Cơn khát nguồn cung văn phòng xanh tại Hà Nội
Báo cáo Tiêu điểm ESG tại Việt Nam 2023 vừa được Savills công bố cho thấy, Việt Nam ghi nhận khoảng 20 tòa nhà văn phòng hiện đang có chứng nhận LEED hoặc Green Mark trên toàn quốc, bao gồm 17 dự án được đặt tại TP Hồ Chí Minh và 3 dự án tại Hà Nội. Trong đó, TechnoPark là dự án duy nhất hiện nay đạt chứng chỉ LEED Platinum, đồng thời là dự án tiên phong cho xu hướng công trình văn phòng xanh tại Hà Nội.
Tầm quan trọng của ESG
Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, tính đến năm 2020, hoạt động xây dựng chiếm khoảng 31% mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng toàn cầu và 28% lượng khí thải CO2. Nhận thức được vai trò then chốt của bất động sản trong việc chống biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp bất động sản ở châu Á - Thái Bình Dương đang bắt đầu coi trọng ESG hơn.
Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), nhiều quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Các quốc gia tại châu Âu và Bắc Mỹ đang dẫn đầu trong cuộc đua giảm phát thải với khoảng 38% các thành phố thực hiện cam kết. Trong đó, chỉ 18% các thành phố tại Mỹ Latin, 17% tại Sub-Saharan châu Phi, 14% tại Châu Á - Thái Bình Dương và 4% các thành phố tại Trung Đông và Bắc Phi có cam kết cho mục tiêu này.
Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ là quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Để hiện thực hóa cam kết này, nhiều chính sách đã được triển khai nhằm rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có liên quan phù hợp với mục tiêu.
Từ đó đến nay, tại Việt Nam, theo ghi nhận của Báo cáo Tổng quan thị trường quý 3/2023 của Savills, đã có 85% công ty thuộc nhóm Doanh nghiệp phát triển nhanh nhất tại Việt Nam đã và đang tham gia cam kết về ESG.
“Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022” của PwC đồng thời nhấn mạnh, 80% công ty được khảo sát có kế hoạch cam kết ESG trong vòng 2 - 4 năm tới. Các công ty FDI và doanh nghiệp tư nhân/gia đình đang đi đầu trong việc thực hiện ESG, cho thấy tinh thần trách nhiệm ngày càng cao của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đồng thời thúc đẩy nhu cầu tăng vọt đối với văn phòng đáp ứng tiêu chuẩn xanh.
Nhận định về mức độ chào đón của thị trường Việt Nam đối với dự án xanh, ông Mark Ridley - Tổng Giám đốc Tập đoàn Savills đánh giá: “Tại Việt Nam, một số tòa nhà văn phòng tốt nhất tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đáp ứng các tiêu chí xanh đều được đánh giá ở thứ hạng cao hơn các tòa nhà cũ. Hơn nữa, khách thuê là các doanh nghiệp quốc tế tới hoạt động tại Việt Nam, thậm chí là các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết đều cần tuân thủ một số quy định về đáp ứng các mục tiêu về ESG và phát thải ròng, đơn cử như việc phải có báo cáo ESG thường niên.
Do vậy, nhu cầu đối với các bất động sản văn phòng sẽ hướng đến việc các tòa nhà có thể hỗ trợ họ đạt được những yêu cầu về môi trường. Việc lựa chọn tòa nhà không có các tính năng tối ưu năng lượng và giảm khí thải carbon thậm chí sẽ trở nên tốn kém hơn vì phụ phí phát thải CO2 của doanh nghiệp sẽ cao hơn”.
Cùng với đó, minh chứng tích cực về mặt tài chính cho việc áp dụng ESG ngày càng trở nên rõ ràng. Khi việc tuân thủ ESG của doanh nghiệp ngày càng được giám sát và thực hiện chặt chẽ, khách thuê và nhà đầu tư ngày càng ưa chuộng và ưu tiên các công trình xanh, điều này có khả năng khiến các tòa nhà không đạt tiêu chuẩn này đối mặt nguy cơ tăng tỷ lệ trống.
Trong một khảo sát gần đây của Urban Land Insitute và PwC, 37% số người được hỏi cho biết các yếu tố ESG hiện là yếu tố bắt buộc phải cân nhắc trong các quyết định đầu tư bất động sản, tỷ lệ này tăng từ mức 22% vào năm 2021.
Nhu cầu lớn đối với văn phòng đáp ứng được cam kết ESG tại thị trường Hà Nội
Nhu cầu đối với văn phòng xanh đang ngày một gia tăng, tuy nhiên nguồn cung văn phòng xanh tại thị trường Hà Nội nói riêng vẫn ở mức thấp. Báo cáo Tiêu điểm ESG do Savills công bố cho thấy, Việt Nam đang ghi nhận những bước tiến trong chứng nhận công trình xanh, với 20 tòa nhà văn phòng hiện đang có chứng nhận LEED hoặc Green Mark trên toàn quốc.
Trong đó, 17 dự án được đặt tại TP Hồ Chí Minh và chỉ có 3 dự án đạt LEED hoặc Green Mark - những chứng chỉ công trình Xanh tiêu chuẩn quốc tế - tại Hà Nội, bao gồm Capital Place (LEED Gold), TechnoPark (LEED Platinum) và Taisei Square Hà Nội (LEED).
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, TechnoPark là dự án duy nhất tại thị trường Hà Nội đạt chứng chỉ LEED Platinum. Để đạt được chứng chỉ này, tòa nhà TechnoPark đã vượt qua bộ tiêu chí khắt khe từ thiết kế đến vận hành, bao gồm: thiết kế cải tiến, vị trí bền vững, địa điểm và kết nối, sử dụng nguồn nước - không khí - năng lượng hiệu quả, vật liệu thân thiện với môi trường và chất lượng môi trường trong nhà.
TechnoPark có khả năng tiết kiệm đến 17,4% tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm (kwh/năm) so với mức tiêu chuẩn nhờ việc sử dụng các tấm kính cách nhiệt Low-E mặt ngoài tòa nhà và hệ thống thông gió hầm đỗ xe hiện đại nhằm giảm hệ số truyền nhiệt và hệ thống pin mặt trời để cung cấp nguồn điện xanh, hệ thống thu gom nước mưa để tưới cây và vệ sinh.
Có thể thấy, trước nhu cầu gia tăng về văn phòng xanh, những dự án với chứng chỉ LEED danh giá, đạt tiêu chuẩn quốc tế khắt khe đã trở thành hình mẫu thu hút lực cầu ngày càng lớn từ các doanh nghiệp. Được biết, từ nay đến 2025, thị trường Hà Nội sẽ tiếp nhận thêm khoảng 68.400m2 không gian văn phòng xanh bổ sung vào nguồn cung hiện hữu. Đây chính là bước dịch chuyển mạnh mẽ và tích cực để đạt được mục tiêu phát triển bền vững của thị trường bất động sản tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong tương lai.