Con nghỉ tết Nguyên đán ngắn ngày, phụ huynh 'đau đầu' chuyện ăn tết ở đâu?
Thời gian nghỉ tết Nguyên đán chỉ 9 ngày khiến nhiều gia đình phải thay đổi kế hoạch, đắn đo đưa con về quê thăm người thân hay ở lại thành phố.
Lịch nghỉ tết của học sinh TP.HCM được Sở GD&ĐT lên kế hoạch từ đầu năm, phù hợp với lịch nghỉ tết của người lao động.
Thời gian nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của 1,7 triệu học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT tại TP.HCM bắt đầu từ ngày 25-1-2025 (26 tháng Chạp) đến hết ngày 2-2-2025 (mùng 5 tháng Giêng). Như vậy, học sinh TP.HCM được nghỉ tết tổng cộng 9 ngày, ít hơn 7 ngày so với tết Nguyên đán 2024.
Một số phụ huynh cho rằng lịch nghỉ tết của học sinh trùng với lịch nghỉ tết của người lao động là phù hợp. Nếu học sinh nghỉ dài hơn sẽ gây khó cho phụ huynh trong việc thu xếp đi làm. Bên cạnh đó, nếu người lao động nghỉ tết dài ngày quá cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, mỗi người nên tự thu xếp hoàn cảnh riêng của mình vì cái chung.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, vẫn có nhiều ý kiến mong mỏi học sinh được nghỉ dài ngày hơn, đặc biệt là với những phụ huynh có quê xa muốn đưa con cái về dịp tết.
Nghỉ tết ngắn ngày, làm gì cũng khó
Mặc dù kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2025 của các con ngắn hơn mọi năm, nhưng chị Nhi Nguyễn (quận 12) vẫn quyết định sắp xếp cả nhà về quê do năm nay mừng thọ bố chị.
Từ TP.HCM về Nghệ An vào những ngày cận tết, giá vé rất mắc lại khó mua. Cụ thể, vé máy bay một chiều gần 4 triệu đồng/vé, vé tàu giường nằm cùng gần 3 triệu đồng/vé, vé xe khoảng 2 triệu đồng. Để tiết kiệm chi phí, chị cho hay sẽ xin cho con nghỉ học sớm hơn so với lịch nghỉ của trường 3 ngày để về quê cùng người quen, vợ chồng chị sẽ về sau.
“Quê xa, đi lại mất nhiều thời gian, nhưng vì công việc quan trọng nên gia đình vẫn về. Hai năm rồi tôi mới có dịp về quê nên sẽ tranh thủ ở lại thêm với bố mẹ. Trong khi đó, hai đứa nhỏ sẽ vào TP.HCM trước với dì để mồng 6 tết đến trường. Nếu các con được nghỉ dài như mọi năm thì hay biết mấy” - chị Nhi chia sẻ.
Tết này chị Phạm Anh cũng về quê đón tết với hai bên gia đình nội và ngoại ở Lâm Đồng. "Lịch nghỉ tết Nguyên đán của con ít nên việc đi lại khá vất vả" - chị Anh nói.
Dù các con được nghỉ học từ 26 tháng Chạp nhưng vì say xe, chị Anh phải chờ chồng đến 28 tết mới về. "Tết năm nay không có 30 nên tôi chỉ ở nhà nội khoảng 2 ngày rồi đến tối mồng 1 lại bắt xe qua ngoại, ở đến sáng mồng 5 thì đặt xe về lại TP" - chị Anh nói về kế hoạch ăn tết của mình.
Chị Phương Nguyễn, quận Gò Vấp bày tỏ: “Nghỉ tết Nguyên đán ngắn ngày nên gia đình tôi sẽ không về quê bởi giá vé về Nghệ An rất “chát”, lại được nghỉ ngơi ít ngày nên khá mệt”.
“Năm ngoái là 1 cái tết đáng nhớ với gia đình vì các con được nghỉ dài ngày, tận hưởng cái tết ở quê bên người thân mà không phải vội vã chia tay ông bà để vào sớm. Trong khi giá vé tết lúc nào cũng cao ngất, mỗi lần về là một lần khó nên ở được thêm vài ngày bên cạnh bố mẹ già, tôi sẽ thấy thoải mái hơn. Lịch nghỉ tết của năm sau, tôi mong cả người lao động và học sinh đều được nghỉ tết dài hơn. Tôi sẵn sàng làm bù các ngày bình thường trong năm để được nghỉ tết dài ngày về thăm quê. Tết này nghỉ ngắn ngày quá nên cả nhà tôi sẽ dạo loanh quanh thành phố chứ không về quê” - chị Phương nói.
Nghỉ tết 2 tuần là phù hợp
Thầy GVH, giáo viên tại một trường THCS ở quận 1 cũng khá tâm tư khi kỳ nghỉ tết không được dài như mọi năm.
“Tết năm nào tôi cũng dành thời gian đưa gia đình đi du lịch, năm nay cũng không ngoại lệ. Ban đầu tôi tính đi du lịch Ấn Độ, nhưng do nghỉ ít ngày nên phải chuyển sang Hồng Kông, song đi lại cũng rất cập rập” - thầy H nói, đồng thời cho rằng kỳ nghỉ tết dài 2 tuần sẽ phù hợp hơn.
“Vì sao sinh viên có thể nghỉ tết nguyên 1 tháng trong khi học sinh chỉ nghỉ hơn 1 tuần? Có người nói học sinh nghỉ lâu sẽ lơ là việc học theo tôi là không đúng. Bởi quá trình nghỉ tết là cơ hội để các em học về lòng biết ơn, nhớ nguồn cội. Sau tết, thầy cô luôn có cách khởi động lại không khí học tập để các em bắt nhịp được ngay” - thầy H nói.
Chị Hồng Loan (quận 7) bày tỏ: "TP.HCM là nơi dân cư tứ xứ đổ về lập nghiệp, hầu như ai cũng có quê xa, tết muốn về thăm quê. Thời gian tết chỉ có 9 ngày mà vé tàu xe, máy bay đi lại thì đắt đỏ. Ai có quê ở miền trung muốn đưa con cái về thăm ông bà thì phải mất hơn chục triệu mà chỉ ở chơi được vài ngày thì tiếc quá.
Trong kế hoạch nghỉ tết năm sau, tôi mong ngành giáo dục cho học sinh được nghỉ dài hơn, khoảng 2 tuần. Với những gia đình có bố mẹ là công viên chức, người lao động mà có các con từ cấp trung học cơ sở trở lên thì ba mẹ cứ vào làm việc trước, các con có thể ở quê chơi dài ngày hơn, tự đi tàu hoặc máy bay vào sau cũng tốt mà!".
Về vấn đề này, một cán bộ của Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, sở dĩ những năm trước lịch nghỉ tết dài do ngày bắt đầu kỳ nghỉ rơi vào thứ hai, hoặc cũng có năm mùng 6 Tết vào giữa tuần nên Sở GD&ĐT kết hợp các ngày nghỉ cuối tuần để kéo dài thời gian tạo điều kiện cho các gia đình trong việc vui chơi Tết.
Tuy nhiên, năm nay mùng 6 Tết bắt đầu vào thứ hai rất khó để nghỉ thêm 1 tuần, hơn nữa nếu cho học sinh đi học giữa tuần cũng khó, kiến thức cũng không trọn vẹn do bị đứt quãng.
Mặt khác, từ ngày 5-9 đến 31-5 có 268 ngày với 38 tuần, trong đó 35 tuần thực dạy, 2 tuần dự phòng cho các hoạt động khác (nghỉ giỗ Tổ, nghỉ tết dương lịch, nghỉ lễ 30-4 và 1-5...) và 1 tuần nghỉ tết. Nếu cho học sinh nghỉ thêm 1 tuần e là sẽ không đủ thời gian cho kế hoạch còn lại của năm học.
Vị này cũng cho biết thêm, theo quy định hiện hành, trong năm học học sinh được nghỉ có phép không quá 45 ngày. Do đó, nếu có nhu cầu, phụ huynh có thể xin cho con nghỉ thêm để phù hợp với lịch trình của gia đình.