Con người đã bước qua giới hạn có thể cứu được Trái đất?

Một số chuyên gia lo ngại chúng ta đã vượt qua quá nhiều ranh giới hành tinh xanh chịu đựng được và có thể đã quá muộn để cứu Trái đất.

Tại Russkoye Ustye, ngôi làng Siberia bên bờ Bắc Băng Dương, người dân thường lái xe đi trượt tuyết vào tháng 6. Nhưng vào thời điểm này năm ngoái, nhiệt độ tại Ustye nhảy lên tới 31 độ C.

“Thiên nhiên đang trả thù chúng ta. Có lẽ thế. Chúng ta đã đối xử với thiên nhiên quá tàn nhẫn”, trưởng làng Sergei Portnyagin nói.

Nhiệt độ ở Siberia – nơi lạnh giá nhất thế giới tăng nhanh nhiều năm qua. Dù vậy, người dân ở đây vẫn chưa thể thích ứng với nắng nóng ở nơi vốn tưởng chỉ có băng giá.

Cách Bắc Cực 650 km, xa hơn Anchorage là thị trấn Verkhoyansk – nơi nổi tiếng với cái lạnh cắt da cắt thịt với mức nhiệt kỷ lục - 32 độ C được ghi nhận vào năm 1892.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 6/2020, thang đo nhiệt kế tại thị trấn này chạm mốc 38 độ C – mức nhiệt kỷ lục từng được ghi nhận ở Vòng Bắc Cực.

“Những điều rất kỳ lạ đang xảy ra ở đây. Mặt đất đóng băng đang tan. Thực vật, động vật và con người ở đây không quen với sức nóng lớn như vậy”, Roman Desyatkin, nhà khoa học tới từ Siberia cho hay.

Cháy rừng ở Bắc Cực

Tại Bắc Cực nói chung, nhiệt độ không khí đã tăng lên với tốc độ gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu.

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy cháy rừng diễn ra ở Bắc Cực. (Ảnh: NASA)

Ảnh chụp vệ tinh cho thấy cháy rừng diễn ra ở Bắc Cực. (Ảnh: NASA)

Sóng nhiệt và nhiệt độ mùa hè cao đang đẩy nhanh quá trình tan chảy của băng vĩnh cửu Bắc Cực. Khi nhiệt độ tăng lên, các cấu trúc bên trong lớp băng này bắt đầu lỏng lẻo và tan chảy. Đây là một phần nguyên nhân cho sự cố tràn dầu thảm khốc xảy ra ở Siberia hồi tháng 6/2020 khi một bể chứa nhiên liệu sụp đổ và xả ra hơn 21.000 tấn nhiên liệu, dẫn tới sự cố tràn dầu lớn nhất từng có ở Bắc Cực.

Nền nhiệt cao cũng thổi bùng lên các đám cháy tàn phá vòng Bắc Cực.

Theo nhà địa lý học môi trường Thomas Smith tới từ Trường Kinh tế London (Anh), nhiệt độ cao không chỉ biến thảm thực vật mà cả đất đai thành nhiên liệu châm ngòi cho đám cháy.

Ông Smith cho biết dữ liệu vệ tinh về khu vực thu thập từ năm 2003 cho thấy lượng khí nhà kính do các đám cháy ở Bắc Cực trong tháng 6/2019 và tháng 6/2020 đã vượt tổng lượng khí thải ghi nhận trong các tháng 6 từ năm 2003-2018. Chuyên gia này cho rằng quy mô những vụ hỏa hoạn ở Bắc Cực trong tương lai có thể lên mức chưa từng có.

Đã quá muộn để cứu Trái đất?

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng con người đang sử dụng nhiều hơn 60% tài nguyên sinh vật so với khả năng Trái đất có thể tái tạo, nhiều như thể chúng ta sống trên 1,6 hành tinh và đang trên đà cần đến tài nguyên của 2 Trái đất trước năm 2050.

Theo các nhà khoa học, Trái đất đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trong lịch sử và điều này đồng nghĩa 75% chủng loài sẽ biến mất vĩnh viễn.

“Khi các bạn nhận ra chúng ta đã tiêu diệt 50% sinh vật hoang dã trên Trái đất trong 40 năm qua thì chỉ

một phép tính không quá phức tạp. Với đà này, Trái đất sẽ sớm không còn lại gì”, chuyên gia Anthony Barnosky, Đại học Stanford (Mỹ) cảnh báo.

Bất chấp những con số đáng báo động trên, nhiều quốc gia, nhiều cộng đồng, nhiều đất nước vẫn thờ ơ trước tác hại của biến đổi khí hậu.

Tốc độ tuyệt chủng của một số loài động, thực vật tăng nhanh do tác động của con người. (Ảnh: Getty)

Tốc độ tuyệt chủng của một số loài động, thực vật tăng nhanh do tác động của con người. (Ảnh: Getty)

Theo Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), nếu lượng khí phát thải tiếp tục ở mức hiện tại, Trái Đất có thể nóng lên từ 3,4-3,9 độ C vào cuối thế kỷ 21.

Trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 8/2019, cựu ứng viên Tổng thống Mỹ Andrew Yang khẳng định chúng ta đã muộn mất 10 năm để cứu Trái Đất khỏi biến đổi khí hậu.

"Ngay cả khi chúng ta hạn chế đáng kể lượng khí thải toàn cầu, Trái Đất vẫn sẽ tiếp tục ấm lên. Chúng ta quá muộn rồi. Chúng ta đã trễ mất 10 năm. Có lẽ chúng ta phải làm mọi thứ để bắt đầu đưa khí hậu đi về đúng hướng, nhưng tôi nghĩ điều cần làm bây giờ là mọi người hãy bắt đầu di chuyển đến sống ở những vùng đất cao hơn để bảo vệ bản thân và gia đình mình", ông Yang nói.

Nhiều người chỉ trích ông Yang là một tay mơ về môi trường khi đưa ra tuyên bố hồ đồ trên. Tuy nhiên, nhà hải dương học Josh Willis của NASA dẫn ra các dữ liệu để chứng minh nhận định của Yang là hoàn toàn có căn cứ.

“Chúng ta có đủ băng ở Greenland để tăng mực nước biển lên 7,5 m nữa. Một khối băng khổng lồ đủ để tàn phá các bờ biển trên khắp hành tinh. Con người nên rút lui khỏi bờ biển nếu không muốn bị nước biển nhấn chìm trong một hay hai thế kỷ tới", ông này cho hay.

Một nghiên cứu công bố hồi tháng 7 cho thấy Greenland đang trải qua tình trạng tan băng với tốc độ nhanh chóng, trong lúc nhiệt độ khu vực nóng lên hơn 10 độ C so với mức độ bình thường trong những năm trước.

Hiện tại, băng Greenland đang tan với tốc độ nhanh nhất trong vòng 12.000 năm qua và băng biến mất với tốc độ khoảng 1 triệu tấn/phút trong năm 2019. Nếu toàn bộ băng Greenland bốc hơi, mực nước biển sẽ dâng cao hơn từ 6 đến 7 m.

Các nhà nghiên cứu tới từ Viện Khoa học và Công nghệ Massachusetts (MIT) cũng dự báo tương lai chết chóc đang chờ đón Trái Đất với sự gia tăng của lượng carbon thải ra khí quyển. Kết luận này được đưa ra dựa trên số liệu thu được qua nghiên cứu 5 cuộc đại tuyệt chủng đã xảy ra trong 540 triệu năm qua.

"Sự xáo trộn trong chu kỳ carbon tự nhiên thông qua bầu khí quyển, đại dương, đời sống động thực vật đóng vai trò quan trọng trong sự khởi phát của cuộc đại tuyệt chủng", giáo sư Daniel Rothman từ MIT cho biết.

Thế hệ cuối cùng chứng kiến băng bao phủ vào mùa hè ở Bắc Cực

Trong một cuộc khảo sát do Ipsos Mori thực hiện cách đây vài tháng, 73% số người được hỏi tin rằng con người đã đẩy Trái Đất đến giới hạn nguy hiểm và cần phải hành động gấp để cứu hành tinh.

Các khối băng lớn tại Greenland đang tan với tốc độ rất nhanh. (Ảnh: Getty Images)

Các khối băng lớn tại Greenland đang tan với tốc độ rất nhanh. (Ảnh: Getty Images)

Khảo sát này được đưa ra vài tháng sau khi Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) công bố báo cáo, trong đó cảnh báo biến đổi khí hậu là “không thể tránh khỏi và không thể đảo ngược” do các hoạt động của con người.

Hồi tháng 6, một nhóm các nhà khoa học khẳng định Trái đất có thể đã đi tới đến điểm không thể quay trở lại của tình trạng ấm lên toàn cầu.

"Thật đau lòng khi biết rằng chúng ta có thể là thế hệ cuối cùng được chứng kiến một Bắc Cực vẫn có băng bao phủ vào mùa hè", bà Stefanie Arndt, chuyên gia về đặc điểm vật lý của biển băng cho biết.

Báo cáo mới nhất được (IPCC) công bố hồi tháng 8 nêu rõ trong những thập kỷ tới, biến đổi khí hậu sẽ gia tăng ở tất cả các khu vực. Trái đất nóng lên 1,5°C sẽ gây ra các đợt nắng nóng, mùa nóng kéo dài hơn và các mùa lạnh ngắn ngày càng thường xuyên hơn.

Một nghiên cứu mới đây cũng dự đoán, khoảng 118 triệu người nghèo ở châu Phi sẽ phải hứng chịu hậu quả nặng nề của thảm họa thiên nhiên như hạn hán, nắng nóng hay lũ lụt khi các sông băng huyền thoại phía đông “lục địa đen” có nguy cơ bị “xóa sổ” trong 2 thập kỷ tới.

“Sự thu hẹp nhanh chóng của các sông băng cuối cùng còn sót lại ở phía đông châu Phi - dự kiến sẽ tan chảy hoàn toàn trong tương lai gần - báo hiệu mối đe dọa về sự thay đổi không thể đảo ngược đối với hệ thống Trái đất”, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới Petteri Taalas cho hay.

Song Hy (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/con-nguoi-da-buoc-qua-gioi-han-co-the-cuu-duoc-trai-dat-ar642406.html