Còn không, những tờ phim?

Những tên rạp Lang-Bian, Ngọc Hiệp, Ngọc Lan... cũng như nhiều điểm ký ức văn hóa quen xưa từng dệt nên giấc mộng đẹp về thành phố nay đã không còn. Nhưng tâm trí lớp thị dân cũ vẫn như một bảo tàng viện đóng kín, đôi khi còn hồi vọng rõ ràng từng bước chân ở miền thời gian vĩnh cửu.

Thuở đó, trong những tối mùa hạ ẩm ướt hay chiều mùa đông giá lạnh, ta đi vào vùng tối mênh mông và tìm một ghế ngồi bên những người xa lạ, rồi chờ đợi một câu chuyện bí ẩn phủ xuống đời mình. Đường dây mơ tưởng trên màn bạc sẽ tự nhiên đi vào lịch sử trải nghiệm cuộc sống riêng tư.

Luồng ánh xạ màu xanh lơ vẫn phả ra từ họng chiếc máy phát đặt ở góc cao cuối rạp, những nháng chớp khúc xạ, tán xạ trên bánh răng tròn kéo dây phim nhựa lăn qua các lớp trục nối tiếp, tua khớp đều đặn, và, bằng một cơ chế phóng chiếu quang học, cuộn phim âm bản chuyển hóa trong bóng tối hiện hình sống động trước những đôi mắt mong chờ. Sự chuyển dịch của tình tiết trong cái thế giới thơ mộng hay kịch tính trải ra trên bức màn rộng lớn có khung viền đen. Trước mặt là một thế giới khác: thế giới của những phóng chiếu dị thường.

Tâm hồn ta rũ bỏ cái thường nhật quẩn quanh để tự do cất cánh.

Gần như một phép lạ, những rạp phim dẫn dắt tâm trí con người ở cái thời hiếm hoi kỹ nghệ nghe nhìn đi dần tới cảnh giới thiên đường của thưởng thức và trải nghiệm. Khán giả ngồi trước màn ảnh rộng “nhập vai đời” cùng những minh tinh, tài tử, bằng chính kho tàng vốn liếng của đời mình.

Âm nhạc, tiếng động, tiết tấu chuyện phim quyện hòa, dẫn dắt ta hòa vào những trạng huống dị thường, để rồi khi bước ra khỏi rạp phim, ta mang vào cuộc đời một tâm hồn đã được biến đổi.

Rạp Ngọc Hiệp (Đà Lạt) thập niên 1970. Ảnh tư liệu

Rạp Ngọc Hiệp (Đà Lạt) thập niên 1970. Ảnh tư liệu

Chẳng phải ánh sáng của máy chiếu phim, hay kỹ nghệ điện ảnh nói chung cũng đã theo dấu chân người Pháp đến đây, góp vào một kho tàng tinh thần của một thành phố vốn được sinh ra là để dành cho người biết hưởng thụ?! Số phận các rạp phim cũng chính là số phận đô thị này: dấu vết của cuộc du hành, chuyển dịch không ngừng. Của định hình và biến dạng, của tồn lưu và phôi pha. Không ngừng.

Vậy thì phần tĩnh tại và ngưng đọng của chúng nằm ở đâu? Có lẽ không nằm ở những băng ghế trong bóng tối, cấu trúc và khối tích vật lý của những rạp chiếu, những máy phóng ảnh tân kỳ gợi hiếu kỳ, mà rơi rớt lại trong góc tủ những gia đình trung lưu, nơi các cô cậu thiếu niên, thanh niên lưu giữ những tờ bướm như một cách bí mật đóng gói ký ức - một cách gia tăng sức sống cho những bộ phim mà họ từng xem.

Tờ phim - có thể gọi vậy - những trang giấy định lượng mỏng, được in trên nền ngà vàng, khổ A4 và nét chữ, hình ảnh thường là đơn sắc. Chúng không hàm chứa quá nhiều ý tưởng và giá trị để bị xổ ra vỉa hè, nhóm lên vệt lửa sau cơn gió bụi thời cuộc.

Những tờ bướm với chức năng quảng cáo, không gì khác hơn là đưa thông tin bộ phim sẽ chiếu, đang chiếu đến với khán giả, mời gọi họ đến rạp; vô tình giúp họ giữ một kỷ niệm về một bộ phim đã thưởng thức. Nó không giống tờ nhạc cùng thời, là ấn loát văn bản tác phẩm (nhạc bản) để ta có thể thị tấu hay đơn giản là cất lên tiếng hát nghêu ngao. Mối liên kết của tờ phim với tác phẩm điện ảnh (bộ phim nhựa) được chiếu chỉ là những tiết lộ rất cô đọng, sơ lược những nội dung và hình ảnh trên nền giấy phẳng, tĩnh, với một thiết kế quá chừng đơn sơ.

Đó, tương quan phù du giữa chức năng vật phẩm quảng cáo với tác phẩm nghệ thuật được quảng cáo. Số chữ được viết lên đó đòi hỏi ngắn gọn: những tình tiết hấp dẫn của bộ phim bên cạnh các góc ảnh gay cấn trong phim và vài ba thông tin đáng chú ý khác về đạo diễn, diễn viên, nhà làm phim, nhà sản xuất, độ chú ý của phim thông qua doanh số thương mại... và mặt sau là một bản tóm lược “chuyện phim”. Có lẽ những soạn giả ẩn danh của các tờ bướm này luôn được đặt một yêu cầu của nhà kinh doanh rạp phim là làm sao để bằng ngôn từ và hình ảnh, khiến người đọc dấy lên một khao khát bước vào rạp phim, rồi sau đó, không thể buông những ký ức cảm xúc về bộ phim khỏi tâm trí.

Ví dụ, một tối của năm 1961, các khán giả mê phim Đà Lạt cầm trên tay tờ giới thiệu bộ phim hài Un trou dans la tête (tên Việt: Sống trong ảo mộng, ra mắt năm 1959) của đạo diễn Frank Capra. Tờ phim giới thiệu: Cinema Ngọc Lan Dalat Hân hạnh trình bày một xuất phẩm đã đoạt giải Oscar năm 1960. Un trou dans la tête. Một xuất phẩm màu sắc huy hoàng. Một phim tế nhị trào lộng quý vị xem về sẽ nhớ mãi những hình ảnh đẹp và những bản nhạc bất hủ của Frank Sinatra cùng Eddie Hodges. Một bộ phim quy tụ các tài tử gạo cội: Frank Sinatra, Edward G. Robinson, Eleanor Parker, Carolyn Jones, Theyma Ritter, Keenan Wynn, Eddie Hodges. Màn ảnh đại vĩ tuyến. Màu De Luxe. Nói tiếng Pháp - Phụ đề Việt Ngữ. Nội dung này được đặt cạnh một tấm ảnh “nụ hôn tay ba” của các ngôi sao góp mặt vào “xuất phẩm”. Và ở mặt sau, nội dung quảng cáo có ghi số kiểm duyệt 2329 là bản tóm lược chuyện phim kể về anh chàng Tony sống mơ tưởng và lạc lối trong tình cảm ở tuổi trung niên...

Đây là một bộ phim Mỹ, tên gốc A Hole in the Head, nhưng tại sao vào thập niên 1960 lại được giới thiệu qua lối Pháp ngữ như thể đó là một bộ phim Pháp nguyên bản? Dễ hiểu, bởi đó là rạp phim tại Đà Lạt, nơi mọi tụ điểm văn hóa đều ghi lại dấu ấn một dòng chảy từ Paris ngay cả khi người Pháp đã rời đi - xét trong phương diện chính trị.

Tờ phim Les héros meurent jeunes (tựa gốc tiếng Anh: Heroes Die Young) của Gerald Shepard chiếu ở rạp Ngọc Lan sau đó cũng có cách giới thiệu theo motif tương tự. Tác phẩm điện ảnh này có tựa Việt là Anh hùng yểu tử, được rạp chiếu bóng Ngọc Lan quảng bá trên tờ phim rằng: Một cuốn phim của các bạn ưa hoạt-động, thích hồi-hộp, ham ghê-rợn cũng với tiếng Pháp phụ đề Việt ngữ dễ khiến ta quên mất đó là một phim chiến tranh rặt kiểu Mỹ.

Phong cách giới thiệu trên tờ phim của rạp Ngọc Lan dành cho các phim thuộc “Đợt sóng mới” như Les Ennemis (tên Việt: Phòng tình báo hoạt động, của Édouard Molinaro [1962] - “xuất phẩm trinh thám hoạt động sôi nổi do những tay phản gián cừ khôi của hai cường quốc tranh giành một tài liệu tối mật”) hay La Guerre de Troie (Chiến thắng thành Troie của Giorgio Ferroni [1961] với “thần tượng chiến thắng Steve Reeves thủ vai chánh và người đẹp vô song Lydia Alfonsi vai Hélène”), cũng cho thấy dù nguyên bản thuộc quốc gia nào, thì chúng đều được giới thiệu như thể là những đứa con của điện ảnh Pháp, văn hóa Pháp.

Cả cinema Hòa Bình - một rạp ở quảng trường chợ vào cuối thập niên 1950, trong thời kỳ người Pháp đã mất dần ảnh hưởng tại Đà Lạt về mặt chính trị, thì bộ phim The Son of the Sheik vẫn được giới thiệu bằng tựa tiếng Pháp Le Fils du Cheik (tên Việt: Hiệp sĩ đào hoa) với phong cách quen thuộc mà ta đã gặp ở Cinema Ngọc Lan hay Ngọc Hiệp: Cinema Hoa-Binh - Hội trường Hòa-Bình Dalat. Hôm nay hân hạnh giới thiệu: Ricardo Montalban, Gino Cervi và cô đào khả-ái Carmen Sevilla trong xuất phẩm Hiệp-sĩ đào-hoa. Một câu chuyện trong loại ‘Nghìn lẻ một đêm’ từng làm say mê quý bà, quý ông và toàn thể nam nữ thanh thiếu-niên...

Vào giữa thập niên 1960, các tờ phim chuyển hóa phong cách trình bày và ngôn ngữ có yếu tố “thoát Pháp”, với sự xuất hiện của nhiều phim Việt và châu Á dành cho đại chúng, ngôn ngữ dịch thuật và phụ đề cũng đa dạng, tự do hơn. Hầu hết các tờ phim của rạp Hòa Bình không ngại tự giới thiệu ngay trên tờ phim là “Rạp chiếu bóng tối-tân nhứt Đà Lạt” và đa số trình bày trên các tờ bướm khổ ngang thay vì khổ dọc trước đây.

Có thể nhận ra sự khác biệt này rõ ràng nhất ở tờ phim giới thiệu suất chiếu King-kong tử chiến Khủng-long (King-Kong & Godzilla) của đạo diễn Nhật Bản Ishiro Honda (1962) vào Tết Giáp Thìn (1964). Cũng thời kỳ này, xuất hiện một phong cách trình bày đơn giản hướng đến đại chúng khi “tiếp thị” các phim Việt, Hương Cảng (Hongkong).

Rạp Ngọc Hiệp giới thiệu các phim Tơ tình (đạo diễn Lê Mộng Hoàng, cố vấn diễn xuất: Năm Châu, có minh tinh Thẩm Thúy Hằng và Mai Ly diễn) và Hồn bướm mơ tiên của đạo diễn Nhạc Phong, một hiện tượng phòng vé quốc tế năm 1969... cho thấy nhà chiếu bóng hướng đến khán giả bình dân. Các tờ phim thiếu nhi (tiêu biểu của Walt Disney như Thiên đàng muôn vật) cũng được trình bày đơn giản, nhiều thông tin “quý giá và hữu ích cho mọi từng lớp”.

Vì nội dung quảng cáo trên tờ phim đều được Ty Thông tin Đà Lạt kiểm duyệt, nên trên các vật phẩm này của cinema Ngọc Hiệp, Ngọc Lan hay Hòa Bình, thi thoảng ta lại thấy các khẩu hiệu tuyên truyền. Nhưng nội dung thông điệp chính trị cũng không can thiệp nhiều hay lấn át chức năng chính của tờ phim: quảng cáo cho bộ phim được chiếu.

Nói tóm lại, với chức năng của một ấn phẩm quảng cáo, tờ phim ở các rạp phải thể hiện được những yếu tố “quảng bá” đáng giá nhất của bộ phim mà một người mê phim không thể bỏ qua cơ hội được đến rạp.

Lịch sử không ngừng biến chuyển. Những gì sống động thuần khiết của thời hoàng kim đã trôi qua, vậy mà dấu tích tĩnh tại của nó có thể sẽ còn lại nơi những dạng thức không ngờ. Những bộ phim đã lướt qua tâm trí và não quyển ta và bao người. Ký ức hình ảnh, cảm xúc, trải nghiệm khi thưởng thức một tác phẩm điện ảnh cũng phai nhạt theo thời gian. Thánh đường rạp phim và những máy móc kỹ nghệ cùng lùi vào bóng tối, trôi nổi, sụp đổ sau những thăng trầm. Tên còn lại dù rạp đã mất (như Cinema Paradiso của Giuseppe Tornatore thôi!). Nhiều minh tinh, tài tử đã thuộc về quá vãng. Những làn sóng mới trong điện ảnh đã xong vai trò lịch sử của mình.

Một ngày kia ta nhận ra, những tờ bướm giới thiệu phim trong ngăn tủ những nhà sưu tập vô danh và nghiệp dư đã được phủi bụi. Hơn nửa thế kỷ, chúng âm thầm chuyển dịch chức năng, từ một vật phẩm quảng cáo trong tương quan phù du truyền bá một bộ phim, bỗng trở thành thứ gợi nhắc những khoảnh khắc vĩnh cửu trong cuộc đời của những thị dân mê phim Đà Lạt.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/con-khong-nhung-to-phim-44290.html