Còn mâu thuẫn trong thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Tiếp tục đề cập về những bất cập trong xử phạt vi phạm hành chính (VPHC), chuyên gia pháp luật Phạm Thúy Hạnh cho biết, hiện nay vẫn còn sự chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định về thẩm quyền xử phạt, một số thủ tục xử phạt còn phức tạp.

>> Bài 1: Cần có luật xử phạt vi phạm hành chính

 Thẩm quyền xử phạt VPHC được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, nhưng lại chồng chéo, có trường mẫu thuẫn dẫn đến nhiều vi phạm ở cơ sở không bị xử phạt - Ảnh minh họa

Thẩm quyền xử phạt VPHC được quy định tại nhiều văn bản khác nhau, nhưng lại chồng chéo, có trường mẫu thuẫn dẫn đến nhiều vi phạm ở cơ sở không bị xử phạt - Ảnh minh họa

Còn nhiều mâu thuẫn về thẩm quyền xử phạt

Hiện nay, thẩm quyền xử phạt VPHC được quy định tại nhiều văn bản khác nhau như: Pháp lệnh xử phạt VPHC, Luật Thanh tra và trong rất nhiều Nghị định quy định chi tiết các luật chuyên ngành. Các quy định này chồng chéo, mâu thuẫn lẫn nhau vì cơ quan nào cũng muốn được quyền xử phạt trong lĩnh vực mình quản lý.

Cụ thể, Luật Thanh tra không quy định thẩm quyền của Chánh thanh tra tổng cục, thanh tra cục, nhưng các Nghị định lại quy định. Ví dụ như Điều 42 Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có quy định về thẩm quyền xử phạt VPHC của Thanh tra chuyên ngành Tài nguyên và Môi trường.

Hay như Nghị định 40/2009/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực thú y quy định thanh tra thú y có thẩm quyền xử phạt, nhưng thanh tra thú y mới chỉ có ở cấp Bộ, cấp tỉnh chưa có thanh tra ở cấp huyện, cơ sở nên nhiều vi phạm ở cơ sở đã không bị xử lý.

Nghị định 90/2009/NĐ-CP xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất đã tách thẩm quyền xử phạt về ngành Công Thương, nhưng chức năng, nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực này từ trước đến nay lại thuộc lực lượng quản lý thị trường (Bộ Tài chính).

Pháp lệnh xử phạt VPHC quy định Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh chỉ được xử phạt đến 70 triệu là không phù hợp với Luật Cạnh tranh, những trường hợp phạt cao hơn 70 triệu thì không xử lý được.

Đó là chưa kể, việc thực hiện xử lý vi phạm cũng có nhiều khó khăn. Vì nếu thực hiện đúng thẩm quyền theo luật định thì phần lớn các trường hợp vi phạm ở xã, phường chỉ được lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vi phạm và lập biên bản, rồi báo cáo UBND quận, huyện, khiến cấp quận huyện bị quá tải. Sở dĩ như vậy vì quy định là sau 10 ngày lập biên bản phải ra quyết định xử phạt nên các cơ quan quản lý cứ phải gồng mình lên để xử lý. Còn nếu lập biên bản mà không ra quyết định xử phạt thì sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương.

Nhiều địa phương đã đề nghị nâng mức phạt thuộc thẩm quyền của UBND xã, phường. Vì theo quy định hiện nay, tuy thẩm quyền xử phạt của cấp xã đã nâng lên 2 triệu nhưng cấp xã vẫn không phạt được vì phần lớn các hành vi vi phạm đều có mức phạt cao hơn mức này, nên lại phải chuyển lên cấp quận, huyện để xử phạt.

 Xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất tách thẩm quyền về xử phạt về ngành Công Thương, nhưng chức năng, nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực này từ trước đến nay lại thuộc lực lượng quản lý thị trường (Bộ Tài chính) - Ảnh minh họa

Xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất tách thẩm quyền về xử phạt về ngành Công Thương, nhưng chức năng, nhiệm vụ theo dõi lĩnh vực này từ trước đến nay lại thuộc lực lượng quản lý thị trường (Bộ Tài chính) - Ảnh minh họa

Mặt khác, một hành vi vi phạm có khi lại do nhiều cơ quan cùng xử phạt, chẳng hạn như giao thông, công an, quản lý trật tự đô thị,… Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng này chưa tốt nên tình trạng quyền ai người nấy phạt là chuyện thường xảy ra. Ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện thí điểm Đội quản lý trật tự đô thị trực thuộc UBND quận mới giải quyết được một phần yêu cầu phối hợp.

Thủ tục xử phạt phức tạp

Các quy định hiện hành không thống nhất biểu mẫu giữa các lực lượng được giao thẩm quyền xử lý VPHC. Ngoài ra, thời hiệu xử phạt quy định là 1 năm, nhưng trong trường hợp phức tạp thì chưa có quy định kéo dài thời hiệu.

Hiện nay cũng chưa có hướng dẫn về thủ tục tống đạt quyết định xử phạt VPHC nên thực tế, có nhiều bức xúc từ phía người bị phạt do các cơ quan chức năng chưa làm rõ thủ tục đối với người bị xử phạt, dẫn đến tâm lý người bị phạt nhưng chưa “tâm phục khẩu phục”.

Đặc điểm của xử phạt VPHC là xử phạt nhanh, không phải trải qua các thủ tục tố tụng, chứng minh như xử lý hình sự, nên thủ tục xử phạt phải đơn giản, không mất nhiều thời gian. Do vậy cũng nên bỏ quy định bắt buộc phải có chữ ký của người vi phạm trong biên bản, vì việc này sẽ khó thực hiện được nếu đối tượng vi phạm không chịu ký, không chịu giao tang vật.

Ở các nước phát triển như Đức, Anh, Mỹ cũng không bắt buộc phải ký vào biên bản, chỉ thông báo đến người vi phạm về quyết định xử phạt và lý do xử phạt. Nếu người vi phạm khiếu nại sẽ có bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của cơ quan kiểm tra (như ảnh, camera).

Lại có trường hợp các cơ quan có thẩm quyền khó xử lý người vi phạm, vì đối tượng này không có tiền, không mang giấy tờ tùy thân, trong khi quy định hiện nay là cũng không được tạm giữ người.

Ngoài ra, thời hiệu xử phạt do lỗi của cơ quan Nhà nước không phát hiện được hành vi vi phạm là không phù hợp. Vì thực tế có nhiều hành vi vi phạm do đối tượng cố ý che giấu nên không thể phát hiện để áp dụng thời hiệu xử phạt như: không đăng ký khai sinh, xây nhà không phép,…

Phạm Thúy Hạnh

Chuyên viên Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ

Còn tiếp...

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/con-mau-thuan-trong-tham-quyen-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh/201010/40406.vgp