'Con mong bố mẹ đừng mãi vô cảm với nhau trong căn nhà của mình'

Nhiều cặp vợ chồng nghĩ rằng, con mình còn nhỏ nên khó nhận ra mâu thuẫn của bố mẹ, và họ càng sai lầm khi nghĩ rằng không to tiếng thì con không nhận ra bố mẹ đang có mâu thuẫn.

Con bị khủng hoảng từ chính sự vô cảm của bố mẹ

"Con mong bố mẹ đừng mãi vô cảm với nhau trong căn nhà của mình", đây là lời tâm sự của một cô gái trẻ khi đã kết nối với chuyên gia tâm lý, tình cảm Mai Chi, Giảng viên Đại học Đông Đô trong một buổi tối cuối tuần.

Chị Mai Chi kể, trong một lần khi điện thoại đã kết nối đến vài phút, nhưng phía bên kia đầu dây vẫn là sự im lặng, nhưng chuyên gia tâm lý Mai Chi nghe rõ tiếng thút thít và cố nén nghẹn ngào của cô gái trẻ. Phải mất vài phút, chuyên gia Mai Chi nhẹ giọng làm quen và sẵn sàng lắng nghe. Cô bé giới thiệu tên là Nguyễn Thị Ngân, đang học lớp 11 kèm theo tiếng nấc nghẹn.

“Không như nhiều cô cậu khác, vấn đề của Ngân là cần người để trò chuyện, giãi bày nỗi lòng thầm kín của mình. Qua trò chuyện, tôi thấy cô bé Ngân thực sự thiếu tình thương yêu của bố mẹ, mặc dù bố mẹ Ngân vẫn chung sống một nhà, nhưng họ không hề giao tiếp với nhau. Bố mẹ Ngân duy trì “chiến tranh lạnh” trong nhà nhiều năm nay rồi, họ sống như vậy là vì cô con gái duy nhất là Ngân”.

Ngân tâm sự: "Cuộc sống của con và gia đình không thiếu gì, con học trường Quốc Tế, mỗi năm bố mẹ đóng học phí cho con mấy trăm triệu đồng. Con được bố mẹ đáp ứng đủ đầy tất cả những thứ con muốn. Quanh năm con ăn cơm một mình, thích ăn gì gọi nấy, bố mẹ con tuy sống chung một nhà nhưng họ là 2 thế giới khác nhau, họ đều có 1 ai đó ở bên ngoài cho riêng mình. Cách mà họ yêu thương con là chu cấp cho con đầy đủ. Nhưng con luôn cảm thấy ức chế, giá như bố mẹ con bỏ nhau, ly hôn thì con đỡ thấy sự giả dối trong họ. Con cảm thấy mỗi khi bố mẹ về nhà với thái độ dửng dưng khi nhìn nhau cùng mâm cơm, dường như họ quen lừa dối nhau và “đóng kịch” lừa dối cả con ngay khi gặp mặt nhau trong nhà. Con không bị bố mẹ mắng, không bị ai đánh roi, mà con vẫn bị khủng hoảng tinh thần từ sự vô cảm của bố mẹ con”.

“Đôi lúc con mong bố mẹ con cãi nhau to đi, xem họ nói với nhau những gì, hoặc khi nào họ bỏ nhau? Con không biết mình phải sống trong cảnh bố mẹ mẫu thuẫn tình cảm thế này đến bao giờ? Con thật sự cần một lời trao đổi từ bố mẹ con. Con sợ cảm giác cô đơn, sợ sự bỏ mặc, thờ ơ với nhau của cha mẹ con. Con không biết có nên trách họ hay không, bởi thực sự bố mẹ không cho con biết lý do tại sao gia đình con lại khủng hoảng và cứ kéo dài như thế này?. Con rất sợ sự im lặng đến vô cảm của bố mẹ con, lúc này con cảm thấy như mình không thể tập trung học tập được nữa. Trong khi con cũng sắp kết thúc năm học cuối cấp 3, rồi đến khi đi Đại học xa nhà, không biết khi con rời nhà đi và trở lại, thì căn nhà con sẽ mang bộ mặt đau thương, tồi tàn đến thế nào?” – Ngân nghẹn ngào chia sẻ.

Chuyên gia tâm lý Mai Chi

Cha mẹ đừng cho rằng con mình vẫn còn nhỏ

Chuyên gia tâm lý Mai Chi cho rằng: Khi lắng nghe một cô bé chỉ bằng tuổi con mình chia sẻ nỗi đau mất mát như Ngân, tôi cảm thấy vô cùng tiếc nuối và đau xót.

Cuộc sống trong dư dả tiền bạc nhưng cô bé lại luôn cảm thấy bất an, chông chênh thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, lẽ ra bố mẹ cô bé cần chia sẻ, tâm sự, làm bạn với con, định hướng cho con những bước đi vững chắc cho tương lai phía trước. Nhưng với sự ảnh hưởng của bạo lực tinh thần từ cha mẹ kéo dài nhiều năm, khiến cô bé Ngân rơi vào trạng thái vừa lo âu, vừa bất cần.

Những thứ vật chất, tiền bạc mà bố mẹ cố bé Ngân cho rằng đã chu cấp đủ cho con gái mỗi ngày, nhưng sống trong một gia đình lặng lẽ không có tiếng cười, nguội lạnh về tình cảm gia đình. Mái ấm đã thành mái lạnh từ nhiều năm qua càng tác động vào cô bé ở tuổi mới lớn, đủ nhạy cảm để bứt rứt, nhưng lại chưa đủ tinh tường để tự mình vượt qua biến cố của gia đình, của bố mẹ mang lại. Điều đó, càng khiến Ngân thấy tủi thân, vì cái cô bé cần và chờ đợi bao năm qua là sự ân cần của cha mẹ, là sự ấm áp của căn nhà, của mỗi bữa cơm chiều có đủ cả nhà quây quần bên nhau.

Theo chuyên gia tâm lý Mai Chi: Nhiều cặp vợ chồng nghĩ rằng con mình còn nhỏ, chúng khó nhận ra mâu thuẫn của bố mẹ, và họ càng sai lầm khi nghĩ rằng không to tiếng thì con không nhận ra bố mẹ đang có mâu thuẫn.

Theo chuyên gia Mai Chi, nhiều cặp vợ chồng sai lầm khi nghĩ rằng bố mẹ không to tiếng thì con không nhận ra bố mẹ đang có mâu thuẫn.

Nhận thức này của bố mẹ khiến họ càng yên tâm che đậy sự mâu thuẫn thật lâu để con mình không buồn, nhưng thực tế con trẻ rất tinh tế và nhạy cảm. Chỉ cần một vài diễn biến nhỏ của bố mẹ khiến chúng rất khổ tâm, không biết chuyện gì đang xảy ra. Thương hơn là chúng không nói được ra, cũng không biết nói gì, nói với bố hay mẹ, bởi vấn đề đó của bố mẹ con không thể gọi tên được.

Cũng như bố mẹ, con cái âm thầm chịu cơn đau tinh thần rất dài lâu mà không biết khi nào kết thúc. Việc học hành, tâm lý của con bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng dần mất niềm tin vào chính bố mẹ mình.

Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy đừng xem con cái mình như một đứa trẻ, chỉ cần cho ăn, mặc, đáp ứng mọi vật chất là đủ. Cái các con cần như một chất liệu để nuôi dưỡng tính cách và tâm hồn chính là tình thương yêu, gắn bó của các thành viên trong gia đình với nhau. Nếu con đã hiểu chuyện nên mạnh dạn chia sẻ với con, biết đâu con lại là người thích hợp nhất giúp bố và mẹ nhận diện ra cái nên và không nên của cha mẹ.

Hải Linh

Tin liên quan Bạo lực nơi công cộng và câu chuyện văn hóa ứng xử
Điểm tựa của những người bị bạo lực gia đình
Gia đình - Nơi vun trồng cho nhân cách con trẻ

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/con-mong-bo-me-dung-mai-vo-cam-voi-nhau-trong-can-nha-cua-minh-d201626.html