Còn mãi khí phách Anh hùng Lê Độ

Để đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược, góp phần vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, rất nhiều tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi còn đang đôi mươi. Sau cái chết bất tử của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, trước lúc ra pháp trường, Anh hùng Lê Độ cũng hiên ngang 'Sống như anh'.

Lê Độ tên khai sinh là Lê Dậu, sinh năm 1941, trong một gia đình ngư dân tại làng Mỹ Thị (nay là phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng). Thân phụ ông là Lê Duy Ban, tham gia kháng chiến chống Pháp; 4 anh em tham gia Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, một lòng yêu nước và đều là liệt sĩ.

Năm 1957, Lê Độ làm liên lạc viên cho cơ sở cách mạng Sông Đà, do ông Nguyễn Trí Quang làm Bí thư. Đến đầu năm 1963, ông gia nhập đơn vị đặc công thuộc Đội Biệt động Đà Nẵng. Trong hoạt động, ông thường sử dụng chiếc ghe nhỏ để đưa đón cán bộ lãnh đạo qua lại sông Hàn, liên lạc với các cơ sở bí mật ở nội thành.

Căm thù giặc xâm lược, Lê Độ âm thầm tìm hiểu, điều tra số sĩ quan Mỹ thường lui tới ăn uống ở Modern Hotel (nay là khách sạn Bạch Đằng). Sau thời gian theo dõi, chiều 5/4/1965, ông lấy mìn để trong vỏ bọc máy ghi âm, rồi mang đến khách sạn đặt ở phòng lễ tân, mục đích giết chết sĩ quan Mỹ. Sự việc bại lộ, ông bị chúng bắt giam, tra tấn dã man. Ngày 15/4/1965, chúng đem ông ra sân vận động Chi Lăng hành hình, nhằm răn đe, uy hiếp tinh thần người dân.

Khi bọn lính đưa ông từ xe xuống buộc vào cột để chuẩn bị xử bắn, với tư thế hiên ngang, ông hô lớn: “Đả đảo bọn Mỹ cướp nước!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Kẻ địch sợ bị ảnh hưởng đến lòng dân, chúng đưa ông lên xe ra khỏi sân vận động, sau đó đem ông hành hình ở đâu không ai biết. Khi đó, ông mới 24 tuổi. Ngày 20/5/1965, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Thành Đồng hạng II cho ông.

Tiếp tục đánh đuổi giặc xâm lược, ngày 28/3/1968, tại xã Điện Chính (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), Đặc công biệt động Lê Độ được thành lập, mật danh 180. Đây là đại đội biệt động đầu tiên của quận Nhất, trong đội hình chiến đấu của Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà. Với cách đánh độc đáo là đánh nhỏ, đánh hiểm, lấy ít đánh nhiều, gan dạ, nên dù ra đời chưa lâu, đơn vị có nhiều trận thắng lớn làm cho quân địch khiếp sợ.

Từ năm 1968 đến trước ngày 29/3/1975, đại đội chiến đấu hàng trăm trận đánh, trong đó, tiêu biểu là các trận đánh vào Nhà máy Điện Liên Trì, đồn Cổ Mân, căn cứ điểm Cống Tiềm, lập chiến công vang dội trên chiến trường Quảng Đà. Trong những ngày tháng 3/1975, phối hợp chiến đấu với các đơn vị lực lượng vũ trang Quảng Đà, các chiến sĩ đặc công Lê Độ thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, dẫn đường cho các đơn vị chủ lực, góp phần quan trọng vào thắng lợi giải phóng Đà Nẵng ngày 29/3/1975.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ đại đội được điều chuyển đến các đơn vị của địa phương, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Ở đâu và trong điều kiện, hoàn cảnh nào, anh em đều đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2000, Đại đội Đặc công biệt động Lê Độ vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Dù không như Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được nhà văn Trần Đình Vân chấp bút ra đời tác phẩm “Sống như anh” để đời, nhưng 60 năm qua, khi phách Anh hùng Lê Độ vẫn còn vang. Hơn nửa thế kỷ, trong bài hát “Cô du kích Đà Nẵng” của nhạc sĩ, nghệ sĩ ưu tú Thanh Anh, câu “Tiếng mìn Lê Độ khơi tim em bừng sáng”, hành động quả cảm của người anh hùng và vùng đất được nhiều người biết.

Từ năm 1965, qua giọng ca hùng tráng của ca sĩ Trần Khánh hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, tấm gương đặt mìn diệt sĩ quan Mỹ của ông Lê Độ nổi tiếng, lan tỏa nhiều nơi. Họa sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ Vi Quốc Hiệp - người con dân tộc Tày có trí nhớ “trời cho” - thuộc hơn 100 bài hát trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. “Từ năm 1965 (lúc 17 tuổi), bây giờ nhạc sĩ vẫn hát say sưa với tình cảm khâm phục, biết ơn người chiến sĩ biệt động thành Đà Nẵng quả cảm, quên mình vì sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Bài hát này thúc giục tôi và nhiều bạn bè viết đơn bằng máu của chính mình để xung phong nhập ngũ vào miền Nam chiến đấu trả thù cho đồng bào miền Nam, cho Anh hùng liệt sĩ Lê Độ”- Vi Quốc Hiệp chia sẻ.

Năm 1997, nước Cộng hòa XHCN Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Lê Độ. Ghi nhớ công lao và khí phách anh hùng của ông; một trường THCS, một con đường tại quận Thanh Khê (trung tâm TP. Đà Nẵng) mang tên Lê Độ.

N.R

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/con-mai-khi-phach-anh-hung-le-do-a419551.html