Cồn Mã Nhón - 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống yêu nước

Nằm kề bên cánh đồng lúa của thôn Đằng Trung, xã Hoằng Đạo, Khu di tích lịch sử Cồn Mã Nhón không chỉ là nơi ghi lại thời khắc lịch sử của 76 năm trước khi các chiến sĩ tự vệ và Nhân dân 3 thôn Đằng Trung, Đằng Xá, Đằng Cao dũng cảm vùng lên bắt sống tri phủ Phạm Trung Bảo cùng quân lính, mà còn trở thành 'địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Tài liệu lịch sử phong trào cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Hoằng Đạo có ghi lại, những ngày đầu tháng 7-1945, phong trào Việt Minh Hoằng Hóa phát triển mạnh mẽ khắp các vùng quê. Hoảng hốt trước phong trào Việt Minh trong huyện phát triển mạnh, cũng như không khí sục sôi ngọn lửa đấu tranh của các vùng quê, tri phủ Hoằng Hóa liền tổ chức lùng sục đến các cơ sở ở Đằng Trung, Đằng Xá, Đằng Cao, xã Hoằng Đạo và Liên Châu - Hóa Lộc, nhằm uy hiếp Việt Minh. Chúng đã 2 lần kéo quân về thôn Đằng Trung để dò xét tình hình cộng sản. Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa nhận định trong lần “hiểu dụ” thứ nhất của tri phủ không thành, bọn địch sẽ quay lại lần nữa.

Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa, tự vệ 3 Đằng đã khẩn trương tăng cường bố trí canh gác cần mật và cho người đi dò xét tình hình động tĩnh trong vùng. Tự vệ 3 Đằng chọn địa điểm Cồn Mã Nhón làm nơi phục kích và vạch kế hoạch kéo địch vào tròng, tổ chức tác chiến.

Mã Nhón ngày xưa một bên là cồn cây rậm rạp, một bên là đồng lầy. Nơi đây chỉ có một tuyến độc đạo qua để đi đến các thôn, làng phía Nam huyện Hoằng Hóa. Việc bố trí trận địa ở Cồn Mã Nhón tự vệ hoạt động tiến lui dễ dàng, bởi thông thạo địa hình, còn kẻ địch sẽ lúng túng khi bị tiến công. Thế là lực lượng tự vệ 3 Đằng và Nhân dân đã dồn công sức làm đường ngang, lối tắt trong Cồn Mã Nhón, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chờ thời cơ bố trí trận đánh.

Đúng như dự kiến của ta, mười ngày sau, vào ngày 24-7-1945, tri phủ xin viện binh ở tỉnh gồm 34 lính bảo an do tên Quản Hiến binh chỉ huy. Từ phủ lỵ chúng chia làm 2 mũi tiến quân. Một mũi gồm 22 lính do Quản Hiến dẫn đầu theo đường qua chợ Quăng đến Hóa Lộc - Hải Châu, thuộc xã Hoằng Châu.

Một mũi gồm 12 lính mang theo súng do đích thân tri phủ Phạm Trung Bảo chỉ huy, xuất phát từ phủ ly, qua cầu Già vào Đằng Xá. Lập tức tự vệ Đằng Xá đã theo dõi sát và báo cáo với Ban chỉ huy của Việt Minh. Kế hoạch đánh địch liền được triển khai.

Địch kéo vào đình Đằng Xá nổi trống liên hồi nhưng dân làng không ai ra tiếp. Chúng kéo vào nhà lý trưởng thì lý trưởng đã lánh mặt. Chúng cho rằng Việt Minh ở đây đã sợ bỏ trốn nên chúng lục đục kéo về Hóa Lộc hòng phối hợp với toán quân của Quản Hiến để đàn áp phong trào cách mạng nơi đấy. Nhưng quân của tri phủ Phạm Trung Bảo có ngờ đâu mỗi bước đi của chúng đã bị tự vệ 3 Đằng theo dõi sát sao. Đồng thời, bố trí một số quần chúng, chỉ đường cho địch qua Cồn Mã Nhón đến Hóa Lộc - Hải Châu. Cùng thời điểm ấy, các đồng chí Nguyễn Đức Minh và Lê Khắc Duy phụ trách 1 tổ gồm 13 chiến sĩ tự vệ dũng cảm, khỏe mạnh, mưu trí đóng giả nông dân đang làm đồng, đảm nhiệm việc xông lên bắt sống tên tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên lính bảo an.

Khi toán quân 12 tên và tri phủ Phạm Trung Bảo lọt vào trận địa mai phục, 13 tự vệ mang đòn xóc, đòn càn như vừa làm đồng về đi ngược chiều theo hình cánh sẻ quân địch. Ý kế là người đi đầu của ta bắt tên đi cuối của địch, còn người đi cuối của ta bắt tên đi đầu của địch.

Hiệu lệnh phát ra, 13 tự vệ nhanh chóng mỗi người bắt gọn 1 tên làm cho địch không kịp trở tay. Cuộc chiến đấu diễn ra chớp nhoáng vào lúc 12 giờ 30 phút trưa. Toán địch hùng hổ đã bị vây bắt hoàn toàn giải về đình Đằng Trung chờ xét xử.

Như vậy, chỉ trong khoảng 1 giờ đồng hồ vào giữa trưa ngày 24-7-1945, lực lượng tự vệ, Nhân dân 3 Đằng đã điểm một dấu son lịch sử cho công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hoằng Hóa.

Chớp thời cơ, buổi chiều cùng ngày, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện khẩn trương tổ chức một cuộc mít tinh mừng chiến thắng tại Cồn Ba Cây. Lực lượng tự vệ, quần chúng Nhân dân khắp nơi, với cờ, khẩu hiệu, giáo gươm uy nghi kéo về như ngày hội.

Cuộc mít tinh tại Cồn Ba Cây hôm đó có hơn 5.000 người tham gia. Đúng 13 giờ, trước rừng người với khí thế cách mạng sục sôi, đồng chí Đinh Trương Lân, Tỉnh ủy viên thay mặt Ban Việt Minh huyện Hoằng Hóa đọc bản cáo trạng về tội ác khủng bố cách mạng của tri phủ Phạm Trung Bảo, lên án kẻ thù xâm lược và chính quyền tay sai.

Viên tri phủ Phạm Trung Bảo và 12 tên lính đã cúi đầu nhận tội và được Nhân dân tha tội chết. Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, quần chúng cách mạng và lực lượng vũ trang nòng cốt được tổ chức thành đoàn biểu tình lớn tiến về phủ lỵ. Trước khí thế cách mạng dâng trào của quần chúng Nhân dân, lính tuần sai, nha lại trong phủ không dám chống cự, toàn bộ tài sản công, con dấu, hồ sơ, sổ sách, máy đánh chữ, vũ khí đều được giao lại cho cách mạng. Sự kiện mít tinh giành chính quyền đó đã được quần chúng nhân dân gọi là “ngày 24-7 kiên cường”.

Trần Thanh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/con-ma-nhon-dia-chi-do-giao-duc-truyen-thong-yeu-nuoc/20590.htm