'Cơn khát' xăng chưa hạ nhiệt, lực lượng chức năng kiểm tra từng cửa hàng
Tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, tình trạng cây xăng dán bảng 'hết xăng', tạm dừng phục vụ do thiếu nguồn cung vẫn tiếp tục diễn ra. Trước tình hình đó, các địa phương đã đồng loạt ra quân kiểm tra cây xăng, đồng thời cầu cứu các Bộ, ngành liên quan.
Người dân TPHCM chật vật tìm chỗ đổ xăng
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, người dân TPHCM sáng 11/10 vẫn khó đổ xăng khi nhiều cửa hàng đóng cửa, chỗ còn bán phải xếp hàng đợi.
Ngay từ 7h30 sáng, tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 10 (quận Tân Bình), xe vào ra nườm nượp, xếp hàng dài chờ vào đổ nhiên liệu. Trung bình mỗi người chờ khoảng 15-20 phút để đến lượt đổ xăng, hầu hết mọi người đều đổ đầy bình. Một số phải quay xe tìm cây xăng khác khi chờ đợi quá lâu.
Tương tự, trạm Xăng dầu - doanh nghiệp tư nhân thương mại Trần Huỳnh (quận Tân Bình) sáng 11/10 cũng có tình trạng nhiều người xếp hàng đông nghẹt. Theo quan sát, cửa hàng này có 6 nhân viên đứng bán không xuể, nhiều thời điểm chủ cửa hàng này còn ra hỗ trợ nhân viên đứng bán mới kịp phục vụ khách.
"Lượng người đến đổ ở cây xăng tăng đột biến, phải làm việc liên tục. Cây xăng hiện không giới hạn lượng xăng khách mua nên người dân đa phần đến đây đều đổ đầy bình", nhân viên cây xăng nói.
Anh Luận - tài xế xe ôm công nghệ - cho biết, những ngày này rất khó khăn để tìm được cây xăng mà nếu tìm được thì cũng đợi ít nhất là 15 phút, điều này khiến anh rất mệt mỏi.
"Vì lý do đó nên cánh anh em tài xế như chúng tôi không mặn mà gì khi nhận cuốc xa như trước mà chỉ nhận những cuốc gần để tiết kiệm xăng và thời gian. Sáng nay, tôi phải chạy hơn 10km từ Hóc Môn đến tận Tân Bình mới có điểm bán xăng. Đi dọc đường Phan Văn Hớn rồi qua đường Trường Trinh, khu vực quận 12 thì các cây xăng đều dán thông báo hết xăng, vừa mới đưa xe vào thì nhân viên đã xua tay, lắc đầu. Đến đường Âu Cơ thì mới có cây xăng mở bán nhưng phải xếp hàng dài mới tới lượt”, anh Luận nói.
TPHCM: 300 cán bộ quản lý thị trường ra quân kiểm tra các cây xăng
Trước tình hình khan xăng đang “nóng” tại TPHCM, thông tin của PV Tiền Phong có được, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn đã ra quân kiểm tra thực tế các cây xăng có dấu hiệu vi phạm như treo biển hết xăng còn dầu, hoặc ngưng bán hàng.
Cụ thể, các đội quản lý thị trường ở địa bàn quận/huyện được huy động tham gia công tác kiểm tra, giám sát là khoảng 300 kiểm soát viên.
Trước đó, báo cáo nhanh từ Cục Quản lý thị trường TP.HCM chiều 10/10 cho thấy, 121/550 cửa hàng không còn xăng bởi các cửa hàng dù có đăng ký mua xăng nhưng đơn vị cung cấp cũng thiếu hoặc không còn hàng để cung cấp. Các cửa hàng còn xăng vẫn hoạt động bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân, không có tình trạng găm hàng, bán không đúng giá niêm yết.
Như vậy, so với báo cáo ngày 9/10, số cửa hàng kinh doanh xăng dầu hết hàng đã tăng hơn gấp đôi, chiếm 22% số lượng cửa hàng xăng trên địa bàn TP.HCM. Ngoài ra, Cục này còn cho biết có 5 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tạm ngưng hoạt động đã đăng ký với Sở Công Thương TP.HCM và có thêm 9 cửa hàng đã nhập được xăng để tiếp tục kinh doanh.
Cục Quản lý thị trường TPHCM yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm ngưng nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt phải kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân, nếu có dấu hiệu vi phạm thì phải làm rõ xử lý theo đúng quy định.
Cơ quan này cũng yêu cầu đảm bảo quân số tại đơn vị, phân công tổ công tác trực ngoài giờ và ngày nghỉ để công tác đột xuất, kiểm tra và dán lại thông tin đường dây nóng của Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 TPHCM, của Cục Quản lý thị trường và của các Đội Quản lý thị trường, để kịp thời tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng.
Bình Dương: Kiểm tra đột xuất nhiều cây xăng treo biển nghỉ bán
Ngày 11/10, lãnh đạo Sở Công thương Bình Dương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ UBND tỉnh Bình Dương về việc kịp thời phát hiện cửa hàng kinh doanh xăng, dầu găm hàng để xử lý nghiêm, cùng ngày, Cục Quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra đột xuất nhiều cây xăng treo biển nghỉ bán do hết hàng.
Trưa cùng ngày, lực lượng chức năng đã kiểm tra hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng, dầu để biển hết xăng trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.
Ông Lê Hữu Thọ, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 Bình Dương cho biết, qua kiểm tra các cửa hàng, đại lý bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TPThủ Dầu Một ghi nhận có 8/63 cửa hàng đang nghỉ bán, tạm dừng hoạt động do giấy phép kinh doanh hết hạn, chờ cấp mới theo quy định; có 5% nguồn cung ứng và thời gian cung ứng chậm không kịp thời để cung ứng cho thị trường tiêu dùng.
Tại các cửa hàng xăng dầu, khi đến kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã bơm thử, đo đạc lượng xăng dầu tại các bồn. Kết quả, lực lượng chức năng chưa phát hiện cây xăng nào còn hàng mà nghỉ bán. Đại diện Cục Quản lý thị trường Bình Dương cho biết sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất các cửa hàng đại lý bán lẻ trên địa bàn, nhất là qua phản ánh đường dây nóng từ người dân.
“Bình Dương hiện có 277 cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường nên cung cấp ổn định cho người dân, doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo chỉ đạo của cấp trên nếu phát hiện điểm nào găm hàng, đóng cửa không đúng quy định”, đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết.
Trước đó, từ ngày 10/10, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Bình Dương tạm ngưng hoạt động, treo biển hết xăng. Các điểm mở bán nhưng chỉ phục vụ khách tối đa 500 nghìn đồng/xe ô tô và từ 30 đến 50 nghìn
Bình Phước "cầu cứu" Bộ Công thương, Tài Chính
Ngày 11/10, Sở Công thương tỉnh Bình Phước đã có công văn gửi đến liên Bộ Công thương – Tài chính báo cáo thực trạng và kiến nghị xem xét giải quyết trước tình trạng nhiều cửa hàng xăng, dầu tạm ngưng hoạt động do thua lỗ.
Công văn nêu, ngay từ ngày 7/10, Sở Công Thương Bình Phước đã mời 12 thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn cung cấp xăng dầu cho 420 cửa hàng xăng dầu trên toàn tỉnh, cùng lãnh đạo Cục Quản lý thị trường họp khẩn nhằm thảo luận, tìm hiểu nguyên nhân và bàn tháo gỡ khó khăn về nguồn cung, đảm bảo phục vụ nhu cầu người dân, đặc biệt tại khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
Qua làm việc, Sở Công Thương ghi nhận các ý kiến của thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối hoạt động trên địa bàn tỉnh đều cho rằng việc điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chưa đánh giá đúng các chi phí đầu vào trong tình hình hiện nay. Các doanh nghiệp đầu mối lỗ từ khi nhập hàng dẫn đến hạn chế cung cho thị trường, mức chiết khấu đến hệ thống phân phối, cửa hàng bán lẻ được chia sẽ rất thấp, có thời điểm giao 0 đồng/lít, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ phải chịu lỗ chi phí vận chuyển, mặt bằng, điện, nhân công … Vì thế dẫn đến một số cửa hàng xăng dầu bán lẻ treo biển hết xăng dầu chờ nhập hàng hoặc bán với số lượng hạn chế do doanh nghiệp nhập ít hoặc không nhập (vì càng nhập càng lỗ).
Tại cuộc họp khẩn này, các thương nhân đầu mối và các thương nhân phân phối hoạt động trên địa bàn tỉnh đã cam kết cố gắng cung cấp đủ nguồn hàng cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ phục vụ người dân.
Trong khi chờ đợi, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều giá sát với tình hình thực tế hơn, Sở Công Thương Bình Phước đã đề nghị các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ chia sẽ các khó khăn của các đại lý bán lẻ xăng dầu, đảm bảo duy trì việc cung ứng cho các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối cũng như các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp xăng dầu ở các xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc, khu vực biên giới để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Hiện nay, Bình Phước có 11 cửa hàng hết xăng dầu, 18 cửa hàng hết xăng còn dầu, 3 cửa hàng hết dầu còn xăng.
Sở Công thương Bình Phước kiến nghị liên Bộ Tài Chính - Công Thương kịp thời điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành giá xăng dầu sớm nhất có thể, qua đó góp phần giải quyết khó khăn và có mức chiết khấu, lợi nhuận dương (+) cho cả chuỗi cung ứng từ doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ cũng như giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo cung cầu thị trường.
Sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước đảm bảo phù hợp với diễn biến giá cả thị trường hiện nay. Việc điều chỉnh giá xăng dầu vào kỳ điều chỉnh phải tính toán đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, tạo điều kiện ổn định nguồn hàng.
Tỉnh này kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối nghiêm túc thực hiện việc phân phối xăng dầu đầy đủ, kịp thời đến các thương nhân phân phối, thương nhân làm đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu nhằm ổn định hoạt động kinh doanh xăng dầu trên thị trường. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định về kinh doanh xăng dầu để phù hợp hơn so với tình hình thực tế.
Có giải pháp tăng cường kiểm tra việc chủ động nguồn hàng dự trữ, phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho thị trường và cho các thương nhân phân phối.