tưởng là báo động đỏ hay tình huống khẩn cấp gì cần hỗ trợ, ai dè bắt trend cho vui. Tụi nhỏ mà không tìm hiểu kỹ, không khéo sau này lại không biết khi nào áp dụng tình huống SOS, lệch chuẩn hết”, chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (31 tuổi, ngụ đường Tạ Quang Bửu, phường 5, quận 8, TPHCM) chia sẻ.

Cũng bất ngờ khi khắp nơi “ét o ét”, Huỳnh Tấn Thanh Minh (ngụ đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM) kể: “Bắt trend thì cũng nên lựa chứ, thấy ét o ét làm tôi tưởng cần giúp đỡ khẩn cấp gì đó, cũng hết hồn. Lỡ mai mốt mà cần giúp thiệt, lúc đó ét o ét người ta lại tưởng mình giỡn chơi thì mệt à”.

Bộ lọc là chính mình

Công thức để đẩy nhanh tốc độ lan truyền thông tin trên mạng xã hội là phải biết “bắt trend”. Nếu không dựa vào những xu hướng, trào lưu đang được quan tâm thì nội dung, hình ảnh hay video dù có hay cũng khó thu hút lượt thích, lượt chia sẻ.

Và khi người dùng mạng xã hội bắt đầu tin vào uy tín dựa trên việc đông lượt thích, lắm người theo dõi… thì chuyện thông tin sai lệch, hay tệ hơn nữa là lệch lạc những chuẩn mực xã hội ngày càng phổ biến, bởi mỗi nội dung hình ảnh mà các tài khoản này tạo ra luôn được đông đảo người dùng mạng xã hội quan tâm và nghiễm nhiên trở thành chuẩn, dù thực tế chẳng ai hiểu cái chuẩn đó đến từ đâu.

“Nó như công thức rồi, muốn lan tỏa nhanh thì phải theo trend thôi, còn không thì đứng ngoài cuộc. Viết lách thì ai cũng có thể, ăn thua là nội dung của bạn có đáp ứng kịp trend đang hot ngoài kia, có từ khóa đang thịnh hành không… Còn muốn đọc tin tức một cách chuẩn mực thì bạn phải dùng bản lĩnh để thẩm định thông tin, trend trên mạng xã hội, ai tạo ra thì theo chuẩn người đó thôi”, Thúy Minh (29 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết.

Rất khó để trào lưu kéo dài, nhưng cũng có không ít trend đã tạo được những tác động xã hội đáng kể, như: “Challenge For Change” (tạm dịch “Thách thức để thay đổi”) đã lan tỏa tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Câu chuyện bảo vệ môi trường và sống xanh bền vững được thúc đẩy và nhận được quan tâm từ nhiều người hơn, nhất là giới trẻ liên tục chia sẻ những hoạt động vì môi trường lên mạng xã hội cùng hashtag #Challenge For Change (hashtag là thẻ dữ liệu sử dụng trên mạng xã hội, giúp người sử dụng dễ tìm thấy thông tin có cùng chủ đề).

“Tốt hay xấu cũng một phần do mình. Tin nào cũng đọc, trend nào cũng theo thì tự mình vơ hết tốt xấu về mình thôi. Mấy ngày nay, tôi thấy bạn bè thi nhau chia sẻ hình ảnh cũ, nếu có lỡ làm lộ thông tin cá nhân thì cũng do mình ham bắt trend chứ trách ai. Trong xu thế đa chuyên môn, lĩnh vực, trend nào hay, trend nào chưa tốt, mình phải tập nhận diện, chứ sống theo trào lưu rồi chính mình lại tiếp thêm cho tin xấu một sự lan tỏa đáng sợ”, Nguyễn Hồ Thanh Nhân (27 tuổi, chuyên viên công nghệ phần mềm, ngụ phường 4, quận Tân Bình, TPHCM) bày tỏ.

Trong sự tự do của mạng xã hội, người tạo trend chỉ cần có khả năng sáng tạo nội dung, hình ảnh…, còn kiến thức chuyên sâu thì chờ “hạ hồi phân giải”. Chính vì thế mà việc tiếp nhận và chọn lọc thông tin để “bắt trend”, “đu trend” cũng là một kỹ năng cần có của người trẻ hiện đại.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//con-gi-sau-con-song-trao-luu-806670.html