Con lừa
Ngày xưa, có một ngôi chùa trên núi, do đường sá gập ghềnh nên chư Tăng ở ngôi sơn tự này nhận nuôi một con lừa để chuyên chở vật dụng.
Một lần nọ, con lừa được cho chở những vật trên lưng, nhưng nó không biết là vật gì. Khi nó đi đến đâu, mọi người đều quỳ xuống đảnh lễ và tung hoa đến đó.
Lừa chợt nghĩ, có lẽ mình cao quý lắm, nên hễ ai gặp cũng đều cung kính lễ bái và tung hoa đón chào. Nghĩ vậy nên nó sanh tâm tự kiêu, không muốn làm công việc chuyên chở vật dụng nữa.
Lừa không muốn sống ở chùa, nó bèn xuống núi.
Nhưng than ôi, đi tới đâu, nó chỉ thấy mọi người nhìn nó rất bình thường, không lễ bái, không ai tung hoa lót đường.
Lừa nghĩ trong bụng sao loài người thay lòng đổi dạ nhanh vậy, sao lòng người đen bạc thất thường đến thế, mới kính quý đó, nay lại làm ngơ. Lừa tỏ ra hận, chê trách hết thảy loài người.
Một hôm, lừa buồn bã trở lại ngôi sơn tự, đem tâm tình đó giãi bày với một vị Hòa thượng.
Hòa thượng yên lặng lắng nghe, từ ái cho lừa biết là lừa đã nhận lầm. Lúc trước mọi người đảnh lễ, tung hoa cúng dường và quỳ gối trên lối mà lừa đi qua không phải vì lừa là loài cao quý, mà chính lúc ấy trên lưng lừa đang vận chuyển những pho tượng Phật và kinh điển.
Người dân ở đây tín thành đối với Đức Phật, nên hễ thấy hình tướng của Ngài, cũng như kinh sách ghi chép lời dạy của Bậc Giác ngộ, thì đều đảnh lễ.
“Con ơi, người ta lễ Phật và giáo pháp của Ngài đó, chớ không phải lễ con đâu…”, Hòa thượng ân cần nói.
Minh họa: Nhuận Thường
Bình luận:
Các bạn mến,
Một người xuất sĩ cũng thế, khi mọi người kính lễ cúng dường là do vị đó mang hình dáng của một đệ tử Phật với chiếc y vàng, nương nơi hạnh của Phật thực hiện con đường giác ngộ, giải thoát. Nếu vị xuất sĩ ấy không còn hình dáng của người tu thì mọi người sẽ không cung kính nữa. Như vậy, người xuất sĩ được cúng dường nên ý thức rằng không phải do phước báu của chính mình mà do phước của Phật để lại. Cho nên, đã là người xuất gia, phải tự khiêm cung, không tự cao, tự phụ mà tổn phước như con lừa khờ khạo nọ...
Việc tu hành là phải nỗ lực tự thân, hễ lười biếng, giải đãi là tự mình dối mình dối người.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhoa/phatgiao/2020/05/08/3fd6d9/