Còn ngày nào cho phái nam?

Không phải cứ phụ nữ là phái yếu, cứ nam giới là phái mạnh. Phụ nữ cũng có lúc cần mạnh mẽ và nam giới cũng có lúc có quyền mềm yếu. Không chỉ phụ nữ được yêu thương, được tặng quà trong ngày 20/10, hay dịp mùng 8/3, nam giới cũng cần được như vậy, bởi không có họ, phụ nữ chúng ta tồn tại có nghĩa lý gì.

Gần đến ngày 20/10, dường như chị em ở cơ quan nào, trong những lúc rảnh rỗi cũng bắt đầu bàn tán về quà. “Ai có quà ngày 20/10 chưa?”, “Chồng em mà không đòi thì đừng hòng, năm nào cũng phải nhắc mỏi mồm”, “Có khi anh ấy quên mất”, “Cứ nhìn đứa bạn mà thèm, năm nào chồng cũng tặng quà hàng hiệu lại còn bó hoa rõ sang”…

Sợ bị “một nửa thế giới” ném đá, nên Hường không dám bật ra câu hỏi đang hiện lên trong đầu: Từ bao giờ ngày 20/10, như cách nói nôm na quen thuộc là “ngày chị em phụ nữ vùng lên” lại trở thành ngày mỏi cổ chờ quà như vậy? Không ít người chờ với sự hồi hộp, lo lắng kiểu “liệu mình có quà hay không, mấy đứa bạn có hết rồi”, hay “quà của mình liệu có được sang chảnh như chị ấy và cô ấy hay không…”.

Hường đã từng thấy trước mỗi dịp 8/3 hay 20/10, nhiều anh bị vợ hoặc người yêu nhắc quà. Các cô phải nhắc trước để đúng ngày đó là có cái chụp ảnh đăng Facebook cho bằng bạn bằng bè. Có anh dù bận mấy thì bận, chậm nhất trước một ngày là đã có quà “sang, xịn, mịn” cho bạn gái để cô khỏi có cảm giác mình không được tôn vinh.

Một người bạn của Hường bảo: "Tôi thấy chuyện ngóng quà kiểu này không đúng 'tinh thần Bà Trưng, Bà Triệu' tí nào, vì nó cứ mang tính thụ động thế nào ấy. Tôi có cảm giác nhiều chị phải nhận được quà, và quà phải sang, phải đắt thì mới thấy mình được trân trọng, nếu không sẽ tủi thân và tự ti. Như vậy, chẳng phải các chị đang tự đặt mình dưới sự đánh giá, ban phát của đàn ông hay sao?

Anh ấy còn bảo: Các chị em cứ đòi bình đẳng giới. 8/3, 20/10 là ngày của nữ giới, vậy nam giới chúng tôi có ngày nào? Các chị em cứ luôn miệng đòi "bình đằng giới" nhưng lại luôn nhận mình là phái yếu, cần được "nâng niu và chiều chuộng". Như thế thì bình đẳng ở đâu? Nghe chia sẻ của anh ấy thì Hường cũng phần nào cảm thông cho phái nam. Dù không “dài cổ ngồi chờ quà” như các chị các em vẫn thường làm thì Hường cũng cảm nhận được những áp lực của các anh trong những dịp mùng 8/3 hay là 20/10.

Hường không nghĩ rằng bình đẳng giới có nghĩa là đàn ông làm gì thì phụ nữ cũng phải làm nấy. Giới nam hay giới nữ đều có những đặc điểm của riêng giới mình. Đàn ông và phụ nữ sinh ra đã có những thiên chức riêng. Bình đẳng giới ở đây không phải bắt đàn ông là phụ nữ, và ngược lại không buộc phụ nữ phải làm những việc như đàn ông. Hường cho rằng, bình đẳng giới là phái nam và phái nữ có đủ điều kiện để phát triển tốt nhất những đặc điểm của giới mình. Đấu tranh cho bình đẳng giới là đem lại tự do lựa chọn cho mọi người, mở rộng điều kiện để có thể làm được những điều mình muốn mà không bị giới hạn bởi giới tính, không bị gò bó trong rào cản xã hội, hay định kiến.

Dù rằng phụ nữ xưa nay đều mang cái hay, cái đẹp và cả năng lực tiềm tàng. Những gì đàn ông làm được, phụ nữ đều có thể làm được. Nhưng nếu đàn ông làm gì, phụ nữ làm nấy thì còn cần phân chia giới nam và giới nữ để làm gì? Ngày xưa, khi đất nước lâm nguy, giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh. Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi đuổi giặc. Chị Út Tịch “còn cái lai quần cũng đánh”. Họ trở thành những tượng đài bất tử trong lòng dân. Nhưng sâu thẳm lòng mình, Hường vẫn luôn cầu mong chị em phụ nữ chúng ta không bao giờ phải làm việc đó.

Hường khâm phục những chị em lên võ đài đấm boxing, ra sân cỏ bung sức trổ tài, tranh đua cùng quả bóng tròn. Nhưng Hường vẫn ước mong các chị em có cơ hội được dành nhiều hơn tâm sức theo thiên chức của giới mình, và được dịu dàng, được xinh đẹp, được thăng hoa nữ tính, được yêu thương và được chăm sóc, yêu thương. Hường không mong chị em sinh ra để phải đi đánh trận, hay phải gánh vác những trọng trách thuộc về thiên chức của đàn ông.

Bình đẳng giới không phải là san bằng hay đánh đồng giới tính và càng không phải chăm chăm hô hào đua tranh chồng hơn vợ, vợ hơn chồng. Đó là sự tôn trọng lẫn nhau, là cộng đồng trách nhiệm và cùng sẻ chia. Trong một gia đình, sáng, vợ chồng cùng nhau đi làm, chiều về, vợ chồng cùng làm việc nhà, cùng chăm sóc và nuôi dạy con cái, cùng chia sẻ những chuyện buồn vui. Hường đã chứng kiến rất nhiều người chồng vui vẻ chia sẻ việc nhà với vợ. Ở nhà của Hường cũng như vậy. Thậm chí, mỗi khi mình bận việc cơ quan, chồng còn làm hết việc nhà giúp mình. Chúng ta không thể đem bình đẳng lên bàn cân. Không phải chồng sao ta vậy, mà bình đẳng là ở trong cách sắp xếp của mỗi người, mỗi gia đình sao cho hợp lý nhất, phù hợp nhất với mỗi người.

Không phải cứ đàn bà là phái yếu, cứ đàn ông là phái mạnh. Đàn bà cũng có lúc cần mạnh mẽ và đàn ông cũng có lúc có quyền được yếu mềm. Không chỉ có mỗi phụ nữ được yêu thương, được tặng quà trong ngày 20/10, trong dịp mùng 8/3. Đàn ông cũng cần được như thế. Không có ta làm sao có họ, và chiều ngược lại, không có họ ta tồn tại có nghĩa lý gì. Chính Hường, sẽ tặng quà cho “một nửa của mình”, và cậu con trai yêu quý nhân ngày 20/10 năm nay. Bởi vì có họ, Hường mới có cơ hội để sống đúng với thiên chức của một người phụ nữ./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/con-ngay-nao-cho-phai-nam-198617.htm