Con người là trung tâm của mô hình thành phố thông minh

Chiều 14/4, tại Hà Nội, tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12 diễn ra hội thảo về 'Thành phố thông minh - số hóa'. Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng và ông Denis Thuriot, Chủ tịch Vùng Nevers chủ trì hội thảo.

Quang cảnh Phiên hội thảo "Thành phố thông minh - số hóa". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Quang cảnh Phiên hội thảo "Thành phố thông minh - số hóa". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là hành trình liên tục, lâu dài, đi từ thấp đến cao, trải qua nhiều giai đoạn. Quá trình đó cần sự tham gia, phối hợp đồng bộ, tổng thể từ các bên liên quan. Theo quan điểm xuyên suốt của Việt Nam, nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Do đó, hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, sáng kiến trong chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nguồn lực tài chính từ các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế.

Hội thảo là cơ hội đặc biệt quan trọng để các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam chia sẻ, giao lưu hợp tác với các địa phương và doanh nghiệp của Pháp, từ đó nghiên cứu áp dụng tại địa phương, đơn vị, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu cuối cùng là mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người dân địa phương mình.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cũng chia sẻ cách tiếp cận triển khai thành phố thông minh của Đà Nẵng theo 3 trục Hạ tầng - Dữ liệu - Thông minh; ban hành Khung kiến trúc để định hướng; hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng chuyển đổi số; ứng dụng thông minh lấy người dân, tổ chức làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.

Bên cạnh những thuận lợi, kết quả đạt được, công tác triển khai thành phố thông minh, chuyển đổi số của Đà Nẵng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Chuyển đổi số, thành phố thông minh dựa trên dữ liệu là ý tưởng của các quốc gia phát triển; các giải pháp, sản phẩm này phù hợp với các nước có nền kinh tế cao, trong khi Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung có quy mô kinh tế thấp nên việc lựa chọn giải pháp, quy mô đầu tư, hạng mục đầu tư và đầu tư vào lúc nào là những vấn đề cần đánh giá, phản biện...

Chính sách thiếu nhất quán trong việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước của các Bộ, ngành chưa hỗ trợ cho việc áp dụng công nghệ số; cơ chế Sandbox chưa có hướng dẫn để hỗ trợ việc thí điểm, dẫn đến nguy cơ phá vỡ kiến trúc, làm chậm quá trình chuyển đổi số. Các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn dữ liệu chưa được chuẩn hóa, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông, môi trường. Dữ liệu còn rời rạc, chưa được kết nối, liên thông, chia sẻ sử dụng chung giữa các bộ, ngành với địa phương. Chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về dữ liệu mở; chưa có cơ chế, chính sách về sử dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế số.

Ông Denis Thuriot, Chủ tịch Vùng Nevers phát biểu tại Phiên hội thảo "Thành phố thông minh - số hóa". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Ông Denis Thuriot, Chủ tịch Vùng Nevers phát biểu tại Phiên hội thảo "Thành phố thông minh - số hóa". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chia sẻ về xây dựng thành phố thông minh, ông Denis Thuriot, Chủ tịch Vùng Nevers cho biết: Con người phải là trung tâm của cách tiếp cận thành phố thông minh. "Thiết bị đầu cuối" thực sự của thành phố thông minh không phải là điện thoại thông minh, không phải máy tính bảng hay máy tính mà con người sống trong thành phố đó phải tận dụng tối đa tất cả các dịch vụ mà thành phố đó cung cấp.

"Thành phố thông minh của chúng tôi bao gồm nhiều chủ đề: Giáo dục, văn hóa, an toàn cũng như công nghệ xanh để trở nên mẫu mực hơn nữa về mặt quản lý chất thải", ông Denis Thuriot thông tin.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số là xu thế toàn cầu, là tiến trình không thể đảo ngược, là cơ hội cho không chỉ Việt Nam mà cả các nước, các doanh nghiệp trên thế giới. Do vậy, hợp tác quốc tế là giải pháp để tổ chức triển khai, thúc đẩy chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác, chia sẻ, trao đổi những kiến thức về chuyển đổi số, chuyển giao những công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường tới Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với các địa phương xuyên suốt trong quá trình Chuyển đổi số quốc gia.

Các đại biểu dự Phiên hội thảo "Thành phố thông minh - số hóa". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Các đại biểu dự Phiên hội thảo "Thành phố thông minh - số hóa". Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai, các mô hình, bài học thành công và cả thất bại trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh là rất cần thiết. Các doanh nghiệp Pháp có thế mạnh trong các lĩnh vực: Viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y sinh, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, hạ tầng, dịch vụ logistics... là cơ hội tiếp cận, hợp tác giữa địa phương hai nước - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.

Nam Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/con-nguoi-la-trung-tam-cua-mo-hinh-thanh-pho-thong-minh-20230414210707674.htm