Còn lại gì sau mỗi mùa Vu Lan?
Phóng sinh hay giật cô hồn đều là những nét đẹp cổ truyền trong dòng chảy tín ngưỡng văn hóa của người Việt.
Tháng 7 âm lịch mưa dầm sụt sùi ai chẳng nhớ đến đại lễ Vu Lan xá tội vong nhân. Những buổi chiều chớm thu, màu trời sau những cơn mưa như ẩm hơn, hoa ngâu nhuộm bạc và những lá ngô đồng cũng bắt đầu rụng vàng.
Thời tiết ấy báo hiệu một mùa Vu Lan lại về. Ở nước mình, ngày Rằm tháng 7 không chỉ được giới Phật tử mà những người dân cũng đều hướng tâm bày tỏ lòng hiếu thuận với mẹ cha. Cho nên, ngày những người con mang lòng hiếu hạnh của mình dâng cúng những mâm lễ thịnh soạn, chu đáo nhất lên ban thờ tổ tiên để thọ ơn và tỏ lòng thành kính.
Để ngày lễ được trọn vẹn, chẳng thể thiếu được nghi lễ truyền thống trong Phật giáo là phóng sinh.
Phóng sinh ngày xá tội vong nhân: Nét hiếu hạnh của văn hóa truyền thống bị biến tướng, giải hạn hay gián tiếp “tạo nghiệp” mà chẳng hay?
Không phải mới ngày hôm qua mà phóng sinh từ lâu đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt.
Phóng sinh - Nét đẹp cổ truyền mang ý nghĩa tốt đẹp
Dịp Tết, Rằm tháng Giêng, đặc biệt là Rằm tháng 7 trong tháng cô hồn, nghi lễ phóng sinh trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết. Theo quan điểm của nhà Phật, phóng sinh là khi mình nhìn thấy các loài chúng sinh đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp bị giết hại thì khởi phát lòng thương xót tìm cách cứu chuộc, giải phóng, cứu mạng sống của chúng.
Chuyện phóng sinh nhằm tiết Vu Lan thường diễn ra ở nơi cửa Phật. Hầu hết các chùa ngày nay đều có hoạt động phóng sinh. Các chậu cá, ốc, rùa, tôm cua, chim muông được bày bán nhiều nơi, từ trước cửa chùa đến la liệt các chợ. Nhiều người đi lễ một phần vì tâm lý đám đông, xuất tâm thiện bỏ tiền mua những con vật nhỏ bé ấy dâng cúng rồi đem thả xuống ao hồ, sông suối.
Từng tốp người lớn nhỏ, tíu tít xách những xô cá chậu ốc hồi hướng xuống dòng nước để gieo mầm sống cho chúng sinh loài vật, thầm mong cầu nguyện cho tổ tiên sớm được siêu thoát về nơi thanh tịnh, an yên.
Ấy thế mà, câu chuyện phóng sinh ngày càng bị thương mại hóa.
Ở bên này, những thiện nam, tín nữ vừa hoan hỷ thả những sự sống về với tự nhiên thì ở bên kia, người ta đã chờ sẵn quăng lưới để bắt chúng lại. Có thể ngay lúc sau, những con cá, con chim, cua ốc, rùa ấy lại trở thành chúng sinh xấu số được đem bán tiếp ở cổng chùa.
Đâu chỉ vậy, người ta còn đăng đàn thu mua các loại chim cá trên các trang mạng xã hội để mở rộng nguồn cung, những “chợ chim, chợ cá” được dịp tất bật, hối hả trong dịp lễ Vu Lan được tiến hành ngay trước khu vực phóng sinh tại các chùa.
Tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều nơi được người dân chọn đến phóng sinh như chùa Diệu Pháp, chùa Pháp Hoa, chùa Nam Thiên Đế Nhất Trụ, bến sông An Lộc, hay như cả những khúc sông ngả màu đục của dòng Vàm Thuật.
Ở Hà Nội, các chùa khu vực ven sông, ven hồ cũng được bày bán nhiều chậu cá ốc, rùa tôm như trước chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ,...
Mới đầu, nhiều người nghĩ mua càng nhiều phóng sinh càng nhiều thì càng tốt, càng chứng tỏ tâm đức lẫn tăng thêm phần “công đức” của bản thân. Dần dà, người ta kháo nhau cứ đi phóng sinh để chứng nguyện chân tâm của mình.
Phóng sinh vốn là một nét đẹp văn hóa hướng con người sống thiện
Người khởi tâm muốn phóng sinh ấy là điều thiện, thể hiện lòng tốt, từ bi, nhân ái của mình trước chúng sinh bị bắt bớ.
Nói về hoạt động phóng sinh, chị A.T sống tại Vũng Tàu cho biết, cách đây vài năm chị cũng thường ra chợ mua cá về thả ra sông hồ gần nhà. Bản thân chị cho rằng chỉ nghĩ phóng sinh là làm điều thiện, tốt lành chứ không mong cầu gì từ việc phóng sinh ấy.
Đối với chị, phóng sinh không nhất thiết phải vào Rằm tháng 7, đi phóng sinh là đi tạo phước đức nên phóng sinh lúc nào cũng được, đặc biệt là những ngày mùng 1 và Rằm. Bên cạnh đó, chị A.T cũng nói lên quan điểm gây nhiều tranh cãi phóng sinh có gián tiếp “tạo nghiệp” hay không: “Tôi chưa từng nghĩ đến vấn đế phóng sinh mà lại tạo nghiệp, dù sao trước giờ chỉ biết là tốt thôi”.
Có lẽ rất nhiều người giống như chị A.T, chỉ biết việc mình làm là điều tốt, gieo được sự sống cho chúng sinh là điều hoan hỷ rồi. Đặc biệt trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu, việc phóng sinh các con vật về với tự do cho mọi sự được mát mẻ, thân tâm cảm thấy như được gột rửa khỏi tội lỗi đã mang, học hạnh bố thí của nhà chùa, và đặc biệt là cầu siêu, cầu an cho tổ tiên, gia đình.
Thuở ban đầu, phóng sinh là khi gặp duyên thì cứu giúp, nhưng trên thực tế tại những khu vực phóng sinh hiện nay chưa đợi người hành hương làm lễ xong nghi lễ phóng sinh thì những thuyền bè, lưới rọ đã chuẩn bị để cá lại vào lưới, cua lại vào rọ rồi.
Phóng sinh vốn là một nét đẹp tâm thành, nhưng việc tốt lành ấy bị những người trục lợi dựa trên lòng tốt của người khác, bất chấp vì miếng cơm manh áo lại bắt bớ các loài vật thêm lần nữa cũng dấy lên nhiều tranh cãi về phóng sinh từ thiện này.
Cũng là một tục lệ trong ngày Rằm tháng 7, cũng từng gây tranh cãi, nhưng việc “bố thí” này lại được người lớn vui lòng, trẻ con thích thú không kém. Đó là tục lệ “giật cô hồn” Rằm tháng 7 âm lịch.
Giật cô hồn Rằm tháng 7
Giật cô hồn - Phong tục lâu đời của người Việt
Tháng 7 âm lịch, tháng cô hồn, mùa lễ Vu Lan. Ngoài nghi lễ cúng dường Phật, cúng tổ tiên, người ta còn thực hiện cúng chúng sinh đẻ mong “ma quỷ” không quấy nhiễu và làm phúc cho những vong hồn không nơi nương tựa.
Trong Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng có từng nói đến tháng 7 xá tội vong nhân về những “cô hồn” ấy: “Ấy là những người chết mà không siêu thoát, chết mà vẫn nuối tiếc cái gì, chết mà không nhắm mắt, vì còn ân hận. Ấy là những người trước đây lăm le thay đổi non sông nhưng gặp vận cùng thết khuất; ấy là những kẻ màn lan trướng huệ phen thay đổi sơn hà chỉ còn mảnh lá che thân; ấy là những kẻ lâu đài phượng các không còn ai bát nước nén nhang; ấy là những kẻ vào sông ra bể, đem thân chôn rấp vào lòng kình nghê; ấy là những kẻ mắc đoàn tù rạc, gửi mình vào chiếu xác một manh; ấy là những kẻ chìm sông lạc suối, những người gieo giếng thắt dây; ấy là những đứa trẻ lỗi giờ sinh phải lìa cha mẹ từ tấm bé, không có ai bồng bế”.
Niềm tin về một thế giới bên kia, vẫn còn những linh hồn chưa kịp siêu thoát ấy lại nấc lên từ những ca từ đầy thương xót:
“Thương thay thập loại chúng sinh,
hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương lửa đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên…”
Chính vì những cô hồn vô định, côi cút ấy vất vưởng ngang bờ dọc bụi, chỉ biết trông chờ vào những người có đôi chút từ tâm, thí bỏ cho bát cháo nắm xôi, hay đốt cho thoi vàng manh áo.
Bởi vậy mà, dịp Rằm tháng 7 vừa qua, người người nhà nhà dâng cúng chúng sinh từ đạm bạc tới tươm tất, vừa giúp làm phúc cho chúng sinh, vừa để "tránh xui tìm may".
Theo niềm tin dân gian, khi mặt trời lặn, các cửa địa ngục mở toang. Trần trụi và đói khát. Và ấy là lúc người sống thể hiện tấm lòng thành với người đã khuất. Tối ấy, sau khi đã hoàn thành xong mâm cúng gia tiên, ngoài Bắc người ta nấu cháo bày ra đường, bày chè lam, bỏng bộp, ngô nẻ để khao đãi chúng sinh.
Còn với bà con miền Nam, mâm cúng cô hồn có phần "xa hoa" hơn khi có cả thịt heo quay, bánh hỏi, nhiều lễ tiền,... Những mâm cúng cô hồn của người miền Nam, đặc biệt khu Chợ Lớn lại càng khiến người lớn "háo hức", trẻ con thì "mong chờ".
Cúng cô hồn, mâm lễ được bày trước nhà, khi lễ kết thúc thì để trẻ con tranh cướp nhau. Theo quan niệm xưa, cô hồn thường "yêu quý" trẻ con nên không tức giận khi trẻ vui cười, tranh cướp đồ ăn. Bởi vậy, những đứa trẻ khỏe mạnh, hoạt bát đến tranh đồ cúng thì được coi là may mắn.
Gia chủ "mong cô hồn": Càng giật càng may!
Không chỉ là làm phúc cho những linh hồn đã khuất, người dân Sài Gòn đặc biệt khu vực Chợ Lớn, lan tỏa đến cả miền Tây tin rằng, càng nhiều "cô hồn sống" đến giật thì gia đình lại càng may. Như thế mới ra được "cái chất" của tháng 7 âm.
Người ta cho rằng, "giật cô hồn" không phải là tranh "đồ của ma". Người âm thường nhận đồ bằng cách "hâm hưởng", cảm nhận ý niệm còn đồ lễ sau cúng gọi là lộc và mang lộc đi tán cho chúng sinh.
Vào ngày Rằm tháng 7, nhiều gia chủ chuẩn bị tiền thật, thậm chí mệnh giá lớn để "phóng sinh" cho những "cô hồn sống" tranh cướp, càng nhộn nhịp thì càng có hỷ khí. Từ lâu, phong tục giật cô hồn ấy đã đi vào đời sống của nhiều thế hệ, khi "cô hồn sống" giật càng nhiều thì gia chủ càng bớt xui và sẽ tiếp nhận được nhiều may mắn nên họ càng hoan hỷ.
Cho nên, phong tục giật cô hồn cũng là một nét đẹp văn hóa trong niềm tin tâm linh và tín ngưỡng người Việt. Nhưng đâu đó, những hình ảnh xấu xí, biến tướng của phong tục giật cô hồn cũng gây nhiều tranh cãi. Nhiều người tham gia làm "cô hồn sống" không ngại giẫm đạp lên nhau, xô xát để tranh cướp gây mất mỹ quan, rối loạn an ninh trậ tự.
Còn lại gì sau mỗi mùa Vu Lan hiếu hạnh?
Phóng sinh hay giật cô hồn đều là một trong những nét tín ngưỡng đẹp góp phần vào dòng chảy văn hóa tâm linh của người Việt. Đều xuất phát từ điều thiện, niềm tin tích cực để cuộc sống tốt đẹp, thể hiện được hiếu hạnh với tổ tiên, ông bà nhưng sau mỗi mùa Vu Lan, người ta cũng suy ngẫm nhiều hơn.
Việc những loài vật nhỏ bé bị người ta "bắt đi bắt lại" để phục vụ cho việc phóng sinh, kiếm lợi trên lòng từ bi hỷ xả của người khác liệu có làm "hoen ố" nét đẹp cổ truyền bấy lâu?
Liệu phong tục "giải vía" giật cô hồn xua vận rủi mang hỷ khí đến ấy có phải một "hủ tục" cần bị loại bỏ khi nhiều người giẫm đạp, tranh cướp nhau khiến phần nào tục lệ ấy bị biến tướng, thái quá?
Điều cuối cùng trong mùa Vu Lan, mỗi người đều mong tâm được an, sự được lành, tỏ tấm lòng thành đến bề trên và thập loại chúng sinh được hoan hỷ. Và cũng từ ấy, người ta cũng day dứt đặt ra câu hỏi, làm thế nào để những nét đẹp văn hóa ấy không bị biến tướng và vẫn vẹn nguyên ý nghĩa như thuở đầu.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/con-lai-gi-sau-moi-mua-vu-lan-222022138101732784.htm