Con người đang đầu độc Trái đất bằng việc dùng muối vô tội vạ

Theo nghiên cứu của các nhà địa chất từ Đại học Maryland, tình trạng muối tràn vào sông suối là một 'mối đe dọa hiện hữu'.

Một ruộng muối trong mùa thu hoạch

Một ruộng muối trong mùa thu hoạch

Theo một đánh giá khoa học mới do Giáo sư Địa chất thuộc Đại học Maryland Sujay Kaushal khởi xướng, nhu cầu về muối ngày càng cao gây ảnh hưởng đến cả hệ sinh thái lẫn sức khỏe con người. Được đăng trên tạp chí Nature Reviews Earth & Environment, bài viết khoa học tiết lộ rằng các hoạt động của con người đang làm cho không khí, đất và nước ngọt trên Trái đất trở nên mặn hơn. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, nó có thể gây ra “mối đe dọa” không kém gì khí nhà kính.

Tăng tốc chu trình muối tự nhiên

Các quá trình địa chất và thủy văn đẩy muối lên bề mặt Trái đất theo thời gian, nhưng nhiều hoạt động của con người như khai thác mỏ và phát triển hạ tầng đang đẩy nhanh “chu trình muối” tự nhiên. Canh tác nông nghiệp, xây dựng, khai thác nước và làm đường sá cũng như các hoạt động công nghiệp khác đều có thể làm tăng tình trạng nhiễm mặn, gây tổn hại đến đa dạng sinh học và khiến nước uống ngày càng không an toàn.

Giáo sư Kaushal cho biết: “Nếu bạn coi hành tinh này như một cơ thể sống, khi bị tích lũy quá nhiều muối, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan hoặc hệ sinh thái quan trọng”, đồng thời lưu ý: “Việc loại bỏ muối khỏi nước tốn nhiều năng lượng và tài chính, đồng thời sản phẩm phụ là nước muối mà bạn tạo ra lại còn mặn hơn nước biển và không thể dễ dàng xử lý”.

Kaushal và các đồng tác giả đã mô tả những xáo trộn này là một “chu trình muối do con người tạo ra”. Có thể coi đây là lần đầu tiên có một báo cáo xác định rằng con người tạo ảnh hưởng đến nồng độ và chu trình muối trên quy mô toàn cầu.

Đồng tác giả nghiên cứu là Gene Likens, nhà sinh thái học tại Đại học Connecticut và Viện Nghiên cứu Hệ sinh thái Cary, cho biết: “Hai mươi năm trước, tất cả những gì chúng tôi có chỉ là những nghiên cứu điển hình. Chúng tôi khi đó chỉ có thể nói rằng nước bề mặt ở New York hoặc nguồn cấp nước uống của Baltimore có vị mặn. Còn bây giờ chúng tôi chứng minh rằng đó là một chu kỳ - từ lòng Trái đất đến bầu khí quyển - đã bị xáo trộn đáng kể bởi các hoạt động của con người”.

Các dạng khác nhau và tác động môi trường của muối

Nghiên cứu mới đã xem xét nhiều loại ion muối được tìm thấy dưới lòng đất và nước bề mặt. Muối là các hợp chất có cation tích điện dương và anion tích điện âm, trong đó một số chất phổ biến nhất là ion canxi, magie, kali và sunfat.

Kaushal cho biết: “Khi nghĩ đến muối, mọi người thường nghĩ đến natri clorua, nhưng công việc của chúng tôi trong nhiều năm qua đã chỉ ra rằng con người đã làm xáo trộn nhiều loại muối khác, gồm cả những loại liên quan đến đá vôi, thạch cao và canxi sunfat”.

Nhóm của Kaushal đã chỉ ra rằng tình trạng nhiễm mặn do con người gây ra đã ảnh hưởng đến diện tích đất rộng tương đương nước Mỹ. Các ion muối cũng tăng lên ở sông suối trong 50 năm qua, trùng hợp với tốc độ gia tăng sử dụng và sản xuất muối trên toàn cầu.

Xâm mặn vào cả khí quyển và hệ sinh thái

Muối thậm chí đã xâm mặn vào không khí. Ở một số vùng, các hồ đang khô cạn và gió cuốn những đám bụi mặn vào khí quyển. Ở những khu vực có tuyết, muối đường có thể bị khí dung hóa, tạo ra các hạt natri và clorua.

Điều đáng lo, bụi nhiễm mặn có thể đẩy nhanh quá trình tan tuyết và gây hại cho con người, nhất là ở những nơi dựa vào tuyết để lấy nước. Do cấu trúc của chúng, ion muối có thể liên kết với các phân tử chất gây ô nhiễm trong đất và trầm tích, tạo thành “cocktail hóa chất” lưu thông trong môi trường và gây ra những tác động bất lợi.

Kaushal cho biết: “Muối chứa nhiều ion bán kính nhỏ và có thể tự chèn vào giữa các hạt đất rất dễ dàng. Trên thực tế, đó là cách muối đường ngăn cản sự hình thành tinh thể băng”.

Tác động của muối đường và khuyến nghị chính sách

Muối đường (là muối được rải trên đường để khử băng vào mùa đông) có tác động to lớn ở Mỹ, nơi sản xuất ra 20 tỉ kg chất khử băng mỗi năm. Muối đường chiếm 44% lượng muối nước Mỹ tiêu thụ từ năm 2013 đến năm 2017 và chiếm 13,9% tổng lượng chất rắn hòa tan đi vào sông suối trên toàn nước Mỹ. Theo nhóm của Kaushal, điều này có thể tăng nồng độ muối “đáng kể” ở các lưu vực sông.

Để ngăn chặn các tuyến đường thủy ở Mỹ bị nhiễm mặn trong những năm tới, nhóm của Kaushal khuyến nghị các chính sách hạn chế rải muối trên đường hoặc khuyến khích một số giải pháp thay thế. Washington, D.C. và một số thành phố khác của Mỹ đã bắt đầu khử băng trên đường bằng nước ép củ cải đường, có tác dụng tương tự nhưng chứa ít muối hơn.

Kaushal cho biết việc cân nhắc những rủi ro ngắn hạn và dài hạn của muối đường ngày càng trở nên quan trọng, vốn đóng vai trò quan trọng đối với an toàn giao thông công cộng nhưng cũng có thể làm giảm chất lượng nước.

Kaushal nói: “Có nguy cơ tai nạn ngắn hạn, nghiêm trọng và là điều chúng tôi chắc chắn cần phải suy nghĩ, nhưng cũng có nguy cơ lâu dài về các vấn đề sức khỏe liên quan đến quá nhiều muối trong nước của chúng ta. Cần tìm kiếm sự cân bằng phù hợp”.

Những thách thức về quy định và mối quan tâm về môi trường

Các tác giả của nghiên cứu cũng kêu gọi tạo ra “giới hạn để sử dụng muối an toàn và bền vững” theo cách tương tự như giới hạn carbon dioxide trong mục tiêu hạn chế biến đổi khí hậu. Kaushal cho biết về mặt lý thuyết có thể điều chỉnh và kiểm soát nồng độ muối nhưng nó lại có những thách thức đặc biệt.

Kaushal giải thích: “Đây là một vấn đề rất phức tạp vì muối không được coi là chất gây ô nhiễm nước uống chính ở Mỹ. Nhưng tôi nghĩ đó là một loại chất đang gia tăng trong môi trường đến mức có hại”.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/con-nguoi-dang-dau-doc-trai-dat-bang-viec-dung-muoi-vo-toi-va-208368.html