'Cơn mê cuối cùng': Ranh giới mong manh giữa thiện và ác

'Cơn mê cuối cùng' là một bi kịch đẹp về tình người. Trong vai trò đạo diễn, đạo diễn Ái Như có quyền hướng nội dung câu chuyện đi theo một kết thúc khác. Thế nhưng chị đã chọn phần kết khiến người xem phải suy nghĩ rất nhiều về cái tốt và xấu trong mỗi con người.

Hơn 20 năm trước, đạo diễn Ái Như từng dựng Cơn mê cuối cùng của cố tác giả Ngọc Linh trên sân khấu Tao Đàn. Vài năm sau, chị tái dựng trên sân khấu Idecaf và vở diễn lấy nhiều nước mắt người xem. Khi thành lập sân khấu Hoàng Thái Thanh, chị một lần nữa đưa vở diễn xuất hiện với phiên bản mới mang tên Tục lụy. Giờ đây, vào mùa diễn kỷ niệm, chị lại đưa khán giả vào câu chuyện về đạo lý làm người với một sáng tạo khác mang tên Cơn mê cuối cùng.

Quyết định táo bạo nhưng có suy xét

Trong bản dựng đầu tiên, đạo diễn Ái Như đã mời nghệ sĩ Thành Hội vào vai Út Hơn. Tuyết Thu hồi ấy là một diễn viên triển vọng vào vai Mận, và một nam diễn viên trẻ tài năng khác là Thái Quốc vào vai Sáu Thôi. Hiện tại nghệ sĩ Thành Hội đồng điều hành sân khấu Hoàng Thái Thanh cùng đạo diễn Ái Như, còn hai diễn viên trẻ ngày xưa vẫn gắn bó với sân khấu này. Vậy nên đạo diễn Ái Như đã mời NSƯT Tuyết Thu trở lại vai diễn của hai thập kỷ trước.

NSƯT Tuyết Thu bộc bạch: “Khi nghe chị Ái Như đưa ra lời đề nghị này, tôi giật mình và từ chối. Tôi không tự tin khi hóa thân vào nhân vật Mận có tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Chị Như đã lý giải rằng đây là mùa diễn kỷ niệm của sân khấu Hoàng Thái Thanh và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Chị muốn cùng khán giả ôn lại những xúc cảm một thời nên muốn tôi trở lại, thay vì chọn một nữ diễn viên trẻ. Tôi gặp áp lực lớn suốt thời gian tập, nhưng may thay ở suất diễn đầu tiên khán giả đã chấp nhận. Dù vậy, tôi vẫn chưa tự tin và hồi hộp chờ đợi những suất diễn tiếp theo”.

Đoàn Minh Tài có sự hóa thân giàu cảm xúc và NSƯT Tuyết Thu đã chứng minh chị là lựa chọn có lý của đạo diễn

Đoàn Minh Tài có sự hóa thân giàu cảm xúc và NSƯT Tuyết Thu đã chứng minh chị là lựa chọn có lý của đạo diễn

Thực ra, khi Cơn mê cuối cùng với bản dựng tên Tục lụy diễn ra tại Hoàng Thái Thanh hồi 10 năm trước, đạo diễn Ái Như đã chọn hai cô đào trẻ Hoàng Vân Anh và Như Yến. Điều này cho thấy rằng chị quan tâm đến lứa tuổi của nhân vật và có suy xét kỹ lưỡng trước khi chọn diễn viên. Chính vì thế, việc chọn Tuyết Thu vào vai Mận dù là một quyết định táo bạo, có phần mạo hiểm với cảm nhận khán giả, nhưng nhân dáng thon gọn và sự hóa thân đầy cảm xúc của Tuyết Thu cho thấy đạo diễn có lý. Nói cách khác, diễn xuất của chị đã làm cho người xem quên đi giới hạn tuổi tác.

Dàn dựng ấn tượng, diễn xuất thăng hoa

Cả 4 bản dựng của đạo diễn Ái Như về vở kịch này đều có sự khác nhau. Ở Cơn mê cuối cùng năm 2024, chị đã đưa vào câu chuyện bối cảnh sông nước với bờ sông, chiếc xuồng. Nhờ thế khán giả hình dung rõ hơn tình huống ông Hai Khương (Trí Quang) lao xuống dòng sông chảy xiết cứu người sắp chết đuối. Ái Như đã sử dụng tia laser để tạo ra không gian 3D miêu tả vòng xoáy của dòng nước và qua đó người xem liên tưởng đến vòng xoáy nghiệt ngã của cuộc đời. Chị sử dụng tấm lưới đánh cá chụp vào người ông Hai Khương khiến ông hốt hoảng, giẫy giụa và ngay đó vang lên lời hát “Tiến thoái lưỡng nan, đi về lận đận/ Tình đôi ngập ngừng, tiến thoái lưỡng nan” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Điều này đã tạo thêm hiệu ứng cảm xúc rất mạnh cho người xem.

Là một vở kịch đã được nhiều thế hệ xem qua, nhưng với sự trở lại lần này, đạo diễn Ái Như đã rất dụng công để cho dù khán giả có biết trước nội dung thì vẫn bị cuốn theo một cách vô thức. Để rồi tới tình huống bà Hai Khương (Ái Như) không nén được nỗi đau và ngã vật xuống giường, cộng hưởng vào đó là sự đau khổ trên gương mặt Hai Khương, sự ngơ ngác và uất ức của Út Thôi (NSƯT Thành Hội), nỗi bàng hoàng trên gương mặt Dũng (Đoàn Minh Tài) đã đẩy vở diễn lên cao trào. Những hàng nước mắt của khán giả đã tuôn xuống như đã từng xảy ra hồi nhiều năm trước.

Nếu như NSƯT Thành Hội quá thật trong tính cách khờ khạo và tưng tửng, Ái Như sâu lắng trong vai bà Hai Khương, Trí Quang giàu cảm xúc trong vai ông Hai Khương, thì lần này Đoàn Minh Tài rất xuất sắc trong vai Dũng. Đây là vai diễn đầu tiên mà Minh Tài giữ được mạch cảm xúc liên tục, tạo nên dấu ấn đặc biệt trong suốt nhiều năm đứng trên sân khấu Hoàng Thái Thanh.

NSƯT Thành Hội rất thật trong tính cách khờ khạo, tưng tửng với vai Út Hơn

NSƯT Thành Hội rất thật trong tính cách khờ khạo, tưng tửng với vai Út Hơn

Trong một vở kịch hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào, điều cuối cùng để lại dấu ấn trong tâm trí khán giả vẫn là cảm xúc. Xem một vở diễn mới, có nội dung tốt với dàn diễn viên hùng hậu mà cách kể chuyện không tạo nên sự xúc động thì cũng không thể xem là thành công. Ngược lại, tái dựng vở cũ luôn có một thách thức là phải làm hấp dẫn hơn. Vì thế, nếu khán giả vẫn cảm động với kịch bản cũ thì đó là vở diễn hay và đạo diễn Ái Như đã đáp ứng được kỳ vọng người xem.

Cơn mê cuối cùng là một bi kịch đẹp về tình người. Trong vai trò đạo diễn, đạo diễn Ái Như có quyền hướng nội dung câu chuyện đi theo một kết thúc khác. Thế nhưng chị đã chọn phần kết khiến người xem phải suy nghĩ rất nhiều về cái tốt và xấu trong mỗi con người, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày nay người ta luôn phán xét, chỉ trích nhau mà thiếu sự bao dung và cảm thông.

Nguyễn Huy

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/con-me-cuoi-cung-ranh-gioi-mong-manh-giua-thien-va-ac-223897.html