Còn hoài nghi về vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc
Trong khi các nước giàu bảo đảm được nguồn cung vắc-xin Covid-19 thì một số nơi khác trên thế giới có thể sẽ phải dựa vào vắc-xin do Trung Quốc phát triển để chặn đại dịch.
Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có hiệu quả hay không, nhất là sau khi Trung Quốc từng chứng kiến một số vụ bê bối vắc-xin trong quá khứ và các hãng dược nước này tiết lộ rất ít về những cuộc thử nghiệm vắc-xin trên người giai đoạn cuối.
Các nước giàu bảo đảm được nguồn cung khoảng 9 tỉ trong số 12 tỉ liều vắc-xin dự kiến sẽ có trong năm tới, trong đó hầu hết do các công ty phương Tây sản xuất. Trong khi đó, sáng kiến COVAX, một nỗ lực toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dẫn đầu nhằm bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng đối với vắc-xin Covid-19, hy vọng mua được 2 tỉ liều trong năm tới. Đối với những quốc gia chưa có vắc-xin, theo hãng tin AP, Trung Quốc có thể là giải pháp duy nhất.
Nền kinh tế thứ hai thế giới hiện có 6 ứng viên vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối và là một trong số ít quốc gia có thể sản xuất vắc-xin quy mô lớn. Các quan chức Trung Quốc công bố khả năng sản xuất 1 tỉ liều vào năm tới. Bà Joy Zhang, chuyên gia tại Trường ĐH Kent (Anh), tỏ ra hoài nghi về việc Trung Quốc có thể bảo đảm nguồn cung vắc-xin đáng tin cậy khi nước này tỏ ra chưa minh bạch về dữ liệu khoa học và gặp rắc rối với việc phân phối vắc-xin.
Bahrain hồi tuần trước trở thành quốc gia thứ hai phê duyệt vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc, sau Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Morocco cũng có kế hoạch sử dụng vắc-xin của Trung Quốc trong chiến dịch tiêm chủng hàng loạt sắp diễn ra. Vắc-xin Trung Quốc cũng đang trong quá trình chờ phê duyệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Brazil. Ngoài ra, các thử nghiệm vẫn đang được tiến hành ở hàng chục quốc gia, trong đó có Nga, Ai Cập và Mexico.
Trung Quốc đã sửa luật vào các năm 2017 và 2019 nhằm thắt chặt khâu quản lý lưu trữ vắc-xin và tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với những nhà sản xuất vắc-xin lỗi. Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế vẫn hoài nghi về cách Trung Quốc chọn tình nguyện viên để thử vắc-xin và ghi nhận tác dụng phụ tiềm tàng. Hiện các nhà sản xuất và chính phủ Trung Quốc chưa công bố thông tin chi tiết về những vấn đề này, cũng như hiệu quả của vắc-xin Covid-19.
Dù vậy, một số nước bắt đầu công bố thông tin về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc. UAE gần đây cho biết vắc-xin của Công ty Sinopharm đạt hiệu quả 86% dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng. Đến ngày 24-12, một quan chức y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vắc-xin CoronaVac do Công ty Sinovac Biotech phát triển là an toàn và cho hiệu quả đến 91,25%.
Theo ông Serhat Unal, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thuộc Hội đồng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ, kết quả trên được đưa ra sau cuộc thử nghiệm trên 7.371 tình nguyện viên. Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết lô hàng đầu tiên gồm 3 triệu liều vắc-xin CoronaVac sẽ được vận chuyển đến nước này vào ngày 28-12. Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt mua 50 triệu liều vắc-xin của CoronaVac.
Trong khi đó, Bộ Y tế Nga hôm 26-12 thông qua quyết định cho phép tiêm vắc-xin Sputnik V cho người trên 60 tuổi. Bộ trưởng Bộ Y tế Mikhail Murashko nói với kênh truyền hình Rossiya 24 rằng đánh giá của chuyên gia đã cho thấy tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin đối với người trên 60 tuổi và chương trình tiêm chủng hàng loạt đang được tiến hành ở tất cả các vùng nước Nga.